Theo đó, trong đợt kiểm kê tài liệu từ giữa năm 2022, Viện NCHN đã yêu cầu kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Tuy nhiên, đối với một phần sách sưu tầm (ST) chưa tu bổ, còn bó lại thành từng bó để trong kho, nhóm kiểm kê mới chỉ thực hiện kiểm đếm mà chưa đối chiếu với sổ đăng kí cá biệt.
Sau khi phát hiện ra thiếu sót này, đầu năm 2023, Viện NCHN đã tổ chức kiểm kê lại toàn bộ kho ST, đối chiếu và đánh dấu vào sổ đăng kí cá biệt. Sau quá trình rà soát, đối chiếu, Hội đồng kiểm kê đã họp và báo cáo về kho ST, phát hiện thấy thiếu 121 quyển (trong đó có 11 quyển nằm trong danh sách 25 quyển báo đã mất năm ngoái).
Một tài liệu Hán Nôm được số hóa (Ảnh: Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
Bên cạnh đó, có 339 quyển đã vào sổ nhưng lẫn lộn các kí hiệu sách, chưa xác định rõ có nằm trong 121 sách thiếu hay không. Nhóm kiểm kê rà soát lại toàn bộ 17.712 sách ST và xác định có 877 quyển (5%) thuộc loại hư hại nặng.
Để làm rõ vấn đề, Viện NCHN đang mời các chuyên gia tham gia đối chiếu các sách lẫn kí hiệu với các sách thiếu để sàng lọc; đồng thời lập Hội đồng đánh giá tình trạng của 877 sách hư hại để có phương án xử lí phù hợp.
Về sự việc thất thoát 25 cuốn sách lần trước Viện NCHN đã báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày 16/2/2023. Ngay sau đó, Viện NCHN đã có công văn mời cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ sự việc mất tài sản, hiện chưa có kết quả cuối cùng.
“Viện NCHN đã và đang tổ chức các biện pháp để xử lí vấn đề một cách công khai, minh bạch, với tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan”, Viện NCHN cho biết.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Ảnh: H.N).
Trước đó, như PV Dân trí đã đưa tin, ông Nguyễn Xuân Diện, Phó phòng Nghiên cứu Văn học và Lịch sử, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã đăng tải trên trang cá nhân về việc đơn vị này mất thêm 110 cuốn cuốn sách.
Chiều cùng ngày, ông Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm việc với Viện Nghiên cứu Hán Nôm, yêu cầu làm rõ thông tin, số lượng sách bị mất và báo cáo đầy đủ.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là nơi tổ chức nghiên cứu, khai thác và biên dịch, xuất bản di sản Hán Nôm, đào tạo cán bộ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế, nhân bản, góp phần phát triển văn hóa của dân tộc.
Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Nhà nước giao quản lý là tài sản quốc gia quý giá, kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được.