Văn học nghệ thuật cần khai thác sâu hơn đề tài biển đảo

(Baohatinh.vn) - Đó là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo Văn học nghệ thuật Bắc miền Trung với đề tài biển đảo được tổ chức sáng nay (18/6) tại Hà Tĩnh. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải cùng đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL dự hội thảo.

Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (LHVHNT) các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Ban Biên tập các tạp chí: Xứ Thanh, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Nhật Lệ, Cửa Việt, Sông Hương

Phát biểu chào mừng hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải khẳng định, Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc miền Trung sở hữu rất nhiều giá trị văn hóa, kinh tế từ biển. Thời gian qua, văn học nghệ thuật đã góp phần to lớn trong việc tuyên truyền về giá trị văn hóa, kinh tế, môi trường biển.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải: Văn học nghệ thuật đã góp phần to lớn trong việc tuyên truyền về giá trị văn hóa, kinh tế, môi trường biển

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mong muốn, hội thảo sẽ mở ra những hướng tiếp cận mới nhằm phản ánh nhiều hơn, sâu hơn, đa dạng hơn về biển trên tất cả các phương diện thơ, văn, ảnh, nhạc, họa. Đồng thời cũng mong chờ sự đổi thay trong nội dung và hình thức của các tạp chí: Xứ Thanh, Sông Lam, Nhật Lệ, Cửa Việt, Sông Hương, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của độc giả.

Đề dẫn hội thảo do Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Tĩnh Phan Trung Hiếu trình bày khẳng định, biển đảo là một đề tài vừa cũ lại vừa rất mới. Văn học nghệ thuật Bắc trung Bộ từ xưa đến nay đã khá thành công trong đề tài biển đảo, với những tên tuổi như Nguyễn Khoa Điềm, Thạch Quỳ, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Hải Kỳ, Nguyễn Ngọc Phú…

Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Tĩnh Phan Trung Hiếu phát biểu đề dẫn hội thảo

Thời gian qua, các Hội LHVHNT và các tạp chí 6 tỉnh Bắc miền Trung đã tổ chức nhiều trại viết, cuộc thi, xuất bản, trưng bày, triển lãm… về đề tài này, tuy nhiên việc quảng bá vẫn còn hạn chế. Trên cơ sở đó, đề dẫn gợi ý, định hướng một số vấn đề mà hội thảo cần bàn như: Nâng cao chất lượng sáng tác, đa dạng hóa loại hình sáng tác, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu tác phẩm….

Nhà văn Nhụy Nguyên (Tạp chí Sông Hương – Thừa Thiên Huế) trình bày tham luận "Biển - miền thẳm sâu của nghệ thuật”

Hội thảo đã nhận được 7 tham luận của các tác giả từ 6 Hội LHVHNT. Các tham luận đem đến các góc tiếp cận khác nhau và nêu ra những nhận định, đánh giá khách quan, cụ thể về bức tranh chung của VHNT Bắc miền Trung trong việc phản ánh đề tài biển đảo.

Tham luận “Biển - miền thẳm sâu của nghệ thuật” của nhà văn Nhụy Nguyên (Tạp chí Sông Hương – Thừa Thiên Huế) đã đề cập đến những tầng sâu của biển được phản ánh trong các tác phẩm VHNT và khẳng định biển là đối tượng vô bờ của văn nghệ sỹ.

Tác giả Thụy Anh (Tạp chí Nhật Lệ - Quảng Bình) trình bày tham luận “Sứ mệnh nhà thơ với trái tim biển, đảo”

Tham luận “Sứ mệnh nhà thơ với trái tim biển, đảo” của tác giả Thụy Anh (Tạp chí Nhật Lệ - Quảng Bình) khẳng định, viết về biển đảo là trách nhiệm, nhiệt huyết, sứ mệnh của nhà thơ và hiện thực biển đảo ngày nay đang trở thành môi trường đào luyện tài năng của người cầm bút.

Ở một góc độ khác, tham luận “Biển đảo, từ tâm thế của một tờ báo đến tâm thế sáng tạo) của tác giả Hoàng Công Danh (Tạp chí Cửa Việt - Quảng Trị) lại cho rằng, hiện nay, viết về biển đang thiếu những tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ mới, hiện đại, chưa có những tác phẩm thực sự xuất sắc.

Tác giả Hoàng Công Danh trình bày tham luận “Biển đảo, từ tâm thế của một tờ báo đến tâm thế sáng tạo"

Còn tác giả Trần Hữu Vinh (Tạp chí Sông Lam - Nghệ An) qua tham luận “Sáng tác về đề tài biển đảo của văn nghệ sỹ Nghệ An - thành tựu và giải pháp nâng cao chất lượng” đã gợi ý một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sáng tác như: Tổ chức thêm các cuộc thi sáng tác về đề tài biển, đảo; chú trọng đến sân khấu, múa và khuyến khích các thể loại trường ca, tiểu thuyết; đẩy mạnh hoạt động phê bình lý luận nhằm định hướng độc giả…

Tác giả Trần Hữu Vinh (Tạp chí Sông Lam) trình bày tham luận

Ngoài ra, tham luận “Biển đảo, từ góc nhìn nhiếp ảnh” của tác giả Trần Hướng (Tạp chí Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh) cho rằng, các tác phẩm nhiếp ảnh về biển đảo của Hà Tĩnh từ trước tới nay chủ yếu chỉ phản ánh đời sống trên bờ, các nghệ sỹ nhiếp ảnh chưa có cơ hội tiếp cận với phần đảo và mong muốn được thực tế sáng tác ở nhiều vùng biển đảo hơn nữa để phản ánh phong phú hơn, đa dạng hơn về biển đảo quê hương.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hướng: Nghệ sỹ nhiếp ảnh chưa được tiếp cận, khai thác sâu về đề tài đảo

Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Tĩnh Phan Trung Hiếu khẳng định, hội thảo lần này đã nhận được các tham luận chất lượng, đem đến cái nhìn toàn diện hơn về thành tựu cũng như hạn chế, yếu kém, từ đó, đề xuất những giải pháp, gợi ý nhằm nâng cao chất lượng sáng tác cũng như việc quảng bá tác phẩm về đề tài biển đảo.

Với những kết quả đã đạt được, hy vọng hội thảo sẽ mở ra những hướng tiếp cận mới, cách làm hay nhằm khai thác sâu hơn đề tài biển đảo. Qua đó, giúp VHNT đạt được mục đích tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, đồng thời phản ánh được chiều sâu đời sống biển, tâm thức biển của một cộng đồng dân cư.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói