Cai nghiện ma túy: Đừng như “bắt cóc bỏ đĩa”!

(Baohatinh.vn) - Ma túy gieo rắc bao nỗi đau cho nhiều gia đình, kéo theo các tệ nạn xã hội. Đấu tranh chống lại “cái chết trắng” đang là thách thức lớn cho toàn xã hội, đặc biệt là công tác cai nghiện. Song, vấn đề hiện đang gặp nhiều khó khăn ở địa bàn Hà Tĩnh...

Cai xong lại… nghiện

“Bập” vào ma túy khi đang làm công nhân đóng tàu tại TP Hải Phòng, cuộc đời P.H.T (SN 1987, ở Thạch Hà) trượt dài theo những chuyến “bay”, “lắc”, “đập đá”...

Sa vào con đường nghiện ngập, T. nhanh chóng đánh mất công việc ở Hải Phòng và trở về quê. Năm 2013, T. được chính quyền địa phương đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh. Sau 1 năm cai nghiện, T. trở về tái hòa nhập cộng đồng nhưng do thiếu bản lĩnh, bị bạn bè lôi kéo, chỉ sau 2 tháng, T. tái nghiện.

Cai nghiện ma túy: Đừng như “bắt cóc bỏ đĩa”! ảnh 1
Người nghiện ma túy được tư vấn các biện pháp và phác đồ điều trị tại cơ sở điều trị methanol.

T. cho biết: “Sau khi “nhởi” lại (tái nghiện - PV), em đã rất ân hận… Em vào đây là lần thứ 2 nên không còn lạ lẫm, lại được các thầy, cô giúp đỡ tận tình nên đến nay đã cắt cơn. Lần này, em quyết tâm cai nghiện thành công và không tái nghiện nữa”.

Cũng như T., anh P.X.D (SN 1972, ở Nghi Xuân) là một trong những trường hợp tái nghiện quay trở lại trung tâm theo diện cai nghiện tự nguyện. Anh D. tâm sự: “Khi tái nghiện, bản thân tôi rơi vào ngõ cụt, thân tàn ma dại và tôi đã tự mình bắt xe ôm vào trung tâm. Trong lúc tôi đang lên cơn nghiện, chân tay run lẩy bẩy đứng trước cửa trung tâm, cán bộ nơi đây đã dang rộng vòng tay đón nhận tôi”.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho biết: “Mỗi đối tượng sau khi cai nghiện trở về với cộng đồng, chúng tôi đều giữ liên lạc với gia đình để theo dõi, nắm tình hình. Thông tin có thể thiếu chính xác do gia đình giấu giếm hoặc không nắm rõ nhưng việc theo dõi học viên sau cai nghiện là trách nhiệm của chúng tôi”.

Cũng theo ông Sỹ, công tác cai nghiện đã khó nhưng để đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, không tái nghiện càng khó khăn hơn. Việc này không chỉ được quyết định bởi bản thân đối tượng mà còn của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Theo đó, việc quan tâm tạo việc làm cho đối tượng là quan trọng nhất để giúp người nghiện hoàn lương.

Rườm rà thủ tục cai nghiện bắt buộc

Theo số liệu của Công an tỉnh, tính đến 30/6/2015, trên địa bàn tỉnh có 797 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tuy nhiên, trên thực tế, ước có khoảng 2.300 trường hợp. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa những đối tượng này đi cai nghiện nhanh nhất, sớm nhất và có hiệu quả.

Hiện nay, có 2 hình thức cai nghiện: bắt buộc và tự nguyện. Với hình thức tự nguyện, thủ tục có phần đơn giản. Với hình thức cai nghiện bắt buộc, thủ tục rườm rà hơn gấp nhiều lần.

Thứ nhất, người nghiện phải tự nhận mình là nghiện hút ma túy (hoặc bị công an bắt quả tang sử dụng ma túy). Bước tiếp theo, người nghiện được đưa vào giáo dục theo tinh thần Nghị định 221/2013/NĐ-CP (giáo dục ít nhất 3 tháng tại nơi cư trú). Mỗi tháng, đối tượng tự kiểm điểm một lần, có cán bộ phụ trách tổ dân phố nhận xét. Nếu chưa tiến bộ, công an phụ trách mới đề xuất đưa vào diện cai nghiện bắt buộc, phải có xác nhận của công an xã, phường và các tổ chức đoàn thể liên quan. Sau đó, chuyển hồ sơ hoàn chỉnh lên đội tổng hợp xem xét và tiếp tục chuyển sang phòng LĐ-TB&XH, tòa án nhân dân huyện. Khi có quyết định của tòa án nhân dân, công an huyện phối hợp với phòng LĐ-TB&XH thi hành quyết định đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.

Do thủ tục rườm rà, thời gian xác lập hồ sơ lâu nên nhiều đối tượng đã trốn khỏi nơi cư trú trong lúc “chờ đợi”. Được biết, ngay từ đầu năm 2015, Công an tỉnh đã có kế hoạch đưa từ 30-50 đối tượng đi cai nghiện nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh chỉ mới tiếp nhận được 3 đối tượng. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ: “Đối tượng cai nghiện bắt buộc thì hồ sơ thủ tục quá rườm rà, còn đối tượng tự nguyện thì gia đình phải đóng kinh phí hoàn toàn nên công tác cai nghiện vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn”.

Theo phác đồ điều trị, đối tượng cai nghiện bắt buộc điều trị trong vòng 1 năm (đối tượng tái nghiện nhiều lần có thể lâu hơn); đối tượng tự nguyện là 6 tháng. Với thời gian như vậy, liệu đối tượng đã thực sự cai nghiện thành công hay chỉ cắt cơn nghiện và tiếp tục tái nghiện? Tháo gỡ những khó khăn trong công tác cai nghiện, để đừng “bắt cóc bỏ đĩa” đang là bài toán khó đối với các cấp, ngành.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast