Cần sớm ngăn chặn tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng ở đuôi tràn Kẻ Gỗ

Đó là điều mong muốn của chính quyền và nhân dân xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) suốt nhiều năm qua. Niềm mong mỏi ấy càng được nhân lên sau những đợt xả lũ hồ Kẻ Gỗ gây sạt lở đất nghiêm trọng ở cuối đuôi tràn sự cố (tràn Dốc Miếu) thuộc thôn 2, xã Cẩm Mỹ.

Về nắm tình hình thiệt hại và công tác cứu trợ, khắc phục tình hình lũ lụt, tình cờ gặp anh Nguyễn Đình Quyền - Chủ tịch Hội CCB huyện Cẩm Xuyên. Không giấu được sự lo âu, anh Quyền cho biết vừa cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện đi nắm tình hình lũ lụt về, và một điều khiến anh em đoàn quan ngại là cứ sau mỗi lần xả lũ hồ Kẻ Gỗ, tình trạng sụt lở đất tại bờ Nam sông Ngàn Mọ, thuộc thôn 2, xã Cẩm Mỹ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Mỗi ngày sông Ngàn Mọ lai "ăn" sâu vào rộng vường, nhà cửa của người dân thôn 2, xã Cẩm Mỹ
Mỗi ngày sông Ngàn Mọ lai "ăn" sâu vào rộng vường, nhà cửa của người dân thôn 2, xã Cẩm Mỹ

Đồng tình với quan điểm trên, ông Kiều Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ, cho biết: Tình trạng này đã xẩy ra từ nhiều năm trước. Xã đã nhiều lần kiến nghị, lãnh đạo huyện, ngành, tỉnh đã về xem xét nhưng nghe đâu cần một nguồn kinh phí lớn, vượt khả năng của tỉnh nên đến nay tình trạng sạt lở không chỉ tiếp diễn mà còn nặng hơn, nhất là sau những đợt xả lũ hồ Kẻ Gỗ vừa qua…

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi có mặt tại bờ Nam thôn 2, xã Cẩm Mỹ ngay khi nước lũ đang cuồn cuộn chảy là sự bất an ngập tràn. Rào…rào… Tiếng đất lở cứ chốc lát lại xen vào cuộc trao đổi của người dân sở tại với các nhà báo có mặt tại hiện trường. Đoạn sạt lở kéo dài khoảng 200 m, sâu hút, nhìn chóng mặt.

Chị Trần Thị Thành - Bí thư chi bộ thôn 2 luôn miệng nhắc anh bạn đồng nghiệp đang loay xoay chụp ảnh: "Cẩn thận, cận thận! Đứng xa bờ ra không sập xuống đấy!". Theo quan sát của chúng tôi, nước lũ, nước xả lũ đã khoét sâu vào bờ, chẳng khác hàm ác thú khổng lồ gặm từng mét đất vốn trước đây là nhà, là vườn ném theo dòng nước.

Chị Trần Thị Thành, giải thích: "Con sông Ngàn Mọ đoạn qua đây vốn trước kia dòng chảy nằm tút ngoài xa. Nay do tác động của con người làm nó thay đổi dòng chảy, tạo ra cồn đất đá ở bờ Bắc và chảy liếm sang bờ Nam nên mới xẩy ra tình trạng sạt lở như thế này". Hiện, chưa ai đo đạc cụ thể lòng sông đoạn này rộng bao nhiêu, nhưng áng chừng khoảng trên dưới 300 m. Và theo người dân, 20 năm qua, với nhiều lí do, dòng sông đã "nuốt" mất của họ hơn trăm mét chiều sâu với tốc độ năm sau nhiều hơn năm trước.

Người lo sợ nhất tại thời điểm đó và cả sau này hẳn không ai khác ngoài chị Thanh, vợ anh Tam. Mắt đỏ hoe, mặt đầy lo âu, chị níu tay từng người trong chúng tôi rồi cứ thế nấc lên: "Có cách gì đó giúp gia đình tôi với. Đêm nào cũng nghe tiếng đất lở, không ngủ được vì vừa sợ vừa tiếc của. Cứ đà này chẳng bao lâu nữa chúng tôi mất hết nhà cửa, đất đai…". Lời não nề chưa dứt: "Khi lấy chồng, bố mẹ cắt cho miếng đất rộng lớn ven sông làm của hồi môn. Sớm hôm vợ chồng tôi lam lũ với miếng đất này để dựng nên cơ nghiệp. Dù chưa phải to tát gì nhưng cũng tạm yên lòng. Không ai ngờ miếng đất của tôi ngày nào, giờ đã sát bờ…".

Nhìn bằng mắt thường thì nhà của vợ chồng chị Thanh hiện chỉ còn cách bờ khoảng 45 - 50 m. Nhưng đây không phải là trường hợp đầu tiên phải mất đất và sẽ ra đi nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn. Trước đó, gia đình bà Trung, bà Xuân đã phải bỏ đất, dời nhà đi nơi khác vì đất lở đã sát hè nhà.

Dù là nguyên nhân gì, điều kiện khó khăn như thế nào thì việc sụt lở đất đang gây bất an cho người dân hiện sống gần bờ sông Ngàn Mọ, đoạn cuối tràn sự cố hồ Kẻ Gỗ, thuộc thôn 2, xã Cẩm Mỹ. "Đề nghị các ngành có liên quan, chính quyền từ xã đến tỉnh sớm có những động thái cần thiết để an dân…", chị Thanh kiến nghị.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast