Ngày sách Việt Nam tại Hà Tĩnh luôn thu hút sự quan tâm của hàng trăm độc giả
Văn hóa đọc đã và đang khẳng định vị trí cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH, đặc biệt là khi đất nước bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CN4.0) và nền kinh tế tri thức.
Những năm gần đây, phong trào đọc sách đang đứng trước nhiều thử thách. Số người đọc thực thụ ít hơn bởi sự lên ngôi của các phương tiện nghe nhìn, mạng xã hội. Nhiều người đọc chạy theo những thông tin giật gân, mua vui, giải trí đơn thuần, vô bổ; thậm chí, một bộ phận độc giả có nguy cơ “tự diễn biến” trước các thông tin xấu, độc tràn ngập trên mạng xã hội.
Lê-nin đã dạy: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội”. Theo chúng tôi, có thể hiểu, “văn hóa đọc” là khả năng của mỗi người khi tự mình trả lời thỏa đáng các câu hỏi: Đọc cái gì, đọc như thế nào và đọc để làm gì?
Trước sự bùng nổ xuất bản và thông tin mạng, hầu hết người đọc gặp thách thức khi đứng trước khối lượng sách báo, thông tin đa chiều, khổng lồ. Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn đối tượng đọc sao cho phù hợp với từng người về trình độ, nghề nghiệp, sở thích có ý nghĩa rất quan trọng. Từ đó, người đọc được cung cấp hệ thống tri thức phong phú, thiết thực, bổ ích. Rõ ràng, nếu không có nền kiến thức phổ thông vững vàng và kỹ năng nghề nghiệp tinh thông thì người lao động sẽ không thể có chỗ đứng trong dây chuyền sản xuất công nghệ cao.
Nếu trước đây, đối tượng đọc chủ yếu là sách văn học, chính trị xã hội thì nay, người đọc còn cần phải hướng tới các sách báo, tài liệu về KHKT, công nghệ để kịp tiếp nhận nguồn tri thức nhân loại đang tăng lên gấp đôi sau mỗi 8 năm như hiện nay.
Một người có văn hóa đọc tốt phải là độc giả có cách đọc khoa học, sáng tạo “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, là người đọc biết gạn lọc, chủ động tiếp thu nguồn tri thức từ sách báo để làm giàu hiểu biết của riêng mình. Người đọc cần có kỹ năng đọc trong các thư viện, tủ sách mỗi gia đình, sách báo, tạp chí và trên mạng Internet để tiếp nhận các thông tin chính thống, tin cậy. Mỗi người đọc cần tự nâng cao khả năng “tự miễn dịch”, chống tự diễn biến trước các thông tin xấu độc, sai trái, phản động của các thế lực thù địch.
Văn hóa đọc chỉ có ý nghĩa đích thực khi người đọc có thể biến tri thức từ sách báo thành tri thức sống và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Khi đó, tri thức thông qua hoạt động của con người sẽ trở thành lực lượng sản xuất hùng hậu, tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế, tránh nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, đưa đất nước tiến đến phồn vinh, hạnh phúc.
Hà Tĩnh có bề dày văn hóa, hiếu học và học giỏi. Hiện nay, tỉnh ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Thư viện tỉnh có gần 30 vạn bản sách, hệ thống thư viện từ huyện đến tận các thôn, xã, trường học và tủ sách trong nhiều gia đình sẽ là thiết chế cơ bản cho công cuộc chấn hưng văn hoá đọc. Đầu tư và cổ vũ phong trào đọc sách thành nếp văn hóa bền vững sẽ góp phần đưa tỉnh ta cùng cả nước đi lên trong nền kinh tế tri thức, hướng đến cuộc sống giàu đẹp, văn minh.