7 năm, 2 sự kiện, một đích đến!

(Baohatinh.vn) - Những nhà máy chọc trời vươn mình trong nắng mới, tiếng trẻ thơ rộn rã dưới mái trường, những con đường phẳng phiu, sạch sẽ chạm ngõ từng nhà... Trong miên man của công dân đô thị mới, những vùng đất nghèo đói dưới chân Hoành Sơn thuở nào, nay đã khoác lên mình “chiếc áo mới”.

7 năm, 2 sự kiện, một đích đến! ảnh 1
Sắc mới Kỳ Liên

Dẫu đã ngoài 80 tuổi và từng trải qua biết bao đổi thay trong cuộc sống nhưng ông Nguyễn Xuân Lương (tổ dân phố Liên Sơn, phường Kỳ Liên, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn thổn thức trước 2 sự kiện trong vòng 7 năm qua: di dời, tái định cư nhường đất cho dự án Formosa và thành lập thị xã Kỳ Anh. Với ông, những gì mình đã trải nghiệm, hy sinh không chỉ cho bản thân, cho hôm nay mà cho cả con cháu mai sau.

“Năm 2008, gia đình tôi tiên phong tháo dỡ, di dời nhà cửa, đồ đạc ở nơi “chôn rau cắt rốn” lên vùng tái định cư (TĐC) nhường đất triển khai dự án Formosa. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu trên khu TĐC, 7 năm sau, chúng tôi lại trở thành công dân của thị xã Kỳ Anh", ông Lương mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng niềm tự hào.

Kỷ niệm những ngày cuối cùng ở mảnh đất Kỳ Liên xưa đến bây giờ ông vẫn nhớ mãi. Ngày đó, được tin giải phóng mặt bằng, nhường đất để di dời TĐC ở một khu vực khác, chúng tôi còn nghi ngại lắm, bởi ai cũng lo rằng, lên đó lấy đất đâu mà sản xuất nông nghiệp, nhiều dự án đã thu hồi đất nhưng có triển khai đâu… Bao băn khoăn của thời khắc sắp rời quê cũ cứ bám riết khiến ông thêm bịn rịn. Được lãnh đạo tỉnh, huyện đến tận gia đình động viên cộng với bản tính tiên phong của một đảng viên, ông Lương đã xung phong lên khu TĐC đợt đầu ở thời điểm khu vực ông chưa phải di dời. “Có an cư mới lạc nghiệp”, với tinh thần đó, ông và 18 gia đình khác đã đặt chân lên khu TĐC Kỳ Liên mang theo khát vọng đổi thay của vùng quê nghèo.

Đang mải mê chuyện cũ thì bà Mai Thị Xuân, vợ ông vừa đi làm về. Ánh mắt ông Lương hướng về phía bà Xuân, phấn khởi cho biết: “Cứ sợ lên đây không có việc làm, nhưng bà nhà tôi đã hơn 65 tuổi vẫn kiếm được hơn 3 triệu đồng/tháng bằng chính sức lao động của mình. Việc làm cũng tự mình mà ra thôi, công việc nào cũng cần có ý thức lao động”.

Theo bà Xuân, khi lên khu TĐC, vì không đủ tuổi để học nghề, lại không còn sức để xin làm lao động phổ thông ở công trường Formosa nên khi biết ông Nguyễn Xuân Miễn ở tổ dân phố Liên Sơn thành lập tổ hợp tác trồng nấm, thu gom rác thải, bà đã gia nhập và không lâu sau, khi HTX Dịch vụ tổng hợp Kỳ Liên ra đời, bà Xuân đã trở thành thành viên, có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định.

7 năm, 2 sự kiện, một đích đến! ảnh 2
Một góc công trường Fomosa trên đất Kỳ Liên.

Hỏi chuyện ông Nguyễn Xuân Miễn, chúng tôi được biết, sau khi di dời lên khu TĐC, với bản tính năng động, ông và nhiều lao động lớn tuổi khác ở Kỳ Liên đã mày mò, kinh qua nhiều lĩnh vực SXKD khác nhau. Sau một thời gian thử nghiệm, họ đã nhận ra, với sức khỏe, nhu cầu hiện nay thì tham gia sản xuất nấm ăn, thực hiện các dịch vụ liên quan đến vệ sinh môi trường là phù hợp nhất.

“Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã thu về hơn 200 triệu đồng từ việc thu gom rác thải trên địa bàn phường Kỳ Liên. Với số tài sản sở hữu gần 1 tỷ đồng, HTX Dịch vụ tổng hợp Kỳ Liên đủ sức để hoàn thành mọi kế hoạch SXKD và đảm bảo thu nhập ổn định, thường xuyên cho người lao động” - Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Miễn cho hay.

Theo số liệu từ Chủ tịch UBND phường Kỳ Liên - Nguyễn Hồng Cương, nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Kỳ Liên còn ở mức thấp thì năm 2015, đã đạt 40 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 38,7% xuống dưới 4,7%. Từ chỗ chỉ có 1 doanh nghiệp, đến nay, phường Kỳ Liên đã thành lập được 70 doanh nghiệp; đặc biệt, năm 2008, mức thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở con số 1,4 tỷ đồng thì đến nay, tổng thu ngân sách đạt gần 80 tỷ đồng/năm, dự kiến đến năm 2020, là trên 350 tỷ đồng.

Những con số biết nói đã phản ánh sự đổi thay trong cuộc sống người dân Kỳ Liên trước và sau khi di dời lên khu TĐC. Giờ đây, người dân phường Kỳ Liên nói riêng và các khu TĐC nói chung đang nghĩ về nếp sống, cách ứng xử văn minh của cư dân đô thị. Chia tay cụ Lương, ông Miễn khi tiếng còi tàu từ cảng nước sâu Sơn Dương vang lên, chúng tôi càng trân trọng, thấu hiểu được những giá trị về sự hy sinh của lớp người đi trước cũng như sự đổi thay kỳ diệu trên vùng đất “chảo lửa, túi mưa”.

7 năm với 2 sự kiện, người dân Kỳ Liên nói riêng và thị xã Kỳ Anh nói chung đang hướng đến một đích là xây dựng một cuộc sống mới văn minh, giàu mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast