Chủ động xây dựng phương án ứng phó với tình huống siêu bão

(Baohatinh.vn) - Sáng 7/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đi kiểm tra thực địa và chủ trì hội nghị triển khai các nhiệm vụ chủ động phòng ngừa, ứng phó với tình huống siêu bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng các sở ngành, địa phương đã đi kiểm tra thực địa một số vị trí xung yếu, khu vực có nguy cơ bị thiệt hại nặng khi siêu bão đổ bộ vào bờ tại xã Thạch Kim và nghe huyện Lộc Hà báo cáo phương án phòng ngừa, ứng phó với các tình huống siêu bão trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn kiểm tra thực địa một số vị trí xung yếu, khu vực có nguy cơ bị thiệt hại nặng khi siêu bão đổ bộ vào bờ tại xã Thạch Kim

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn kiểm tra thực địa một số vị trí xung yếu, khu vực có nguy cơ bị thiệt hại nặng khi siêu bão đổ bộ vào bờ tại xã Thạch Kim

Tháng 7 năm 2014, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo tổng hợp và công bố kết quả phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng cho dải ven biển Việt Nam. Theo đó, trong những năm tới tại vùng biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh có bão cấp 13, cấp 14, cấp 15; gió giật mạnh cấp 15, cấp 16. Khu vực ven biển từ Thanh Hoá - Hà Tĩnh nước dâng cao nhất do bão đã xảy ra là 4,0m (nước dâng cao nhất do bão gây ra chưa được nghiên cứu tính toán đầy đủ bởi các yếu tố thủy triều và sóng).

Đối với Hà Tĩnh, vùng ảnh hưởng do bão và nước dâng là khu vực trọng điểm ven biển, ven cửa sông tại các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Tp. Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Riêng khu vực nội địa bao gồm các khu vực dân cư thuộc phạm vi các xã của 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tại khu vực trọng điểm ven biển, ven cửa sông được xây dựng với 4 kịch bản từ bão cấp 8 – 14 trở lên; vùng nội địa tổ chức khuyến cáo để nhân dân tìm chỗ trú ẩn an toàn...

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), siêu bão là bão có gió mạnh tương đương cấp 16 trở lên, tốc độ gió cực đại từ 51 - 56m/s (từ 184 - 201km/h); khí áp thấp nhất vùng tâm bão là 927mb; sóng biển ngợp trời, sức tàn phá cực kỳ lớn.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: năm nay, do biển đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết diễn biến bất thường có khả năng siêu bão sẽ đổ bộ vào Việt Nam, trong đó có Hà Tĩnh. Để chủ động ứng phó với các tình huống siêu bão, yêu cầu tất cả các ngành liên quan cùng với chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều kênh thông tin thiết thực và hiệu quả đến tận người dân.

Các địa phương, tiểu ban phải tiến hành rà soát lại công tác triển khai “4 tại chỗ“ và các phương án phòng chống bão lụt, đồng thời xây dựng thêm phương án dự báo cho vùng có khả năng bị siêu bão và mực nước dâng.

Ngoài ra, cần chú trọng công tác di dời dân theo từng cấp độ của bão; chủ động phương tiện, lực lượng cơ sở kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xẩy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast