Ấm lòng ngày gặp lại…

(Baohatinh.vn) - Ngày nhập ngũ (tháng 6/1965), hai đội N23 và N25 thuộc Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) có 2.700 chiến sĩ, là những cô gái, chàng trai phơi phới xuân xanh. Sau 50 năm gặp lại (2015), nay chỉ còn 892 người…

Hướng tới kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7

Ngày gặp lại, những chiến sỹ thanh xuân năm nào tóc đã bạc, da nhăn; môi nở nụ cười nhưng mắt tràn lệ… Rưng rưng bởi được gặp lại nhau và đau đáu khi nghĩ tới những đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống. Họ bắt tay, vỗ vai, ôm chầm lấy nhau mà chẳng nói nên lời.

Ấm lòng ngày gặp lại… ảnh 1
Rưng rưng ngày hạnh ngộ

Bác Phan Xuân Hợi - Đơn vị 207, Đội N23 (quê Thạch Hà) nghẹn ngào: “Đồng đội tôi, người còn, người mất, mình có được ngày hôm nay, được gặp lại nhau, được ôn lại lịch sử là niềm hạnh phúc tột cùng. Tôi phải sống thay, làm thay những điều mà đồng đội chưa kịp làm”.

Lịch sử không bao giờ quên và chắc hẳn người dân Việt Nam cũng không quên giai đoạn đầu năm 1965, khi đế quốc Mỹ tập trung lực lượng, phương tiện đánh phá ác liệt toàn bộ hệ thống giao thông trên các tuyến từ Bắc vào Nam, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Trước hoàn cảnh đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Thường trực Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ tập trung.

Ở Hà Tĩnh, Tỉnh ủy ra nghị quyết thành lập 2 đội TNXP của tỉnh vào chiến trường B, C. Đội được đặt tên Bắc Hà và Nam Hà, phiên hiệu chung là Đội 23, Đội 25 gồm 20 đại đội với 2.400 cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ thuộc Đoàn 559. Từ tháng 6/1965, hai Đội 23 và 25 được bổ sung, nâng tổng số lên 2.700 người.

Cùng với 17.000 TNXP chống Mỹ trong toàn tỉnh, Đội 55, 53, 229, 40 cùng các đội độc lập, Đội 23 và Đội 25 đã tăng cường viện trợ cho chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Trị; mở nhiều con đường huyết mạch để vận chuyển lương thực, đạn dược vào chiến trường và chuyển thương binh từ chiến trường ra đường Trường Sơn. Các chiến sỹ Đội 23 và 25 đã viết nên trang sử vàng vẻ vang của lực lượng TNXP chống Mỹ.

Bác Dương Thị Hiểu - Đơn vị 217, Đội N23 (quê Cẩm Xuyên) xúc động nhớ lại: “Ngày ấy, tôi là Tiểu đội trưởng Tiểu đội C2, gồm 12 cô gái. Khi đang trên đường hành quân vào chiến trường Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào đi qua tỉnh Quảng Bình thì trúng bom, một đồng chí trong tiểu đội bị thương nặng. Không thể ngưng cuộc hành quân, tôi yêu cầu đồng đội tiếp tục lên đường, còn mình ở lại chăm sóc. Cầm cự được 3 hôm, đồng đội của tôi ra đi. Tôi cùng người dân chôn cất, đánh dấu địa điểm để sau này tìm lại. Sau đó, tôi tiếp tục vào chiến trường. Chiến tranh ác liệt lại cướp thêm một đồng đội khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường 20. Mãi đến năm 2012, tôi mới có điều kiện trở lại chiến trường xưa, tìm lại nơi bạn nằm, đưa về quê cha đất tổ. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để tiếp tục đi tìm những đồng đội đã hy sinh về với gia đình”.

Tại buổi gặp mặt, những hình ảnh chị em quấn mảnh dù trắng trong đêm, xếp hàng làm “cọc tiêu sống”; những lần chứng kiến đồng đội hy sinh; gùi, thồ hàng khi đường trơn, dốc cao… luôn in đậm trong lòng mỗi chiến sĩ TNXP.

Trở về khi đất nước thống nhất, mang trên mình nhiều vết thương của chiến tranh, bác Lê Thị Hải - Tiểu đội D1, Đội N25 (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi là người vô cùng may mắn trong khi hàng nghìn đồng đội đã gửi mình vào sông núi. Bởi vậy, dẫu có đau đớn bởi vết thương, tôi vẫn luôn cố gắng vượt qua. Nhà có 3 chị em cùng xung phong ra trận. Và nay, các con tôi đều là chiến sỹ phục vụ trong quân đội. Đó là “trường học lớn” để các con rèn luyện và trưởng thành”.

Rời quân ngũ, nhiều cựu TNXP Đội 23, 25 đã trở thành những cán bộ, công dân mẫu mực, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ cho công cuộc đổi mới đất nước; truyền dạy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường cho thế hệ sau dẫu bản thân vẫn mang trong mình nhiều vết thương, nhiều người bị nhiễm chất độc da cam để lại di chứng cho con cháu. Và xót xa hơn, nhiều cựu TNXP không thể làm mẹ, làm vợ…

Những câu chuyện sau bao năm xa cách nối dài mãi, nỗi đau hẳn còn, thế nhưng, trên tất cả vẫn là tinh thần bất diệt của người lính Cụ Hồ “Không có việc gì khó”. Đất nước và con cháu thế hệ sau luôn ghi lòng tạc dạ sự hy sinh, đóng góp của thế hệ đi trước. Đó là nguồn sáng để tuổi trẻ hôm nay và mai sau viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast