Bên trong một nhà máy sản xuất giày ở Bình Dương. (Ảnh: Christian Berg)
Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) 2017 - 2018 vừa được WEF công bố hôm nay.
Số quốc gia tham gia khảo sát năm nay là 137, ít hơn 1 so với năm ngoái.
Các tiêu chí đánh giá của WEF được chia thành 3 nhóm chính, gồm: Yêu cầu căn bản (kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản - y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); Các yếu tố nâng cao hiệu suất (giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường) và các yếu tố về tinh vi - đột phá (sự tinh vi của hệ thống doanh nghiệp, khả năng đột phá).
Trong 3 nhóm này, Việt Nam được đánh giá là đã có sự cải thiện đáng kể ở Trình độ công nghệ và Độ hiệu quả trên thị trường lao động.
Thương mại cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự thăng hạng của Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ nhập khẩu/GDP xếp thứ 7/137 trong khi tỷ lệ xuất khẩu/GDP xếp thứ 11/137.
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã loại bỏ một số cơ hội thương mại trong tương lai của Việt Nam, tuy nhiên, theo báo cáo của WEF, “tăng trưởng của quốc gia này vẫn được dự đoán sẽ duy trì mạnh mẽ nhờ xuất khẩu mạnh”.
Một số quốc gia châu Á khác cũng có mức tăng nhẹ, từ 1 đến 2 bậc, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF, đó là Malaysia (đứng thứ 23/137), Trung Quốc (đứng thứ 27/137), Thái Lan (đứng thứ 32/137) và Philippines (56/137).
Indonesia tăng 5 bậc so với năm ngoái, lên thứ 36/137 của năm nay. Singapore nhường chỗ cho Mỹ, tụt một hạng xuống vị trí thứ 3/137. Ấn Độ rớt hạng, xuống thứ 40, từ 39 của năm ngoái.