Cần xử lý nghiêm những hành vi gây ô nhiễm môi trường

Gần đây, dư luận cả nước hết sức bức xúc trước thông tin Công ty CP Nicotex bí mật chôn lấp trái phép hàng chục thùng hóa chất độc hại, gây ô nhiễm nặng tại một số xã ở 2 huyện Cẩm Thủy và Yên Định (Thanh Hóa)...

Theo phân tích và cảnh báo của các nhà khoa học, nếu chất độc này không được bảo quản và tiêu hủy cẩn thận sẽ tác động xấu đến môi trường đất, nước và không khí; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, nếu chung sống lâu dài với môi trường độc hại này, con người sẽ bị nhiều chứng bệnh nan y, như: xơ gan, ung thư gan, lao xương, rối loạn tâm thần, ung thư phổi, lao phổi…Vụ việc không chỉ phản ánh sự buông lỏng, yếu kém của các cơ quan quản lý về môi trường, mà còn nói lên hành vi nhẫn tâm, độc ác của “đương sự” với người dân các địa phương này.

Cách đây chưa lâu, trại lợn ở Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) gây bức xúc vì ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Cách đây chưa lâu, trại lợn ở Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) gây bức xúc vì ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Từ vụ “động trời” ở Thanh Hóa, ngẫm về môi trường trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay, chúng ta thấy không ít vấn đề đáng lo ngại. Vai trò, hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, hạn chế. Bất cứ địa phương nào trên địa bàn Hà Tĩnh, dưới hình thức này hay hình thức khác đều có những vấn đề về an ninh môi trường cộng đồng...

Xin điểm lại một số vụ việc gây ô nhiễm môi trường nổi cộm trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Cách đây 7 năm, Công ty TNHH Trường An đóng trên địa bàn Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) xây dựng dây chuyền sản xuất giấy vệ sinh, làm ô nhiễm nặng môi trường xung quanh, gây phản ứng đồng loạt trong dân chúng.

Tháng 2/2011, một chủ trang trại xã Đức Long (Đức Thọ) đã “liều lĩnh” chôn 20 con lợn chết do dịch tai xanh ngay cạnh QL 8A, bị nhiều người dân phát giác.

Năm 2012, chủ hộ Nga Tửu mở trang trại nuôi gần 1.000 con lợn tại địa bàn xã Sơn Lễ (Hương Sơn) gây ô nhiễm nặng trên địa bàn. Nhân dân nơi đây kiên quyết đấu tranh, chủ hộ này mới dời trại lợn sang địa điểm khác…

Tiếc rằng, việc xử lý các vụ việc trên xem ra còn “nhẹ tay” nên chưa mang tính răn đe, giáo dục. Do đó, những vụ việc, hành vi vi phạm về môi trường vẫn phổ biến, thường xuyên xảy ra tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Đó là hành vi xả chất thải hút từ bồn cầu xuống lòng sông, lòng hồ điều hòa trong thành phố; xả, vứt đổ rác bừa bãi, thậm chí ngay trên nhiều tuyến giao thông đông người và phương tiện qua lại. Đặc biệt là tình trạng chăn nuôi lợn theo quy mô gia trại lớn nhưng chưa thực hiện đúng quy trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường ở nhiều cơ sở...

Từ thực trạng trên, thiết nghĩ, ngành Tài nguyên - Môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường và các cấp, ngành cần vào cuộc tích cực, quyết liệt, xử lý nghiêm những đối tượng, hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đồng thời có những giải pháp thiết thực trước mắt cũng như lâu dài để một Hà Tĩnh “không những đẹp mà sạch”, đảm bảo vệ sinh môi trường bền vững – một trong những tiêu chí quan trọng trong phát triển đô thị cũng như xây dựng NTM.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast