Trước 30/3, bàn giao mặt bằng thi công cầu Cửa Hội nối Hà Tĩnh - Nghệ An

(Baohatinh.vn) - Dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Phối cảnh tổng thể dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối Nghệ An với Hà Tĩnh

Để đảm bảo tiến độ thi công dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo UBND huyện Nghi Xuân phải xác định việc sớm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của địa phương.

Theo đó, huyện Nghi Xuân phải huy động cả hệ thống chính trị, tập trung các nguồn lực, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong đó, lãnh đạo UBND huyện, Hội đồng bồi thường - GPMB huyện và lãnh đạo UBND các xã phải trực tiếp đến các thôn xóm, hộ dân, vị trí còn vướng mắc để kiểm tra cụ thể, tổ chức họp, vận động, thuyết phục và tìm hiểu nguyên nhân các vướng mắc, phân nhóm đối tượng nhằm tìm ra giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp, kiên quyết và dứt điểm.

Tăng cường tuyên truyền, giải thích các chế độ, chính sách về bồi thường - hỗ trợ - GPMB, đồng thời nói rõ lợi ích của dự án, quyền lợi và trách nhiệm của người dân để dân hiểu, đồng thuận và thực hiện.

Chỉ đạo Hội đồng bồi thường - GPMB huyện khẩn trương kiểm đếm khối lượng, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt, chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng; giải phóng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công trước ngày 30/3/2019.

Sở Tài chính khẩn trương xem xét đề xuất, kiến nghị của UBND huyện Nghi Xuân, căn cứ chi đạo của UBND tỉnh tại các Văn bản: số 5462/UBND-GT1 ngày 12/9/2018, số 6657/UBND-GT1 ngày 25/10/2018 nhằm tham mưu bố trí kinh phí để UBND huyện Nghi Xuân triển khai thực hiện.

Ban Quản lý dự án 6 cử cán bộ thường xuyên đồng hành, phối hợp với chính quyền địa phương (huyện, xã, thôn xóm nơi tuyến đi qua), hội đồng bồi thường - GPMB huyện và các đơn vị liên quan để hỗ trợ, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ GPMB của dự án; chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng công trình đảm bảo kỹ thuật, chất lượng theo quy định, hoàn thành toàn bộ dự án đúng tiến độ...

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao các Sở: TN&MT, Tài chính, Xây dựng, NN&PTNT, GTVT và các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra hướng dẫn UBND huyện Nghi Xuân thực hiện công tác bồi hường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án đảm bảo đúng quy định; kịp thời yêu cầu địa phương chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa các sai sót, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm (nếu có); chủ động, kịp thời hướng dẫn, xem xét giải quyết dứt điểm các đề xuất, kiến nghị của địa phương để đẩy nhanh tiến độ GPMB của dự án.

Ngày 12/2/2019, tại TX. Cửa Lò, Bộ GTVT phối hợp cùng 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An tổ chức lễ ra quân xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn dự án gồm: 450 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, 250 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh Nghệ An và 250 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án có tổng chiều dài 5,271 km, gồm phần cầu chính và phần đường dẫn 2 đầu phía Hà Tĩnh và Nghệ An. Riêng điểm cuối dự án khớp nối tuyến đường ven biển do tỉnh Hà Tĩnh thực hiện, cách vị trí nút giao với QL8B khoảng 200m, thuộc xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân.

Theo thiết kế được phê duyệt, phần cầu chính Cửa Hội dài 1,728 km, bề rộng cầu chính 18,5m và bề rộng cầu dẫn 16m. Tĩnh không thông thuyền đáp ứng cho tàu biển có tải trọng đến 2.000 DWT, khổ giới hạn thông thuyền 120m x 20,5m, riêng phạm vi từ tim luồng ra mỗi bên 40m có chiều cao tĩnh không 24,5m.

Phần đường của dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường 11m, bao gồm hai làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp, tốc độ thiết kế 80km/h.

Chủ đề Giải phóng mặt bằng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói