Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Trong làng, ai có công to việc nhỏ gì cũng đều vời đến Bính. Đám cưới ma chay Bính đi kéo bàn ghế dựng rạp, đến bữa chủ nhà mời cơm rượu thì Bính ăn, có tiền thì đưa chút đỉnh, nếu không Bính cũng chỉ cười hiền.
Đầu xuân Bính đi thồ mạ, giữa mùa Bính đi nhổ cỏ, phun thuốc trừ sâu. Trai tráng lực điền phun một buổi chiều bốn năm bình là người đã gây gây về nghỉ, Bính phun gấp đôi. Chủ ruộng chuẩn bị nước chanh đường cho uống phòng say thuốc thì Bính cảm ơn, không thì Bính vào nhà nào gần đồng xin nước mưa uống, hôm nào xa xóm làng Bính tháo nón vục xuống sông sâu, tuyệt không ai thấy Bính đòi hỏi kỳ kèo.
Cuốc kêu mùa hạ Bính đi gặt lúa kéo xe, đường làng đầy rơm Bính cầm càng xe lúa đầy mà đi băng băng không cần ai đẩy phụ. Gặt xong thì đi cày ải, tát nước, đánh hốc sắn dây... Có khi người làng đánh nhau chửi đổng cũng vì tranh giành thuê mượn Bính.
Nhà có hai anh em, bao nhiêu khôn ngoan người anh nhận hết. Không muốn chị dâu anh cả hấm hứ về mình, Bính bỏ nhà lên điếm canh trên đê mà ở.
Một thân một mình, cơm nước làng cho ăn, áo quần xuống sông giặt. Mùa đông mùa hè độc một tấm chăn chiên con công cũ.
Tết nhất người này mời Bính chén rượu, nhà kia gửi cái bánh chưng, người khác thịt con lợn gọi đến làm bộ lòng, thế là thêm tuổi.
Ngót nghét bốn mươi, con gái trong làng ưng Bính lắm, sức ấy mà làm lụng lo gì không có ăn, nhưng miệng lưỡi thiên hạ năm này qua năm khác độc một câu:
- Ai lại lấy đầy tớ làng.
Câu nói như bức thành kiên cố, như nọc độc châm vào cái tôi vốn bé nhỏ càng thêm bé nhỏ của con gái quê mùa. Đàn bà quá lứa nhỡ thì thi thoảng đêm khuya cũng thân gái dặm trường băng đồng mà tìm chỗ Bính. Nhưng sau họ truyền tai nhau bảo Bính dở hơi, mèo chê cá rán, chó chê thịt gà.
Thế mà đùng một cái Bính có vợ.
Làng trên xóm dưới xôn xao.
Hôm ấy Bính đi dỡ rạp đám cưới cô Lài. Cô Lài cao ráo, phúc hậu đảm đang nhất nhì làng, ngặt nỗi nhà nghèo nên lấy chồng hơi muộn. Lúc Bính đang tháo đống dây điện rối tung và mớ đèn nhấp nháy trên cây bàng trước ngõ thì trong nhà mẹ chồng bảo Lài rằng:
- Hai mâm cỗ bạn bè chúng bay ngồi, tiền mừng đâu đưa cả đây để tao thanh toán tiền cỗ bàn, chè thuốc.
Lài ngoan ngoãn vào buồng rồi đem xấp phong bì ra đặt trên bàn. Xong đâu đấy cô vào bếp hớt thúng tro mang ra ao rắc lên mặt nước cho thấm bớt dầu mỡ mà khi làm cỗ rửa bát người ta làm chảy xuống ao.
Lớp mỡ ấy mà phủ lâu, cá ngoi lên ngớp hơi chết hết. Tưởng mọi chuyện đâu vào đấy ai ngờ trong nhà bỗng ồn ào. Bà mẹ chồng sau khi đếm hết tiền mớ phong bì Lài đưa bèn rít qua kẽ răng đay nghiến:
- Con này rút ruột, mới về nhà chồng đã giở thói gian manh.
Bậc cha chú trong dòng họ nhao nhao:
- Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.
Sẵn hơi men trong người, lại nghe họ mạc khích tướng, chú rể lao ra dúi đầu Lài vào thúng tro đen kịt. Lài sặc sụa ho, mặt mũi bết bát mồ hôi nước mắt, tro xộc vào mũi miệng, cô vùng vằng níu tay van xin chồng mới, cả hai ngã nhào xuống ao.
Vừa lóp ngóp bò lên, chưa kịp hoàn hồn thì ông bố chồng chân đăm đá chân chiêu, ngực nhô cao, tay chỉ mặt Lài mà gào lên:
- Thân mày đã xấu lại xa, đã đắt tiền cưới lại cha mày nghèo.
Lão còn lè nhè chửi cả dòng họ nhà Lài, rằng con trai ông vô phúc. Lài không nhịn được nữa, cô gạt nước mắt xin về nhà mẹ đẻ. Mẹ chồng giậm chân đấm ngực kêu giời. Bố chồng chạy vào nhà cầm ra phích nước sôi, chỉ một giây nữa thôi, nếu Bính không kịp nhảy phóc từ cây bàng xuống mà giơ tay ra gạt thì cả phích nước đổ lên đầu cô dâu mới.
Bính hất cả chú rể lẫn ông bố say xuống ao, mấy thanh niên trong họ không ai dám lại gần, đứa nào đứa nấy lạ gì sức Bính. Rồi cứ thế Bính dắt Lài hay Lài dắt Bính không biết nữa, chỉ biết hai con người khốn khổ ấy rời làng.
Suốt một thời gian dài, trong làng ngoài ngõ xôn xao chuyện Bính. Người ta tiếc rẻ khi giữa vụ sâu đục thân, rầy nâu phá lúa chưa biết nhờ ai phun thuốc, mùa đánh hốc sắn dây đất nặng công cao...
Bẵng đi mấy năm, tưởng người ta đã quên thì Bính dắt vợ về làng, trên tay con bồng con bế. Bính về nhà anh cả, điềm nhiên vào chiếc giường cha mẹ để lại đặt đứa con thơ. Bà chị dâu đông đổng chửi quân diều tha quạ cắp đang yên đang lành lại dắt díu về đây xào xáo...
Túp lều và cây khế chỉ có trong cổ tích, thời nay đâu có phượng hoàng. Bính mang đơn lên xã rồi lên huyện. Luật xử Bính thắng, dân làng xử cho Bính thắng. Mảnh đất chia đôi, Bính nhận phần thắt hậu xấu dáng cuối vườn.
Dạo đó vào mùa hè, đêm ngày gì Bính cũng đánh trần xoay người đóng gạch. Bính xây tường rào cao vút, trổ một lối đi nhìn ra cánh đồng. Ai thuê gì Bính cũng làm, tiền công cứ thanh toán cho vợ Bính.
Trong vườn Bính đào ao nuôi cá trắm, đất dưới ao hất lên đánh gốc trồng chuối tra phân canh đúng mùa tết thì thu hoạch. Dưới những bụi chuối vươn lên xanh mướt, Lài trồng mùng gieo rau đi chợ bán sớm hôm.
Nhà Bính xây mới khang trang, gió ngoài đồng thổi vào mát rượi. Người làng đi làm đồng qua vẫn thường ghé vào rửa chân xin nước uống. Ai cũng nghĩ mình góp công gây dựng cơ ngơi này và thường chắc mẩm rằng Bính phải hàm ơn.
Hoàng Hiền