Một tài liệu văn bản hành chính do chính quyền gửi cho người dân xã Trường Lưu trong bộ sưu tập.
P.V: Trước hết, xin chúc mừng dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, cá nhân ông cũng như tỉnh Hà Tĩnh vì có thêm một di sản mới của thế giới. Hẳn ông vẫn chưa vơi cảm xúc trước niềm vui to lớn này?
GS Nguyễn Huy Mỹ: Tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) tại TP Andong, tỉnh Gyeongsangbuk-do, Hàn Quốc (từ ngày 24 - 26/11/2022), đoàn Việt Nam gồm 26 người, trong đó, tỉnh Hà Tĩnh 10 người, TP Đà Nẵng 9 người, Bộ VH-TT&DL 3 người, Bộ Ngoại giao 2 người, Văn phòng Chính phủ 1 người và TS Vũ Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch MOWCAP.
Trong 3 buổi tối từ ngày 23 - 25/11/2022, tôi luôn cùng TS Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - người sẽ bảo vệ hồ sơ, trao đổi với nhau và với các thành viên của đoàn Hà Tĩnh về cách trình bày, tiên lượng các câu hỏi có thể đặt ra, so sánh với các tiêu chí và các di sản đã được công nhận… Trước lúc công bố kết quả, chúng tôi rất hồi hộp, dù rằng lần này so với 2 lần tham dự hội nghị trước, xác suất thành công cao hơn nhiều. Kết quả như mọi người đã biết, khó có thể nói hết vui mừng của các thành viên trong đoàn Việt Nam, cá nhân tôi càng rất xúc động và tự hào.
Đại diện đoàn Việt Nam nhận chứng nhận Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO dành cho Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.
P.V: Được biết, để có được niềm vui lớn này, cá nhân ông đã có thời gian dài trăn trở tìm kiếm, lưu trữ, bảo quản tư liệu và cùng với ngành VH-TT&DL, tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban UNESCO Việt Nam lập hồ sơ, đệ trình MOWCAP thông qua. Ông có thể chia sẻ thêm về hành trình này?
GS Nguyễn Huy Mỹ: Với các di sản tư liệu ở Trường Lưu, chúng tôi đã cố gắng sưu tầm từ lâu. Sau khi sưu tầm, chúng tôi phân loại theo mức độ hư hỏng để tiến hành tu bổ, 42/48 tư liệu gốc đã được bồi đắp, trong đó đã làm phiên bản 20 sắc phong (theo tiêu chí độc đáo và toàn vẹn). Tôi đã mang sắc phong và bức trướng ra Hà Nội, nhờ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 và Phòng Bảo quản - Viện Nghiên cứu Hán Nôm tu bổ làm phiên bản.
Với các tư liệu đã có, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho việc xây dựng hồ sơ Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943), trước hết là đăng ký và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học tỉnh Hà Tĩnh: “Nghiên cứu giá trị di sản Hán Nôm thế kỷ XVIII-XX của dòng họ Nguyễn Huy, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh” và tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế ở Hà Tĩnh (ngày 9 - 10/5/2019) để làm cơ sở cho việc lập hồ sơ. Trong quá trình đó, thật may khi nhận được sự đồng hành, tham gia trực tiếp của các chuyên gia và cán bộ ngành VH-TT&DL các cấp ở Hà Tĩnh cho đến Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao.
Tập sách văn bằng và trướng ở làng Trường Lưu (1689-1943) có toàn bộ 48 ảnh gốc tư liệu, ảnh nơi lưu giữ, phiên âm dịch nghĩa, chú thích từ chữ Hán Nôm sang Quốc ngữ và dịch sang tiếng Anh đã được Nhà Xuất bản Nghệ An ấn hành đầu năm 2022.
GS Nguyễn Huy Mỹ - người nặng lòng với vốn quý của dòng họ Nguyễn Huy.
P.V: Những lý do để MOWCAP thông qua các tiêu chí Di sản tư liệu Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là gì, thưa ông?
GS Nguyễn Huy Mỹ: Văn bản Hán Nôm ở làng Trường Lưu (1689-1943) gồm 3 mục. Thứ nhất là 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng từ 1689-1943, trong đó có 22 sắc phong triều Lê (niên đại từ 1689-1783, kích thước 50x120 cm), 2 sắc phong triều Nguyễn (niên đại từ 1824-1943, kích thước 45x120 cm), đều được viết bằng chữ Hán, trên giấy dó đặc biệt, một mặt có vẽ hình rồng, tượng trưng cho quyền lực của nhà vua, ghi cụ thể tên vị hoàng đế ban sắc, cùng ngày tháng năm ban sắc, có dấu đỏ Sắc mệnh chi bảo ghi rõ người được phong, lý do, chức vụ/tước vị người được phong (trước và sau khi được phong tặng). Cùng đó là 2 sắc vinh danh phụ nữ thời Nguyễn (làm bằng gỗ, kích thước 45x100 cm, khắc chữ Hán).
Thứ hai là 19 tờ văn bằng giao lưu giữa chính quyền các cấp với các nhân vật của làng trong thời Nguyễn từ năm 1803-1943 (bằng, tấu, sao lục, sức và bẩm, kích thước từ 40x60 cm, 60x80 cm, giấy dó, chữ Hán viết tay, có dấu của các cơ quan chính quyền từ tỉnh đến Trung ương cùng ngày tháng năm ban hành).
Thứ ba là 3 bức trướng bằng lụa (kích thước 97x197 cm, 121,5x177 cm và 70x127 cm) viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, thuộc thời nhà Lê và nhà Nguyễn.
Đó là khối tài liệu quý hiếm, độc đáo trong việc tôn vinh, phong tặng, giao dịch của triều đình và cộng đồng với người làng Trường Lưu về công lao của họ trong quá trình hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục; là dạng tư liệu phổ biến ở các nước Đông Bắc Á thời quân chủ. Các tư liệu này cung cấp bằng chứng xác thực trong việc tìm hiểu các lĩnh vực: lịch sử, giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân, đặc biệt là bình đẳng giới và sự vinh danh phụ nữ; đề cao truyền thống học hành, tôn trọng người cao tuổi. Bản thân mỗi tư liệu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Di sản hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của MOWCAP như: xác thực, độc đáo, có ý nghĩa khu vực… và nhận được đánh giá tốt của các chuyên gia cũng như giành phiếu tuyệt đối khi bình chọn.
Nguyễn Huy Mỹ giới thiệu với tác giả một sắc phong trong bộ sưu tập Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.
P.V: Ông có dự định gì để cùng tỉnh Hà Tĩnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đưa “kho báu” này đến gần hơn với công chúng?
GS Nguyễn Huy Mỹ: Chúng tôi dự định sẽ sớm số hóa, trưng bày phiên bản các tư liệu này tại Ban Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu và đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là trên Báo Hà Tĩnh và Đài PT-TH tỉnh. Để di sản văn hóa Trường Lưu nói chung và di sản Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) nói riêng nhanh chóng lan tỏa trên thế giới, cần 5 yếu tố là: làng có nhiều di sản và được dân làng quý trọng bảo vệ; di sản văn hóa Trường Lưu lôi cuốn các chuyên gia nghiên cứu; sự vào cuộc của các cơ quan quản lý từ địa phương đến Trung ương, đặc biệt là các ngành VH-TT&DL, KH&CN…; quảng bá các di sản trên phương tiện thông tin đại chúng; hợp tác quốc tế. Vì vậy, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ 5 yếu tố này để đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!