Vinh danh lời thề đồng đội

Trong những ngày tháng Năm lịch sử này, có một cuộc hành hương đầy cảm động về chiến trường Quảng Trị. Ở đó tôi đã gặp, đã nghe và chứng kiến những việc làm cao quý thấm đậm tình người, tình đồng đội của CCB Trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng (tiền thân là Trung đoàn 27 Xô viết Nghệ Tĩnh).

Hành hương về chiến trường xưa

Mưa đầu mùa giăng giăng, tấm băng đỏ mang dòng chữ “Đoàn CCB Trung đoàn 27 thăm chiến trường xưa” giăng ngang đầu đoàn xe đã sũng nước. Đoàn phó Nguyễn Trọng Tam trịnh trọng nói: “Đoàn xe của chúng ta hôm nay rất đặc biệt, ngoài những CCB đã từng chiến đấu ở E27, còn có các thân nhân liệt sỹ cùng vào thắp hương và tìm nơi yên nghỉ của người thân…”

Các đoàn CCB tập kết về rừng Hồ Khê-Đá Bạc.

CCB Đinh Trần Chương là thương binh 1/4 nói với tôi: Mấy hôm nay, bác không tài nào ngủ được. Những kỷ niệm cứ hiện về, mỗi hồi ức đến là một lần trở mình. Bác nhớ trận phục kích ở xã Cam Thanh, đánh một trung đoàn lính Mỹ, khi rút chạy ngã xuống ao ướt súng, nhớ những mỏm đồi 544, 402..., những lần nướng thịt nai trong mũ sắt, ... Được biết, xe của anh Đặng Viết Quân đã hành quân vào từ hôm qua mang theo nắm đất và bình nước của quê hương. Đoàn trưởng Nguyễn Cảnh Tám cho biết: Đất này chúng tôi đã lên tận đỉnh núi Chung ở Kim Liên quê Bác, nơi cao nhất, sạch sẽ nhất để lấy, còn nước thì phải đi thuyền lên thượng nguồn sông Lam ra giữa dòng để múc. Đất và nước tinh khiết của quê hương sẽ được hoà vào bát nhang, vào dòng sông Thạch Hãn để đồng đội an lòng nằm lại bên dòng sông quê thứ 2...

O du kích gặp lại những người lính năm xưa.

Con đường đưa chúng tôi về Quảng Trị như mạch nguồn kỷ niệm, cả xe cuốn theo những câu chuyện chiến đấu, những hồi ức chiến trận cứ miên man làm quên đi mệt nhọc suốt dặm trường... Đột nhiên, có 2 chiếc xe của Bộ Quốc phòng ép vào lề đường, một vị tướng xuất hiện giơ tay nghiêm chào, cả đoàn Nghệ An ngớ ra: Anh Hiệu, anh Hiệu. Rồi ôm chầm lấy nhau. Đó chính là Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu của Trung đoàn 27 năm xưa (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Thượng tướng nhìn vào từng người, ôm chầm lấy người già nhất trong đoàn và reo to: Anh Hớn, “pho” sử sống của E27 đây mà, rồi ông đến trước mặt từng người: Đây là Chương, đây là Giá, Bá này, Tam này… Nghĩa trang Đường 9, sau những giọt nước mắt, những phút gặp gỡ, đồng đội đến từ Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tìm nhau…các “chiến sỹ” tập hợp rất nhanh sau tiếng hô “nghiêm”. Tướng Hiệu và Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Quảng Trị đã đánh 9 tiếng chuông báo với những linh hồn các liệt sỹ trong nghĩa trang rằng đồng đội của Trung đoàn 27 đã tụ hội về với các anh. Khói hương nghi ngút, cả rừng phi lao trầm xuống, thì thầm ru giấc ngủ ngàn năm…Bộ đội về làng Đến xã Cam Thanh, khẩu hiệu và áp phích giăng rợp sân ngôi trường PTCS Trần Văn Ơn với chương trình “Mừng bộ đội về làng”. Có gần 300 CCB và thân nhân được đón về các gia đình, nhiều người đến chất vấn ban tổ chức vì sao gia đình tôi không được đón bộ đội ?…Thế mới biết tình quân dân sâu đậm mức nào.

Cùng mắc võng trong rừng Hồ Khê.

Trong đêm giao lưu “Mừng bộ đội về làng”, chương trình “Cùng tìm đồng đội” gây xúc động nhất. Khi ông Hoàng Xuân Quy (ban tổ chức) cầm những tờ giấy có dòng chữ viết vội đọc lên: Liệt sỹ Nguyễn Văn A, nhập ngũ ngày… ở đơn vị… hy sinh ngày, ai đã từng chiến đấu, hay biết thông tin chôn cất ở đâu, xin báo về….Mọi người nhìn nhau, lặng đi. Không gian như quánh lại. Tập giấy tìm thân nhân cứ dày thêm, đâu đó vọng tiếng nức nở. Khi có 2 thanh niên được bác Quy đưa lên sân khấu: Cháu là Nguyễn Hồng Sơn, ở Tân Sơn - Đô Lương - Nghệ An, bố cháu là Nguyễn Tất Miện, hy sinh ngày…. Chưa nói hết lời, hai em bỗng oà khóc: các bác, các cô các chú giúp tìm bố cháu với…Các o du kích Cam Thanh cũng ôm nhau khóc.

Trở lại ăn bữa cơm thời trận mạc.

Cả đoàn lại hành quân lên Hồ Khê - Đá Bạc để khánh thành giai đoạn 2 khu lăng mộ tưởng niệm các liệt sỹ (giai đoạn 1 là do gia đình nguyên huyện đội trưởng Cam Lộ Nguyễn Minh Kỳ bỏ ra 30 triệu đồng sau khi tìm được một hố chôn tập thể 13 liệt sỹ đem về chôn và xây nên). Giai đoạn 2 này được CCB E27 bàn nhau sẽ xây thêm và đón những đồng đội còn ở đâu đó trong rừng về đây để đồng bào khói hương mỗi ngày rằm, mồng một, chứ không riêng gì 13 liệt sỹ trong tấm bia. Gia đình anh Kỳ hưởng ứng và CCB E27 cùng với Tập đoàn Technocom (Hà Nội) đầu tư hơn 50 triệu đồng mở rộng khu lăng mộ này.Đất quê đến với các anh Trưởng ban liên lạc CCB Lê Bá Dương thông báo chương trình: Tại khu lăng mộ Hồ Khê - Đá Bạc sẽ tổ chức trồng cây đặc sản của quê hương, hoà nước sông vào bát hương, đưa đất vào gần đồng đội, thi mắc võng trong rừng, đào công sự, bếp Hoàng Cầm và sẽ ngủ lại một đêm để sưởi ấm thêm linh hồn đồng đội.

Nắm đất Núi Chung (xã Kim Liên quê Bác Hồ) về với hương hồn các liệt sỹ Thành Cổ Quảng Trị.

Những giọt nước dòng Lam (Nghệ An) thấm từng chân hương trong khu tưởng niệm liệt sỹ xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong, Quảng Trị).

Thật lạ, khi cúng tế vong linh các liệt sỹ với 13 chiếc ba lô, mũ tai bèo, áo quần, dày dép bộ đội, võng tăng… thì trời quang mây tạnh. Lễ xong, thì mưa đổ xuống. Mưa mỗi lúc một dày thêm. Sự có mặt của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và các vị tướng Võ Chót, Trần Ân… (nguyên là cán bộ của Quân khu Trị - Thiên và Quân khu 4) cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ làm cho buổi lễ thêm trang nghiêm, thiêng liêng và xúc động… Sau nghi lễ trang trọng, những bình nước từ sông Lam, sông Kỳ Cùng, sông Hồng, sông Nhật Lệ… và đất từ địa đạo thép Củ Chi, núi Chung, 17 thôn Vườn Trầu… được đưa vào trong lư hương và đặt cạnh khu tưởng niệm để đất và nước quê hương luôn gần bên các anh…

Bên tấm bia ghi tên 13 liệt sỹ cùng yên nghỉ trong 1 ngôi mộ.

Chuẩn bị cho lễ tế vong linh các liệt sỹ.

Ghi lại những khoảnh khắc linh thiêng xúc động.

Ông Lê Bá Dương (Trưởng ban tổ chức) nghẹn ngào bên tấm bia ghi danh 13 liệt sỹ một nấm mồ chung: “Thời chiến, mỗi khi ôm xác đồng đội, trước khi vuốt mắt đặt vào lòng đất, những người lính trên chiến trường Quảng Trị vẫn hứa: Ngày thống nhất đất nước, chúng tôi sẽ đưa các anh về với quê hương. Nhưng chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, dù đã làm hết sức mình, nhưng lời hứa dẫu đã là lời thề vẫn không thể thực hiện được. Bởi mỗi trận đánh ác liệt, những đồng đội hy sinh đã bị xe tăng nghiền nát, pháo bắn tơi bời, dù công tác tử sĩ có cố gắng đến đâu thì xác của đồng đội chúng tôi cũng đã hoà tan trong đất, dưới những dòng sông trên chiến trường xưa. Vì vậy, nếu không thể đưa đồng đội về với quê hương thì đưa quê hương đến bên đồng đội“. Khi đến khu rừng này, tôi đã hồi hộp chờ đón một đêm ngủ rừng, một đêm được sống bên những linh hồn liệt sỹ. Dường như mỗi thân cây, mỗi tấc đất nơi này đã hoà lẫn xương máu của cha anh. Nhưng...! Giá như được một đêm nằm võng, đốt lửa trại, nghe tiếng sương rơi trên lá khô… Một đêm với hàng trăm ngọn nến lung linh sưởi ấm những linh hồn các liệt sỹ ... Giá như đêm ấy trời không mưa ...! Về Gio An, mảnh đất đi vào thơ ca, lời bài hát mà mỗi lần cất lên có thể nghe tiếng quân oai hùng. Nơi đây nhạc sỹ Huy Thục đã sáng tác bài hát “Tiếng đàn Ta-lư” từ một đại đội nữ thanh niên xung phong hy sinh. Nơi đây còn cây đa Gia Bình lịch sử, từng là đài quan sát của chỉ huy, và câu chuyện chiến đấu anh dũng của liệt sỹ Cao Như Thiêm, mà đồng đội anh vẫn kể vừa thương vừa tự hào: Anh quê ở Diễn Châu tiểu đội trưởng, bị sa vào tay giặc sau khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng. Bọn giặc dụ dỗ bắt anh khai phiên hiệu của đơn vị. Anh nói: phiên hiệu thì tao biết nhưng biết để đánh giặc chứ không phải để khai với chúng mày. Biết không moi được gì ở anh, bọn chúng đã xả đạn vào anh. Trước khi chết, anh Thiêm tựa vào cây đa, hô to:”Bác Hồ muôn năm, Việt Nam nhất định thắng". Thượng sỹ đảng viên Cao Như Thiêm hy sinh khi tuổi đời mới 20. Tại đình làng, bên cây đa Gia Bình có tấm bia đá khắc tên anh và diễn biến trận đánh.

Hàng trăm cựu chiến binh cùng đồng bào, chiến sỹ tỉnh Quảng Trị đội mưa về khu lăng bia Hồ Khê.

Đêm giao lưu với du kích Do An, tình cờ bác thương binh Trần Trung gặp lại o du kích khi xưa dẫn đường cho bộ đội đánh địch. Câu chuyện về những ngày xưa cứ nối nhau, dài mãi...Đoàn xe vào khu thành cổ Quảng Trị dâng hương, rồi xuôi ra sông Thạch Hãn để thả hoa. Lễ thả hoa này đã có hơn 30 năm, từ một cựu chiến binh luôn đau đáu về những đồng đội đã hy sinh - đó là nhà báo, CCB Lê Bá Dương. Những chiếc thuyền, bè kết hoa đã được thắp lên với vô vàn ngọn nến cuộn trong khói hương chầm chậm trôi giữa dòng sông Thạch Hãn. Đông đủ lãnh đạo, các ban ngành và nhân dân tỉnh Quảng Trị có mặt đều lặng đi. Dường như những “…bạn tôi ở đáy sông...” đã thấu hiểu, đã đón nhận, những bè hoa vẫn trôi ra biển, không còn quẩn quanh bên thuyền như những năm trước nữa…

theo baonghean.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói