Trang bị kỹ năng an toàn điện cho cán bộ dịch vụ điện nông thôn ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sáng 8/8, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Hà Tĩnh phối hợp Phòng Quản lý năng lượng - Sở Công thương tổ chức lớp huấn luyện an toàn điện cho 100 cán bộ vận hành, sửa chữa điện nông thôn trên địa bàn tỉnh.

100 cán bộ vận hành, sửa chữa điện nông thôn tại Hà Tĩnh tham gia khóa huấn luyện an toàn điện

Trong thời gian 3 ngày, các học viên là cán bộ, công nhân tại các hợp tác xã dịch vụ điện và tổ chức quản lý điện ở các chợ đã được truyền đạt, nghiên cứu một số nội dung mấu chốt tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành điện. Bao gồm: Luật Điện lực năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2004; Nghị định số 137/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2004…

Giảng viên Lê Sỹ Đình - Phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công thương Hà Tĩnh lên lớp về các nội dung an toàn điện

Các giảng viên chuyên ngành còn trang bị cho các học viên về kiến thức, kỹ năng liên quan đến công tác an toàn điện như: Khoảng cách an toàn, vi phạm quy định về an toàn điện, các thao tác, biện pháp đảm bảo an toàn điện trong quá trình vận hành, sửa chữa điện…

Các học viên phải trải qua kỳ thi sát hạch và được cấp chứng chỉ an toàn điện nếu đủ tiêu chuẩn

Ngoài ra, những văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến giá bán điện đã được quán triệt rất cụ thể như: Thông tư số 25/2018/TT-BCT của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về giá bán điện; Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá điện. Đây là cơ sở để các hợp tác xã và tổ chức quản lý điện ở các chợ thực hiện đúng giá bán điện.

Khóa huấn luyện nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, sửa chữa điện; không ngừng nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng theo hướng hiện đại. Trong ảnh: Nhân viên HTX Dịch vụ điện xã Xuân Viên (Nghi Xuân) sửa chữa điện cho người dân trên địa bàn.

Kết thúc khóa huấn luyện, các học viên phải trải qua kỳ thi sát hạch và được cấp chứng chỉ an toàn điện nếu đủ tiêu chuẩn. Đây là nền tảng quan trọng để cán bộ dịch vụ điện nông thôn hoàn thiện kiến thức, kỹ năng về công tác an toàn và các vấn đề liên quan. Từ đó, nâng cao hiệu quả vận hành, sửa chữa điện; không ngừng nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng theo hướng hiện đại.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói