Theo gia phả dòng họ ghi lại, Nguyễn Đình chi 6, phái 3 (gọi tắt là chi tộc) có lịch sử gần 200 năm, cụ tổ là Nguyễn Đình Trín và vợ là Phan Thị Thường. Hai cụ sinh được 6 người con, trong đó, 3 người con trai, 3 người con gái.
Gia phả chi tộc Nguyễn Đình còn ghi lại tên tuổi các thành viên làm rạng danh dòng họ. Trong ảnh: Con cháu dòng họ Nguyễn Đình trao đổi về gia phả chi tộc.
Thực dân Pháp vào xâm lược nước ra, cụ Trín là ân nhân của nhiều sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương khi cứu họ thoát khỏi sự đàn áp dã man của thực dân bằng cách nhận họ là con cháu, họ hàng ở trong nhà.
Trong số các con của cụ Trín có cụ Nguyễn Đình Đính (1868 - 1931) là người rất thông minh, nhanh nhạy trong làm ăn buôn bán, bắt nhịp với thời cuộc. Trong các chuyến hàng bôn ba, cụ Đính chứng kiến cuộc sống cơ cực, lầm than của người dân dưới chế độ thực dân nên rất thấu hiểu, thương cảm.
Những câu thơ kể về sự hy sinh, kiên cường của các thế hệ người họ Nguyễn Đình được lưu giữ trong nhà thờ dòng họ.
Có suy nghĩ tân tiến nên cụ đã đầu tư tiền của mời thầy về dạy chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp cho các con. Do vậy, các con của cụ có điều kiện tiếp xúc với xã hội, với sách báo tiến bộ và sớm giác ngộ cách mạng. Chính sự giác ngộ cách mạng từ các con đã tác động tích cực đến cụ. Năm 1929, cụ gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương; năm 1930, khi đang là huyện ủy viên huyện Cẩm Xuyên, cụ bị thực dân Pháp bắt giam ở Nhà lao Hà Tĩnh và bị tra tấn tới chết.
Vợ cụ là bà Chu Thị Điệp (1870 - 1958) ở bên ngoài cũng bị chúng tra khảo, đánh đập mang thương tật. Ghi nhận công lao của 2 cụ, năm 1959, cụ Nguyễn Đình Đính được truy tặng liệt sỹ; năm 1995, cụ Chu Thị Điệp được truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”.
Nhà thờ liệt sỹ Nguyễn Đình Liễn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Đình Liễn (sinh năm 1898 - 1931), là con trai cả trong gia đình cụ Đính, được giác ngộ cách mạng từ sớm. Nguyễn Đình Liễn tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và được giao nhiệm vụ gây dựng cơ sở tại huyện Cẩm Xuyên. Ngày 17/7/1930 tại Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên lần thứ nhất, Nguyễn Đình Liễn được bầu làm Bí thư Huyện ủy đầu tiên.
Trong cuộc biểu tình của nhân dân huyện Cẩm Xuyên ngày 8/9/1930, Bí thư Nguyễn Đình Liễn là người trực tiếp tổ chức, lãnh đạo Nhân dân địa phương. Khi bị bắt, mật thám Pháp dùng đủ ngón đòn tra khảo nhằm khai thác thông tin nhưng không thể khuất phục được người cộng sản kiên trung. Cuối cùng, đồng chí bị kết án tử hình và sáng ngày 2/1/1931, thực dân Pháp, chính quyền Nam triều dẫn ông về xử chém tại Chợ Hội đúng vào phiên chợ nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân.
Ngôi trường mang tên liệt sỹ Nguyễn Đình Liễn nằm ở xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên.
Năm 1959, đồng chí Nguyễn Đình Liễn được truy tặng liệt sỹ. Tri ân người con kiên trung của quê hương, chính quyền lấy tên ông đặt làm tên cho xã mới (nhập xã Cẩm Hưng với xã Cẩm Thịnh) sau Cách mạng Tháng Tám. Hiện nay, tên của nhà cách mạng Nguyễn Đình Liễn được đặt cho một con đường ở trung tâm huyện lỵ Cẩm Xuyên và một ngôi trường THPT trên địa bàn huyện; nhà thờ liệt sỹ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Đình Cương (1901 - 1970) là con thứ tư của ông Đính và là em rể Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Ông là người đứng đầu nhóm “Việt Nam độc lập đảng” - một tổ chức yêu nước của thanh niên được thành lập năm 1925 tại Quảng Trị. Đây cũng là tiền thân của của tổ chức cộng sản ở tỉnh này. Năm 1929, chi bộ đảng được thành lập, ông Cương được tín nhiệm bầu làm bí thư. Sau ngày đất nước độc lập, ông công tác tại Ban Nông vận Trung ương; được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Truyền thống vẻ vang của dòng họ được con cháu gìn giữ, phát huy qua nhiều thế hệ.
Nguyễn Đình Từ (1909 - 1998), con trai thứ 5 của cụ Đính, là người tham gia cách mạng sớm nhất và giác ngộ các thành viên trong gia đình đi theo cách mạng. Năm 1926, Nguyễn Đình Từ được tuyển chọn sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc chủ trì và gia nhập Tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Sau khi hoàn thành khóa học, Nguyễn Đình Từ được cử về nước tuyên truyền cách mạng. Ông nhiều lần bị bắt giam, tra tấn, đánh đập dã man.
Nguyễn Đình Hài (sinh năm 1914, là con thứ 6), tiếp nối truyền thống của gia đình, sớm tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng lúc mới 16 tuổi. Tháng 9/1930, ông được Tỉnh ủy chỉ định vào BCH Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên, giao nhiệm vụ giữ vai trò lãnh đạo Huyện ủy. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính, rồi Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên. Ông cũng kinh qua các chức vụ quan trọng như: Trưởng ban Sửa sai của tỉnh, Trưởng ty Lâm nghiệp Hà Tĩnh, cố vấn cho Bộ Lâm nghiệp...
Nhà thờ chi tộc Nguyễn Đình được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Trong chi tộc Nguyễn Đình, ngoài cụ Nguyễn Đình Đính và các con trai, còn có rất nhiều con cháu, dâu rể là đảng viên, dấn thân vào con đường cách mạng, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc như: Nguyễn Đình Nhiễu, Nguyễn Thị Tý; Nguyễn Thị Yến (dâu), Hà Huy Sam, Đậu Văn Điếm (rể)... Chi tộc có 4 liệt sỹ, 1 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Trong thời bình, con cháu chi tộc Nguyễn Đình đều học hành đỗ đạt, nhiều người nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban ngành trung ương và địa phương. Đến nay, chi tộc đã có 2 phó giáo sư, gần 10 tiến sỹ, hàng chục thạc sỹ...
Ông Nguyễn Đình Trọng - Tộc trưởng Chi tộc Nguyễn Đình chia sẻ: “Truyền thống cách mạng và hiếu học là tài sản quý báu của dòng họ, được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ con cháu. Càng tự hào về truyền thống của cha ông thì chúng tôi càng ý thức được trách nhiệm phải sống sao cho xứng đáng là con cháu họ Nguyễn Đình”.
Con cháu họ Nguyễn Đình sửa soạn cho lễ đón nhận bằng công nhận di tích.
Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Hưng Nguyễn Đình Dũng cho biết: “Nguyễn Đình là một dòng họ có truyền thống cách mạng với nhiều chiến sỹ kiên trung. Con cháu dòng họ học hành đỗ đạt, công tác trên mọi miền Tổ quốc và luôn hướng về quê hương, ủng hộ công sức, tiền của cho xã nhà trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định công nhận nhà thờ họ Nguyễn Đình (chi 6, phái 3) là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Do điều kiện dịch bệnh nên lễ đón nhận bằng di tích phải hoãn, nay địa phương đã có kế hoạch phối hợp với dòng họ tổ chức vào ngày 2/5/2022 với phần lễ trang trọng, tương xứng với những đóng góp to lớn của dòng họ Nguyễn Đình qua nhiều thế hệ”.