UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri Hà Tĩnh gửi tới Quốc hội

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Hà Tĩnh gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các cơ quan, địa phương kịp thời thông tin để cử tri được rõ.

UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri Hà Tĩnh gửi tới Quốc hội

Cử tri Nguyễn Thành Vân - Bí thư Chi bộ thôn Trung Châu (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) tham gia ý kiến tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội tỉnh.

Câu 1: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng, hạng mục lòng hồ Rào Trổ triển khai thực hiện từ năm 2011, đến nay, các chính sách, cơ chế hỗ trợ theo quy định của tỉnh đã hết hiệu lực thực hiện (Nghị quyết số 34/2012/NQ-HĐND tỉnh khóa XVI). Các chính sách đối với người dân ở một số thôn thuộc 2 xã Kỳ Tây và Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh chưa hoàn thành hoặc chưa được thực hiện. Đề nghị tỉnh kịp thời hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án (cử tri huyện Kỳ Anh).

Trả lời: Dự án Cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng nhằm đảm bảo cấp nước cho toàn Khu kinh tế Vũng Áng với công suất 762.000 m3/ngày đêm; tưới ổn định cho 1.335ha đất sản xuất nông nghiệp và 300ha nuôi trồng thủy hải sản; giảm lũ cho vùng hạ du công trình; góp phần ngọt hóa sông Trí, sông Quyền; cải thiện môi trường sinh thái, trong đó trả lại môi trường sau đập dâng Lạc Tiến vào các tháng mùa kiệt lưu lượng tối thiểu là 2,1m3/s. Đây là dự án đa mục tiêu với nhiều nội dung phức tạp liên quan đến tính chất kỹ thuật, nguồn vốn, cơ chế chính sách, hình thức đầu tư...; Dự án đã triển khai từ lâu nhưng một số hạng mục vẫn đang còn dở dang, nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB hạng mục lòng hồ Rào Trổ.

Đến nay, dự án đã quá thời gian áp dụng cơ chế hỗ trợ từ nguồn NSNN để thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tái định cư nên chưa có cơ sở để tiếp tục tham mưu bố trí nguồn vốn. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án, dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp chuyên đề sắp tới. Sau khi chính sách mới được ban hành, UBND tỉnh sẽ kịp thời cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án.

Câu 2: Việc khai thác đá tại núi Nam Giới (Thạch Hà) làm ảnh hưởng đến cảnh quan, gây bồi lắng Cảng cá Cửa Sót và làm ô nhiễm môi trường. Đề nghị rà soát, chỉ đạo chấm dứt việc khai thác đá tại núi Nam Giới (cử tri huyện Lộc Hà).

Trả lời: Tại núi Nam Giới (Thạch Hà) có 2 đơn vị được cấp phép khai thác đá: Công ty CP Khai thác và chế biến đá Thạch Hải, được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản số 1442/GP-UBND ngày 7/6/2016, thời hạn khai thác 5 năm, hiện đã hết thời hạn khai thác. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan kiểm tra thực địa và nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ đá Nam Giới, kết quả báo cáo như sau: đã thực hiện cạy gỡ đá treo trên sườn tầng; đã đổ đất, san gạt mặt bằng và trồng cây phục hồi môi trường mặt bằng moong mỏ (trừ diện tích 1 hồ nước đã được Công ty lập hàng rào bằng giây thép gai để tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phục vụ chống cháy rừng như đề xuất của UBND xã Thạch Hải tại văn bản số 06/UBND ngày 22/2/2022); đã tháo dỡ trạm nghiền sàng, trạm cân, san gạt mặt bằng khu vực bãi chế biến, khu vực phụ trợ và đã trồng cây phục hồi môi trường trên toàn bộ diện tích phụ trợ, bãi chế biến; đã lập hàng rào thép gai, sửa chữa đường vào mỏ, lập biển báo an toàn.

Hiện nay, UBND tỉnh đang xem xét quyết định đóng cửa mỏ đá xây dựng núi Nam Giới, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà của Công ty CP Khai thác và chế biến đá Thạch Hải (trên cơ sở đề xuất của Sở TN&MT đã có Văn bản số 2642/STNMT-KS ngày 29/6/2023) để bàn giao đất lại cho địa phương quản lý, sử dụng theo đúng quy định.

Công ty CP Xây dựng I Hà Tĩnh, được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 546/GP-UBND ngày 27/2/2014, với diện tích 14,3 ha, thời hạn 15 năm. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2747/QĐ-UBND ngày 04/9/2013. Theo kết quả kiểm tra ngày 4/11/2022 của Đoàn kiểm tra liên ngành (thành lập theo Quyết định số 311/QĐ-STNMT ngày 31/5/2022 của Giám đốc Sở TN&MT) tại mỏ đá núi Nam Giới cho thấy: Công ty CP Xây dựng I Hà Tĩnh đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, như: đã bố trí nơi thu gom chất thải nguy hại, tưới ẩm dập bụi tại những nơi phát sinh bụi nhiều, trồng cây xanh xung quanh khu vực khai thác và tuyến đường vận chuyển, xây dựng mương thu gom nước mưa chảy tràn và hố lắng, quan trắc môi trường định kỳ năm 2022 (qua rà soát kết quả quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép); trong khu vực mỏ không có hiện tượng sạt, lỡ đất, không có dấu hiệu làm tác động ảnh hưởng đến việc gây bồi lắng Cảng cá Cửa Sót. Tuy vậy, khu vực mỏ gần đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (cách khoảng 800m), nên cũng có phần ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên.

Trong quá trình hoạt động khai thác mỏ, Công ty CP Xây dựng I Hà Tĩnh có một số tồn tại, vi phạm. UBND tỉnh đã có Văn bản số 1743/UBND-NL2 ngày 23/4/2015 về việc dừng hoạt động khai thác khoáng sản một phần diện tích (7ha) do vi phạm quy định về hoạt động khoáng sản; ban hành Kết luận thanh tra số 126/KL-UBND ngày 13/4/2018 về quá trình cấp phép và hoạt động khai thác đá tại mỏ đá núi Nam Giới. Tuy nhiên, Công ty chưa chấp hành theo Kết luận số 126/KL-UBND ngày 13/4/2018 và đang khiếu nại đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Bộ TN&MT đã thành lập đoàn xác minh tại Quyết định số 517/BTNMT-KS ngày 25/3/2021 và thực hiện thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại, thu thập thông tin liên quan đến mỏ đá núi Nam Giới nêu trên để tổng hợp, giải quyết vụ việc khiếu nại nhưng đến nay chưa có kết quả giải quyết.

Sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại của Bộ TN&MT, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xử lý theo đúng quy định hiện hành.

Câu 3: Đời sống nhân dân tại 6 xã vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà hiện gặp nhiều khó khăn do một phần ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và ăn uống không đảm bảo, một số nơi nước bị nhiễm mặn. Đề nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung cho các địa phương này (cử tri huyện Thạch Hà).

Trả lời: Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, gồm: xã Thạch Hải, xã Thạch Khê, xã Đỉnh Bàn, xã Thạch Trị và xã Thạch Lạc. Dự án do Công ty CP Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư, đã triển khai thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ từ năm 2008­-2011; dừng hoạt động khai thác từ tháng 7/2011 theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 164/TB-VPCP ngày 11/7/2011.

Để đảm bảo nguồn nước cho người dân trong khu vực, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh nghiên cứu chủ trương lập dự án cấp nước phục vụ các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê tại Văn bản số 3907/UBND-XD2 ngày 15/12/2009 và phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2290/QĐ-UBND ngày 10/8/2010 với nguồn vốn của Công ty CP Sắt Thạch Khê và nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, do Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tạm dừng nên công trình chưa được thi công hoàn thành; người dân trong khu vực dự án chưa được sử dụng nước sạch từ nhà máy nước tập trung; đặc biệt là Nhân dân ở 6 xã vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà là vùng đang bị ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt do nước ngầm sụt giảm, nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, trong thời gian qua UBND tỉnh đã triển khai đầu tư và đưa vào sử dụng các công trình mạng lưới cấp nước xã Thạch Khê (tại Quyết định số 3256/QĐ-UBND ngày 30/10/2018), nâng cấp hệ thống cấp nước sạch xã Đỉnh Bàn (tại Quyết định số 3189/QĐ-UBND ngày 22/9/2020), huyện Thạch Hà nhằm cấp nước cho người dân trên địa bàn xã Thạch Khê và một phần xã Đỉnh Bàn; chỉ đạo UBND huyện Thạch Hà hỗ trợ kinh phí cho UBND xã Thạch Trị xây dựng công trình cấp nước cho 60 hộ dân có nguồn nước bị nhiễm mặn tại thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị; giao Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh triển khai dự án Phát triển hệ thống cấp nước thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận tại Văn bản số 1505/UBND-XDi ngày 2/4/2023 của UBND tỉnh; đồng thời đề xuất Bộ KH&ĐT xem xét hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng Công trình cấp nước vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà (gồm các xã Thạch Thắng, Thạch Hội, Thạch Văn, Thạch Lạc, Thạch Khê và một số thôn của xã Yên Hòa, Cẩm Dương) tại Văn bản số 3991/UBND-NL5 ngày 24/6/2021.

Tuy nhiên, do nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hiện chưa được bố trí hỗ trợ, đồng thời ngân sách địa phương còn hạn chế nên hiện mới chỉ giải quyết được một phần nhu cầu nước sạch cho người dân trên địa bàn 6 xã vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Phát triển hệ thống cấp nước thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận (tại Văn bản số 1505/UBND-XD1 ngày 2/4/2023), trong đó đầu tư tuyến ống truyền tải chính cấp đủ nước cho các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà và giao UBND huyện Thạch Hà nghiên cứu đề xuất phương án phù hợp để triển khai đầu tư các tuyến ống phân phối, dịch vụ đến tận hộ gia đình.

Câu 4: Đề nghị đầu tư tuyến đường từ Tỉnh lộ 553 huyện Hương Khê đi huyện Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh với chiều dài toàn tuyến gần 30 km (cử tri huyện Hương Khê).

Trả lời: Tuyến đường tỉnh ĐT.553 (tên gọi cũ là Tỉnh lộ 17) là một trong 4 tuyến giao thông trục ngang chiến lược có tính chất kết nối và liên vùng từ phía Đông sang phía Tây. Theo quy hoạch tuyến đường ĐT.553 có tổng chiều dài khoảng 72,5 km (trong đó: có 3,6 km đi trùng Quốc lộ 1 tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh và 2,4 km trùng Quốc lộ 8C), điểm đầu giao với Quốc lộ 15B tại xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, điểm cuối tại Bản Giàng, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê.

Hiện nay, các đoạn tuyến từ đầu tuyến giao Quốc lộ 15B đến xã Nam Điền, huyện Thạch Hà dài 17,53 km đã được đầu tư đạt quy mô đường cấp III, 2 làn xe; đoạn từ đường Hồ Chí Minh đi Bản Giàng dài 24,63 km mới được nâng cấp đạt quy mô đường cấp IV-V, 2 làn xe; đoạn từ xã Lộc Yên đến đường Hồ Chí Minh dài 8,8km đang được đầu tư xây dựng với quy mô đường cấp III, 2 làn xe. Riêng đoạn tuyến còn lại từ xã Nam Điền, huyện Thạch Hà đến xã Lộc Yên, huyện Hương Khê dài khoảng 21,5km chưa cân đối được kinh phí để đầu tư thông tuyến.

Ngày 16/1/2023, UBND tỉnh đã có Văn bản số 276/UBND-GT1 đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT hỗ trợ nguồn vốn từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để đầu tư Dự án đường tỉnh ĐT.553 đoạn từ xã Nam Điền, huyện Thạch Hà đi xã Lộc Yên, huyện Hương Khê; tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Trung ương cân đối, hỗ trợ.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở: KH&ĐT, Tài chính, GTVT và các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với các bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn để đầu tư đoạn tuyến còn lại nhằm hoàn thành toàn bộ tuyến đường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh.

Câu 5: Đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết hệ thống đường dây diện, dây mạng viễn thông hiện đang gây mất mỹ quan đô thị (cử tri thành phố Hà Tĩnh và huyện Đức Thọ).

Trả lời: Hiện nay, trên các tuyến đường điện do Công ty Điện lực Hà Tĩnh quản lý có nhiều đơn vị treo cáp viễn thông đi chung cột, như: Viễn thông Hà Tĩnh, Chi nhánh Viễn thông quân đội Viettel, Chi nhánh Công ty CP FPT miền Bắc tại Hà Tĩnh, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình, Công ty CMC, Công ty SPT, SCTV, các mạng cáp phục vụ thông tin liên lạc của Quân đội và Công an và mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan hành chính...

Những năm gần đây, do tốc độ phát triển ngày càng mạnh mẽ của dịch vụ viễn thông, truyền hình và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho người dân, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng mạng lưới, triển khai kéo, treo cáp, hệ thống điện lưới trên các hệ thống cột điện không đúng kỹ thuật, gây mất mỹ quan đô thị.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện chỉnh trang lưới điện, cáp viễn thông, cáp truyền hình trên địa bàn tỉnh (tại Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 23/8/2013, Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 8/6/2015, Công văn số 3402/UBND-VX1 ngày 20/7/2016, Quyết định số 33/2020/QĐ-UBND ngày 3/11/2020, Quyết định số 34/2021/QĐ-UBND ngày 5/8/2021 ban hành quy định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh...).

Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, Sở Công thương khảo sát, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện hàng năm trên địa bàn, phân công thực hiện cho các đơn vị chủ quản cột, các đơn vị sử dụng chung cột để tiến hành đầu tư các trang thiết bị phục vụ việc sắp xếp, chỉnh trang tại các tuyến đường chính yêu cầu mỹ quan đô thị; giao các đơn vị chủ quản cột, các đơn vị sử dụng chung cột có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, sắp xếp, chỉnh trang, làm gọn hệ thống cáp treo tối thiểu sáu tháng một lần hoặc theo kế hoạch của các cơ quan chức năng.

Kết quả đến nay đã thực hiện chỉnh trang được 3.063 TBA, 3.432km đường dây trung áp, 1.944km đường dây hạ áp trên địa bàn quản lý và 111km cáp viễn thông. Riêng đối với địa bàn thành phố Hà Tĩnh đã thực hiện chỉnh trang được 277 TBA, 134km đường dây trung áp, 209km đường dây hạ áp và 16,6km cáp viễn thông; địa bàn huyện Đức Thọ đã thực hiện chỉnh trang được 295 TBA, 187km đường dây trung áp, 88km đường dây hạ áp và 5,8km cáp viễn thông.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở TT&TT, Sở Công thương theo dõi, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã, Công ty Điện lực Hà Tĩnh và các đơn vị chủ quản hệ thống cáp mạng viễn thông tiếp tục thực hiện chỉnh trang hệ thống đường dây diện, dây mạng viễn thông, tăng cường ngầm hóa hệ thống cáp để đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị trên địa bàn.

Câu 6: Để chuẩn bị triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới, đề nghị làm tốt công tác truyền thông, có kế hoạch công tác cán bộ phù hợp và quản lý chặt chẽ đầu tư công các cơ sở vật chất liên quan đến các đơn vị dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính.

Trả lời: Ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Chủ động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, đánh giá quy mô đơn vị hành chính, dự thảo các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh; phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã...

Hiện tại, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan tham mưu, xây dựng Kế hoạch thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh để kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành kế hoạch. Các nội dung về công tác truyền thông, công tác cán bộ, quản lý đầu tư công, quản lý cơ sở vật chất và các nội dung khác liên quan đến các đơn vị dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính sẽ được nghiên cứu kỹ và có các giải pháp phù hợp trong kế hoạch của tỉnh, bảo đảm quy định và tình hình thực tiễn của địa phương.

Chủ đề Tiếp xúc cử tri

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.