Thời điểm khó khăn
Theo HSBC, đây là thời điểm khó khăn cho Việt Nam. Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong ba thập kỷ qua đã trút sự tàn phá xuống sản lượng nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chứa nhiều bất ổn. Hậu quả là tăng trưởng GDP quý II/2016 thấp hơn so với dự kiến, và nền kinh tế có thể sẽ trượt mục tiêu tăng trưởng hàng năm 6,7% do Chính phủ đề ra cho năm 2016.
Theo HSBC, hạn hán kỷ lục đã khiến tăng trưởng GDP quý II/2016 thấp hơn so với dự kiến, và nền kinh tế có thể sẽ trượt mục tiêu tăng trưởng hàng năm 6,7% do Chính phủ đề ra cho năm 2016. Ảnh T.L minh họa
Tuy nhiên, HSBC cho biết vẫn tìm thấy những dấu hiệu lạc quan cho các quý sắp tới. Báo cáo GDP cho thấy nhiều lĩnh vực quan trọng khác như sản xuất và dịch vụ vẫn hoạt động mạnh mẽ, và còn nhiều dấu hiệu cho thấy hai lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các quý tiếp theo.
Cùng với đó, chỉ số phụ PMI đơn hàng xuất khẩu mới vẫn đang tăng mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Trong đó, theo chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI của Markit, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong quý II/2016 tiếp tục mở rộng thêm. Chỉ số PMI đạt 51,9 điểm, cao hơn mức không thay đổi 50 điểm và thể hiện tháng thứ 8 liên tiếp các điều kiện kinh doanh của ngành đạt mức cải thiện như thế.
Cần lưu ý rằng so với các nước trong khu vực, hoạt động sản xuất của Việt Nam cũng tiếp tục duy trì kết quả tốt. Trong tháng Bảy, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế châu Á mới nổi, với Ấn Độ cùng theo sát nút (tăng trưởng cũng có ở Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc với mức độ nhỏ hơn nhiều). Việt Nam cũng là một trong số rất ít các nền kinh tế vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng mới.
Xuất khẩu và FDI vẫn mạnh
Cũng theo HSBC, nhu cầu nước ngoài phục hồi được lặp lại trong số liệu hoạt động xuất khẩu. Từ đầu năm đến tháng Bảy, hoạt động xuất khẩu tăng 5,3% so với cùng kỳ, thặng dư thương mại trong 7 tháng đầu năm đạt mức 1,8 tỷ USD, một sự chuyển biến đáng chú ý so với mức thâm hụt thương mại 3,9 tỷ USD đã được ghi nhận vào thời điểm này năm ngoái.
Theo HSBC, Bộ Tài chính vừa đề xuất việc Chính phủ phải ngừng bảo lãnh cho các khoản vay của các DNNN cho các dự án mới sẽ bắt đầu trong năm sau, và gia tăng việc giám sát các khoản vay đã dành những dự án đang hiện hữu. Điều này sẽ không chỉ khiến các DNNN hoạt động hiệu quả hơn, mà còn giúp kiểm soát nợ công, để từ đó Chính phủ có nhiều dư địa hơn cho chính sách tài khóa của mình. |
Khi nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng vượt nhanh hơn các nước trong khu vực, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì dồi dào sẽ quay trở lại giúp nền kinh tế giành được nhiều thị phần xuất khẩu hơn ngay cả khi nhu cầu toàn cầu chậm lại. Nguồn vốn FDI mới từ đầu năm đến nay đã tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 12,9 tỷ USD với phần lớn đổ vào ngành sản xuất, chế biến và các dự án bất động sản. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút 1.408 dự án FDI (tăng hơn 32% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt 8,7 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam thể hiện khá tốt so với các nước trong khu vực, nhưng theo HSBC, những ảnh hưởng của đợt hạn hán này đối với nền kinh tế vẫn cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% do Chính phủ đề ra khó có thể đạt được. HSBC cho rằng, tăng trưởng sẽ nằm xung quanh mức 6% trong năm nay (dự báo năm 2016 là 6,3% và năm 2017 là 6,6%), tương ứng với mức dự báo của Ngân hàng Thế giới, nhưng cũng sẽ không vượt ra khỏi tỷ lệ tăng trưởng từng thấy trong những năm gần đây.
Cùng với việc tăng trưởng khó đạt kỳ vọng, theo HSBC, Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong những tháng tới, khi Chính phủ đang có kế hoạch tăng viện phí và học phí trong tháng Chín; cộng với tình hình khí hậu nóng bức cũng nhiều khả năng sẽ tạo áp lực việc tăng giá thực phẩm. Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng - yếu tố phản ảnh nhu cầu trong nước tăng mạnh (đặc biệt là hoạt động đầu tư) dự kiến sẽ vượt mức dự kiến 18-20%.
Nguy cơ lạm phát tăng cao cũng đồng nghĩa với việc dư địa nới lỏng tiền tệ sẽ bị giới hạn. Thực sự, HSBC dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều khả năng tăng lãi suất OMO lên 5,5% trong quý III/2017 để kiềm chế lạm phát.
Lạc quan trong trung hạn
Tuy vậy, HSBC vẫn cho rằng, triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn còn nhiều lạc quan mặc dù hiện tại có rất nhiều khó khăn. Khả năng không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay không hẳn là điều xấu, bởi tăng trưởng kinh tế nhanh hơn có thể dẫn đến tình trạng lạm phát cao, tiền đồng bị suy yếu và các nguồn lực được phân bổ thiếu hiệu quả - đặc biệt là nguồn lực tín dụng - trong trung hạn.
Đặc biệt HSBC cũng nuôi dưỡng nhiều hy vọng rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối cùng sẽ được phê chuẩn. “Trong giai đoạn từ trung đến dài hạn, TPP có thể sẽ đưa hồ sơ thương mại đã phát triển tương đối mạnh mẽ của Việt Nam lên một tầm to lớn hơn”, HSBC cho biết.
Theo các ước tính khác nhau, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ hiệp định này vốn nhằm thúc đẩy mở cửa thị trường, giải quyết các rào cản đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng như những vấn đề pháp lý và phát triển có liên quan. Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, TPP sẽ nâng GDP của Việt Nam lên 10% với phần lớn sự tăng trưởng có được xuất phát từ lĩnh vực dệt may xuất khẩu đi Mỹ và Nhật./.