Làng…“ô sin”

Xóm 10 xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang thuộc vùng sâu, vùng xa có 104 hộ, 459 nhân khẩu ;trong đó có 41 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ gần 40%); 37 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 35,5%). Thu nhập bình quân đầu người từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng / người / tháng ( vào loại thấp nhất trong cả nước ).Đây là xóm chưa có mét đường bê tông nào… Đất chật, người đông, thiên nhiên khắc nghiệt; thiếu việc làm, đẻ nhiều…khiến cho nhiều trẻ em phải bỏ học đi làm “ô sin” tứ xứ để kiếm kế sinh nhai

“Ô sin” nội và “Ô sin” ngoại

"Osin nội"
"Osin nội"

Nếu “Ô sin nội” là đi giúp việc ở trong huyện, trong tỉnh, trong nước thì “ô sin ngoại” là đi giúp việc ở nước người. Hiện tại xóm 10 có 23 người (trong đó có 13 người đang làm “ô sin” ở Thái và 10 người đang làm “ô sin” ở trong nước. Người cao tuổi nhất là chị Phan Thị Nam (sinh năm 1968) đang vào giúp việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, còn lại tuổi đời từ 13 đến 25. Gia đình ông Nguyễn Văn Đình (50 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hóa (49 tuổi) có 3 con Là Nguyễn Văn Linh (21 tuổi), Nguyễn Thị Lan (18 tuổi), Nguyễn Thị Lý (15 tuổi) đều phải bỏ học từ rất sớm để kiếm kế sinh nhai.

Chị Phan Thị Bộ cầm tay phân bua: “ Chú đến nhà con Nam (Phan Thị Nam (sinh năm 1968. PV) em gái của tui. Tội lắm chú nờ! Quá lứa, ở một mình, xin đứa cháu về ở cho vui; nhưng rồi lấy chi đút vô mồm rứa là dì vô Nam mần thuê, cháu lên Hương Khê tìm việc, túp lều ni, cửa đóng then cài đã lâu rồi !

Đất hẹp , người đông

Xóm 10 Hương Thọ, Vũ Quang quần tụ trên dãy đồi hình bát úp phía hữu ngạn sông Ngàn Trươi. 104 hộ với 104 ngôi nhà (trong đó có 24 nhà tranh), trên dưới 100 chuồng trại gia súc; công trình vệ sinh vv…chen chúc trong 3 ha đất vô cùng chật chội và khó đảm bảo vệ sinh môi trường. “ Họ còn có đất làm nhà, còn có sổ đỏ, vợ chồng em tấc đất cắm dùi cũng không. Năm 1994, vợ chồng em bế bồng con vào Lâm Đồng làm thuê, thất nghiệp. Năm 2004, đâm trào trở về, vào khe Đẻn vỡ hoang vạt đất vừa dựng túp lều này đây. Không ruộng, vườn, không trâu, bò; tay trắng, nên đứa đầu và đứa thứ 2 phải đi làm thuê nuôi hai em ”. Chị Nguyễn Thị Hoa trao đổi. Tôi đã đứng rất lâu trước ngôi nhà của hai vợ chồng người nông dân này, và khi bước vào nhà nhìn lên mái tranh đã thấy trời xanh qua những chỗ tranh dột mà vô cùng thương cảm!

Chị Hoa - một trong những gia đình đông con: "Vợ chồng tôi đào núi vừa dụng được túp nhà, không vườn, không đất, không ruộng"
Chị Hoa - một trong những gia đình đông con: "Vợ chồng tôi đào núi vừa dụng được túp nhà, không vườn, không đất, không ruộng"

Xóm 10 có 23 ha đất màu và ruộng bậc thang phân bố rải rác quanh khe lò Vôi, khe Vàng, đập Tắt.. Vài trận mưa xập xòi đã lũ quét nên mỗi năm chỉ làm một vụ, năng suất lúa chỉ đạt 1tạ / 1 sào.

Trước đây, khi chưa có dự án trồng cây cao su, 459 con người còn dựa vào lợi thế gần rừng. Củi đuốc để đun; cỏ cho trâu bò; củ khoai , củ sắn, khúc gỗ, nuộc lạt đều lấy từ núi Truông Dài, khe Đẻn, Lèo Heo… “ Còn bây giờ thì bó tay chú ạ! Đất rừng thuộc về Công ty Cao su Hương Khê. Lợi mô thì nỏ biết, nhưng trước mắt trâu bò không có nơi chăn dắt, không có cỏ để ăn, dân làng như bị trói tay, trói chân; một phần nguồn sống bị tiệt đường!”. Ông Mân bức xúc và vội vàng lục trong túi áo một tờ giấy gấp tư: “ Đây, sáng nay tui mới nhận Công văn của Công ty Cao su Hương Khê về việc : “ Đình chỉ sẻ phát, lấn chiếm rừng trồng keo, khai thác gỗ thông, nhựa thông trái phép” và giao cho xóm nội trong 5 ngày (kể từ ngày 13-03-2010) phải chấm dứt tình trạng trên khiến chúng tôi vô cùng lo lắng”.

"Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh cậu”

Chúng tôi đến xóm 10 Hương Thọ, rẽ vào bất cứ ngõ nào cũng gặp trẻ em ríu ra, ríu rít. Ông Mân (xóm trưởng) đã cung cấp cho chúng tôi số liệu rất cụ thể: “ Tại xóm 10 có 35 cháu từ 1 đến 5 tuổi; 43 cháu từ 6 đến 10 tuổi; trong 104 gia đình, có 18 gia đình có từ 6 đến 8 con”. Gia đình anh Nguyễn Văn Đình và chị Nguyễn Thị Hóa có 7 con. Các con của anh chỉ sinh cách 2, thậm chí cách 1 . Đứa con gái đầu Nguyễn Thị Lan (24 tuổi) lấy chồng năm 18 tuổi đã có hai con trai: Nguyễn Văn Thái (5 tuổi) và Nguyễn Văn Hoàn (4 tuổi). Khi cháu đầu (Thái- PV) biết đi và cháu thứ hai (Hoàn -PV) biết bò; thì bà ngoại sinh cậu thứ 7 là Nguyễn Chính Hữu. Đây là trường hợp: “ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh cậu”.

Nghèo và thất học

Hầu hết các cháu đi làm “ô sin” đều bỏ học giữa chừng. Có cháu chỉ học đến lớp 3, nhiều cháu theo đến lớp 9. Được biết tại xóm 10 Hương Thọ 10 năm nay (2000-2010) chỉ có 5 cháu đậu Đại học. “ Nhà tui có cháu Trần Văn Tuyên đang học ĐH ở Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm chỉ được vay 8 triệu, khó khăn lắm để cháu theo học chú ạ!”. Năm học 2009-2010,có 12 em phải bỏ học giữa chừng. “ Cấp nào cũng có. Lớp 3, lớp 5, lớp 7. Có cả. Trong năm ni (nay) xóm có 12 em đang học THPT (số lượng học sinh học THPT đông nhất từ trước đến nay), nhưng em Phan Văn Thuận (học sinh lớp 11) con ông Phan Văn Lành đã bỏ học nửa chừng để đi sang Thái Lan làm Ô sin”. Ông Mân tiếc rẻ.

Nghèo, nợ nần là tất yếu. Cũng theo ông Mân, hiện tại nhân dân xóm 10còn nợ Ngân hàng( Ngân hàng phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vũ Quang ) 2 tỷ 7 để đầu tư vào sản xuất, nhưng khả năng hoàn lại vốn cho ngân hàng là hết sức khó khăn.

Mưu sinh trên dòng Ngàn Trươi
Mưu sinh trên dòng Ngàn Trươi

Đi về đâu!?

Chúng tôi đã gặp 8 “ô sin” đang giúp việc cho các gia đình ở Thị trấn Vũ Quang. “ Công việc chúng cháu hàng ngày là trông em (bế, cho ăn, vệ sinh), quét nhà, giặt giũ và những việc khác trong nhà. Nhà chủ cho ăn mỗi ngày 2 bữa và mỗi tháng trả cho 600.000 đồng”. Một em (đề nghị giấu tên) cho biết. “ Trước mắt tạm ổn, nhưng không có chi đảm bảo lâu dài. Lúc chủ không cần là mất việc. Rồi ốm đau. Ai biết được…”. Một cháu khác trong nhóm giúp việc (tại khu liên cơ thị trấn Vũ Quang ) ngân ngấn nước mắt.

Để ổn định cuộc sống lâu dài cho nhân dân, để giúp đỡ các cháu có việc làm cần thiết đến chiến lược đào tạo ngành nghề lâu dài và trước mắt Công ty Cao su Hương Khê nên có ưu tiên tuyển chọn nguồn nhân lực lao động từ con em nhân dân lao động ở nơi đây.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast