Trường học hơn 16 tỷ đồng, hoàn thành 5 năm chưa một ngày đón học sinh!

(Baohatinh.vn) - Được xây dựng trong khuôn viên hơn 1 ha với 3 dãy nhà cao tầng, trong đó đầy đủ các hạng mục, nhưng Trường THCS Hương Quang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) chưa một lần đón học sinh. Gần 5 năm trôi qua, ngôi trường có tổng mức đầu tư xây dựng 16,2 tỷ đồng này đang dần xuống cấp...

Dù đã hoàn thành gần 5 năm nhưng các dãy nhà học, nhà hiệu bộ khá khang trang, hiện đại của Trường THCS Hương Quang vẫn chưa một lần phục vụ hoạt động dạy - học

Thực hiện chủ trương di dời tái định cư cho người dân vùng lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, năm 2011, dự án Trường THCS Hương Quang được triển khai với nguồn vốn đầu tư 16,2 tỷ đồng với các hạng mục khá đồng bộ, hiện đại gồm 1 dãy nhà học 2 tầng 6 phòng, 1 nhà hiệu bộ 8 phòng và nhà ở công vụ, nhà để xe, cổng, khuôn viên, hàng rào, đường nội bộ...

Khung cảnh đìu hiu tại công trình dường như bỏ hoang này

Năm 2013, khi người dân Hương Quang thực hiện di dời tái định cư cũng là lúc công trình hoàn thành. Tuy nhiên, do nhiều hộ di dân tự do, số lượng dân di dời đến địa điểm mới không đông như kế hoạch, dẫn đến số lượng học sinh giảm sút, không đủ như quy mô trường lớp đã xây. Vì vậy, ngay sau khi đến nơi ở mới, học sinh Hương Quang được sáp nhập đến học tại Trường THCS Quang Thọ (Hương Quang và Hương Thọ). Và, gần 5 năm trôi qua, cơ sở vật chất ở Trường THCS Hương Quang vẫn chưa một lần phục vụ hoạt động dạy - học, ngày càng xuống cấp.

Để bớt lãng phí, UBND xã Hương Quang đã cho bộ đội biên phòng mượn tạm nhà hiệu bộ để làm trạm; một số phòng của khu nhà nội trú được cho giáo viên trường tiểu học gần đó đến ở; khuôn viên, các dãy nhà học, nhà chức năng và các công trình khác thì bỏ không...

Cửa sổ, cửa chính nhiều phòng học đã bị hư hỏng

Ông Lê Thanh Yên - Trưởng ban chuyên trách bồi thường hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang cho biết: “Tại thời điểm đó (lúc lập dự án) thì buộc phải xây dựng trường để khi di dời đến nơi ở mới con em vùng tái định cư có trường để học. Mặt khác, việc xây trường có ý nghĩa nhân văn, mang tính khuyến khích, động viên bà con đến nơi ở mới, nhường đất cho dự án. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phát hiện số lượng học sinh biến động nên đã rút xây nhà học 3 tầng xuống còn 2 tầng và thay đổi một số hạng mục nhỏ. Tuy nhiên, đến nay, có thể khẳng định rằng đây là một công trình lãng phí”.

Chân cầu thang trở thành nơi trâu bò tránh trú và phóng uế...

Ông Nguyễn Trường Thọ - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hương Quang cho biết thêm: “Tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn đều đã có trụ sở khang trang, kiên cố nên chẳng có ai có nhu cầu nhận thêm cơ sở vật chất của Trường THCS Hương Quang. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án đưa trụ sở UBND xã vào trong đó nhưng cũng không ổn vì không thuận lợi cho người dân đến giao dịch, mà nếu có chuyển đến đây thì lại dư thừa trụ sở hiện tại và phải có kinh phí để sửa sang vì nó được thiết kế cho trường học...”.

“Từ khi công trình Trường THCS Hương Quang được bàn giao về cho địa phương đến nay luôn khiến chúng tôi đau đầu trong việc quản lý, sử dụng. Nhu cầu dùng không có nhưng bán thì không ai mua, để lại thì bảo quản không xuể, trong khi công trình ngày càng xuống cấp, hư hỏng nặng”, ông Thọ trải lòng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói