Vụ đông hàng hóa và những "bước lùi” (bài 1): Đâu rồi những cánh đồng liên kết “thẳng cánh cò bay”?!

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, khi thời vụ của vụ đông đã gần kết thúc, những đồng ngô, đồng rau ở Hà Tĩnh vẫn “lác đác” nơi làm, nơi bỏ. Cảnh tượng này khiến nhiều người “hoài niệm” về những vụ đông cách đây chưa xa, khi doanh nghiệp rầm rộ xây dựng cánh đồng liên kết hàng nghìn ha, nông dân hồ hởi làm chủ sản xuất…

Thời điểm này, khi thời vụ của vụ đông đã gần kết thúc, những đồng ngô, đồng rau ở Hà Tĩnh vẫn “lác đác” nơi làm, nơi bỏ. Cảnh tượng này khiến nhiều người “hoài niệm” về những vụ đông cách đây chưa xa, khi doanh nghiệp rầm rộ xây dựng cánh đồng liên kết hàng nghìn ha, nông dân hồ hởi làm chủ sản xuất…

Khu vực sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao trên cát ven biển ở thời điểm “thịnh vượng” nhất khoảng 300 ha. Tổng Công ty Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh - CTCP (Mitraco) là doanh nghiệp chủ công về khảo nghiệm, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất. Cùng thời điểm ấy, nhiều doanh nghiệp cũng hăng hái “thử sức” như: Công ty CP Môi trường đô thị, Công ty Đầu tư và Phát triển Công thương Miền Trung... Sản phẩm của Hà Tĩnh đã từng thâm nhập được các siêu thị, bàn ăn của những nhà hàng nổi tiếng, đưa lại thu nhập cả trăm triệu đồng/ha.

Chẳng ai có thể tưởng tượng, nơi đã từng thực hiện dự án mang kỳ vọng về cuộc cách mạng nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Tĩnh lại bị “trượt dốc”, lãng quên nhanh đến vậy! Những vùng đất giờ trống trơ cát trắng, hệ thống vòi phun theo công nghệ Irael cũ kỹ, chỏng chơ đã hoen ố.

Phía trong khu sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất & Kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản Fam Hà Tĩnh (Tập đoàn FLC), đơn vị tiếp quản lại toàn bộ diện tích của Mitraco trước đây chẳng thấy dáng dấp gì của một dự án nông nghiệp công nghệ cao. Ngoại trừ 5 ha thanh long thì gần như... cỏ là loài “chủ lực”. Cỏ phủ kín các khu sản xuất, bám lên cả những hệ thống đường ống. Những khu sản xuất đứt quãng, tiêu điều vì sự bồi lấp, hoang mạc hóa của cát!

Hiện tại, khu vực sản xuất rau củ quả của Tập đoàn FLC chỉ mới sản xuất được hơn 5 ha thanh long và một số cây ngắn ngày chưa hạch toán được lợi nhuận.

Ông Phạm Văn Thành - Quản đốc công trường Fam Hà Tĩnh cho biết: “Hiện chúng tôi chỉ chăm sóc 5 ha thanh long và một ít cây trồng mùa vụ như: Cà chua, dưa trong nhà lưới. Vì chưa có đường điện sản xuất riêng biệt nên chủ yếu các công đoạn đang làm thủ công là chính”.

Khi được hỏi về giá trị thu nhập, ông Thành không giấu giếm: “Giờ thì lỗ chứ làm gì có lãi đâu mà tính”.

Dấu vết duy nhất của dự án công nghệ cao trên cát chỉ còn lại vài chục ha là đất sản xuất của bà con nông dân vùng Thạch Văn, Thạch Trị (Thạch Hà), Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên). Họ duy trì sản xuất đủ để cung cấp thị trường nhỏ lẻ.

Bà Trần Thị Điểu (thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn) cho biết: “Bây giờ chẳng doanh nghiệp nào nhận liên kết nữa, nông dân tự sản xuất rồi tự tiêu thụ như những cây trồng địa phương khác. Củ cải trắng của bà con cũng chỉ luẩn quẩn ở các chợ địa phương, chợ TP Hà Tĩnh thôi. Sợ nhất là vào chính vụ, củ cải xuống giá lắm vì đầy rẫy. Vì thế, chẳng ai dại gì mà mở rộng diện tích”.

Đáng lẽ vào thời điểm này, cánh đồng chuyên canh sản xuất ngô sinh khối của xã Hà Linh (Hương Khê) đã hoàn thành gieo trỉa. Phần vì mưa lụt bất lợi, phần vì bà con chẳng mặn mà sản xuất sau những năm liên kết “đứt gãy” mà cánh đồng mấy chục ha này giờ vẫn là đất trống.

Ông Nguyễn Đình Manh - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Linh cho biết: “Kế hoạch vẫn sản xuất 70 ha ngô sinh khối, chia thành những vùng tập trung từ 15-20 ha mỗi vùng. Điều khó nhất là đầu ra của sản phẩm, xã đã tìm kiếm đầu mối tiêu thụ khắp từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An nhưng nơi thì bấp bênh, nơi thì sợ mình không tuân thủ được yêu cầu của doanh nghiệp”.

Thực tế ở địa phương, tình hình triển khai khó khăn hơn nhiều. Ông Hồ Sỹ Quang - Trưởng thôn 10 cho hay: “Công ty CP Sữa Vinamilk đồng ý tiêu thụ với điều kiện đảm bảo quy trình nghiêm ngặt như: Thu hoạch khi cây ngô già (có 2-3 lá ở gốc vàng); thu hoạch đồng loạt; dùng dây rơm bó ngô... thực sự không đơn giản. Lực lượng lao động thiếu, điều kiện sản xuất khó khăn thì rất khó để sản xuất được các trà đồng loạt. Tới khi, không đủ yêu cầu, doanh nghiệp từ chối thì người nông dân biết tiêu thụ ở đâu?”.

Lo lắng là điều tất nhiên bởi chính ông Quang bị “vướng” vào mối tơ vò khi số tiền 12 triệu đồng giống tạm ứng không thu hồi được khiến tiền bán sản phẩm của một số bà con cho doanh nghiệp không lấy được vào hồi đầu năm nay.

Xảy ra cơ sự này cũng do sự thăng trầm của dự án chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh. Đã có thời điểm, diện tích ngô sinh khối toàn tỉnh đạt 3.500 ha (vào vụ đông 2017) và được xem là sản phẩm “cứu rỗi” vụ đông các huyện Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang. Thế rồi, dự án chăn nuôi bò Bình Hà thất bại, doanh nghiệp đầu mối gặp khó trong khâu tiêu thụ, ngô sinh khối như quả bóng “xì hơi”.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “So với ngô lấy hạt truyền thống thì ngô sinh khối có thời gian sinh trưởng ngắn (80 - 85 ngày), phù hợp để các địa phương luân canh. Đây cũng là loại cây trồng phù hợp với nhiều chân đất, vùng sinh thái. Tuy nhiên, sản phẩm lại phụ thuộc vào đầu ra, thị trường không ổn định đã ảnh hưởng đến thực tiễn sản xuất”.

Vụ đông 2019, sau 2 năm, diện tích ngô sinh khối còn lại 1.700 ha, giảm gần ½ diện tích so với năm 2017.

Ảnh: Nguyễn Oanh & CTV

thiết kế: huy tùng

(còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói