Chuyện đời những thương binh nặng

(Baohatinh.vn) - Liệt nửa người, cụt tay chân, mù hai mắt, thậm chí, tỷ lệ thương tật là 100%, họ vẫn tự đùa với mình là “liệt sỹ sống”. Họ - mỗi cuộc đời, mỗi số phận, tuổi thanh xuân và máu xương đã gửi lại nơi chiến trường. Hòa bình lập lại, vì nhiều lý do khác nhau mà không thể về với quê hương, gia đình tại Hà Tĩnh. Họ gắn bó cả cuộc đời mình với Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An.

CHUYỆN MỘT MỐI TÌNH…

Tháng 7 với cái nắng oi nồng. Tháng 7 dường như cũng đầy kỷ niệm với cặp vợ chồng thương binh mù Đào Xuân Tình và Cao Thị Hải. Gần 40 năm đi qua, tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng (ĐDTBN) Nghệ An, họ không nhớ đã bao nhiêu lần dìu nhau đi trong khuôn viên này. Mỗi ghế đá, hàng cây, mỗi dãy nhà, phòng họp… dù chẳng thể nhìn ra nhưng dường như rõ ràng lắm trong hình dung của họ. Trại thương binh 4 thực sự là một mái ấm gia đình, một ngôi nhà đầy kỷ niệm trong suốt những năm dài đằng đẵng xa quê.

Tác giả (ngoài cùng bên trái), cán bộ trung tâm và người thân của vợ chồng thương binh Đào Xuân Tình – Cao Thị Hải.
Tác giả (ngoài cùng bên trái), cán bộ trung tâm và người thân của vợ chồng thương binh Đào Xuân Tình – Cao Thị Hải.

Hơn 30 năm mặn nồng, câu chuyện về vợ chồng người thương binh mù ấy đã đi vào thiên tình sử không chỉ với mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm ĐDTBN Nghệ An mà với tất cả những ai đã từng nghe họ kể, từng biết về họ. Sau chiến tranh, chị Hải với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 100%, đầu bị hàng chục vết thương, mất 14 răng hàm trên, thêm một mảnh đạn cắm sâu vào giữa cổ, khớp háng cũng bị gãy. Còn anh Tình, một người con của xã Thạch Đài (Thạch Hà), trong một trận truy kích lính Pôn Pốt vào năm 1978, trở về hậu cứ với thương tật 96%, mất tay trái và mù hai mắt. Sau một thời gian dài vật lộn với thần chết, hai người con xứ Nghệ ấy đã gặp nhau và nên duyên tại Trung tâm ĐDTBN Nghệ An…

Vượt qua bao rào cản, bao âu lo của mọi người, qua những thăng trầm cuộc sống, vượt qua cả màn đêm luôn bao trùm lấy những năm dài gian khó… họ đã hạnh phúc bên nhau với ba người con hiền hậu, những đứa cháu ngoan ngoãn. Qua cơn bĩ cực mới trân trọng những ngày thái lai. Làm sao anh Tình quên được những tiếng khóc của người thân, sự khuyên răn của cán bộ Trung tâm khi hai người báo cáo gia đình, tổ chức xin cưới. Sao quên được những ngày khua gậy đi bộ về tận Diễn Châu để thuyết phục gia đình vợ.

Rồi sinh con đẻ cái, rồi chăm bẵm vuốt ve. Cho con ăn, tay chị Hải vừa giữ người, vừa mày mò tìm miệng con. Chỉ trên khuôn mặt trẻ thơ ấy thôi mà thế giới của người mù sao bao la đến vậy. Khi khỏe mạnh, nụ cười của ông là ánh sáng để bà chuẩn bị mỗi bữa cơm gia đình. Khi trái gió trở trời, tay bà là đôi mắt cho ông, dìu dắt nhau qua những cơn đau vết thương thời hậu chiến. Nói như ông Đào Xuân Tình “hạnh phúc này thiêng liêng và viên mãn đến không ngờ. Sống với nhau chừng ấy năm, có đến ba mặt con mà vợ không biết mặt chồng, chồng vẫn luôn tự họa gương mặt vợ, ba đứa con chúng tôi cũng không thể hình dung ra chúng như thế nào. Ấy vậy mà cứ như trong mơ chị ạ…”.

NGÔI NHÀ CHUNG VÀ CHUYỆN CỦA NHỮNG “LIỆT SỸ SỐNG”

72 cựu chiến binh ở đây có đến 30 người con Hà Tĩnh, họ đều mang trong mình những thương tật nặng nề suốt mấy chục năm qua. Người có gia đình ở xa nhưng vết thương quá nặng không thể chăm sóc được tại nhà, người không còn họ hàng thân thích, và còn rất nhiều người không lập gia đình, suốt một đời gắn bó với Trung tâm. Ông Ngô Xuân Kiên - một thương binh quê ở TP Vinh – Nghệ An nói với chúng tôi: Họ xem đồng đội là anh em, con đồng đội là con mình. Những vui buồn, trăn trở, những âu lo, nhọc nhằn của cuộc sống, những thương binh này đều gồng gánh chia sẻ cùng nhau.

Họ vẫn luôn cười dù thương tật đầy mình.
Họ vẫn luôn cười dù thương tật đầy mình.

Người ta gọi họ, những cựu binh tại Trung tâm ĐDTBN Nghệ An là những “liệt sỹ sống” bởi tất cả đều mất sức lao động. Nhẹ nhất thì tỷ lệ thương tật cũng đã 81%, còn trên 95% là phần nhiều. Trong đó có đến 5 bệnh binh bệnh đặc biệt nặng, 6 thương binh có tỷ lệ đến 100%. Họ là những thương binh thuộc ba thế hệ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế. Ngoài vết thương chiến tranh, họ còn mang trong mình nỗi đau da cam dioxin với những chứng bệnh nan y và di chứng nặng nề cho thế hệ con cháu. Ông Phạm Ngọc Lân – Chủ tịch Hội CCB Trung tâm ĐDTBN Nghệ An chia sẻ: “Hơn ai hết, mỗi cán bộ Trung tâm bằng sự tri ân sâu sắc, luôn tận tâm chăm sóc, mong các bác vơi dần mọi nỗi đau khi đất nước đã hòa bình. Các bác leo lét như ngọn đèn trước gió, mỗi việc làm của chúng tôi đều không thấm thía gì so với sự hy sinh của các bác cho hôm nay…”.

Những thương binh Hà Tĩnh đã sống tại đây, họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau. Người vùng biển ngang Lộc Hà, có người mãi tận vùng thượng Kỳ Anh, Hương Khê. Người đến từ đồng muối Trúc Lĩnh - Cẩm Lĩnh xưa nhưng giờ có lúc nghễnh ngãng lại nhận mình quê tận Đức Thọ… Mười tám đôi mươi, họ cất bước ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Khi đất nước thanh bình, mang trong mình di chứng nặng nề, dẫu có quê mà chẳng thể trở về, tận trong sâu thẳm tâm hồn, những thương binh này đều canh cánh không ít ưu tư.

Thương binh Nguyễn Văn Cung, quê thị xã Hồng Lĩnh vừa trở lại Trung tâm sau một thời gian dài điều trị tại Quân y viện 108. Với thương tật 100%, đồng đội vẫn hay gọi đùa ông là “liệt sỹ sống”. Rối loạn cơ vòng, liệt tay và hai chân, đặc biệt là vết thương thấu 1/3 bán cầu đại não… khiến ông có thể rơi vào tình trạng hôn mê sâu bất cứ lúc nào… Vết thương hõm sâu trên đỉnh đầu này chảy dịch thường xuyên. Vật bất ly thân của ông suốt mấy chục năm nay ngoài chiếc xe lăn là bông gòn và thuốc sát trùng… Bao nhiêu năm lập gia đình, ông vẫn luôn trăn trở bởi chưa một lần đỡ đần vợ trong vai trò một người chồng đúng nghĩa. Tất bật toan lo, đối nội, đối ngoại, rồi con cái học hành, khi công việc, khi chăm chồng… tất cả đều một mình vợ gánh vác.

Một bữa ăn tự nấu sau khi được cán bộ Trung tâm sơ chế, một phác đồ kiêng khem và tập luyện riêng cho người bị liệt cơ vòng, từ ăn uống, ngủ nghỉ cho đến luyện tập… dù thương tật đến 98% nhưng thương binh Đặng Đình Hồng đều di chuyển khá thuần thục trên chiếc xe lăn. Chọn cuộc đời độc thân, sống giữa vòng tay đồng đội, anh trút dần bao nỗi ưu tư bởi có sự đồng cảm ở mọi người. Thế nhưng, bên kia cầu Bến Thủy, anh vẫn biết rằng: cha già mẹ yếu đang đau đáu nỗi nhớ niềm thương trông ngóng đứa con xa. Mẹ vẫn nghẹn ngào mỗi khi nhắc đến tên anh. Chiến tranh lùi xa nhưng anh không thể trở về tận hiếu. Ốm đau, bệnh tật, vết thương có thể tái phát bất cứ lúc nào, anh không muốn mình là gánh nặng cho những người thân yêu nhất.

Mỗi thương binh, mỗi cuộc đời với rất nhiều câu chuyện. Sống tại đây, họ là những cá thể trong một đại gia đình. Mỗi ngày qua đi, người lành lặn thì mắt đã mù. Người thấy được hừng đông thì quãng đường đi lại chỉ ngắn ngủi với những bánh xe lăn. Thậm chí, có người là thương, bệnh binh từ thời chống Pháp, mấy năm qua khi sức khỏe yếu dần, đời sống hoàn toàn thực vật. Mọi chăm sóc phục vụ đều phụ thuộc vào cán bộ điều dưỡng và Trung tâm. Những bàn tay bất lực khi ẩy bánh xe, những đôi chân chết dần theo năm tháng, những cử chỉ run run ngại ngần khi điều chỉnh ống xông nhân tạo… và hơn hết, một thoáng chạnh lòng đến nghẹn ngào…

Chị Nguyễn Thị Hương Trà – điều dưỡng viên Trung tâm ĐDTBN Nghệ An kể với chúng tôi mà mắt ngân ngấn nước: Nghe một bài hát, xem một dòng tin hay một hình ảnh về quê hương Hà Tĩnh, dẫu bàn tay đã liệt, mắt đã mù, họ vẫn yêu đời lắc lư theo điệu nhạc. Từ trong sâu thẳm lòng mình, họ vẫn hướng về quê hương với một tình yêu tha thiết. Ông Nguyễn Thiếu Lâm – Giám đốc Trung tâm ĐDTBN Nghệ An cho biết: Có sống bên cạnh các bác, có thấy hết những vất vả, khó khăn do vết thương đặc biệt nặng gây ra như vậy mới thấy được nghị lực sống, nghị lực vượt qua chính mình của các bác thật lớn lao…

Tháng 7 tri ân, tháng 7 cả nước hướng về những con người không tiếc máu xương của mình cho giá trị của hòa bình và độc lập hôm nay. Chuyện về những cuộc đời của các “liệt sỹ sống” suốt năm dài mang trong mình trọng bệnh, gắn với mình trọng thương nhưng vẫn đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Có những con người với bao điều kỳ diệu, nhưng cũng không ít cuộc đời “lặng thầm như đất”. Một đời gắn bó với trung tâm, đến cuối đời, đất mẹ Nghi Lộc lại đón các anh về, ấp ủ chở che trong tiếng rì rào của lá, trong trời xanh và nắng vàng xứ Nghệ. Giây phút lắng lòng thấy trân trọng và tự hào lắm đất nước thân yêu. Lời Bác nói năm nào trong thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc 27/7/1947 bỗng sâu lắng tâm hồn với bao thế hệ mai sau: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe dọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta?

Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast