Tháng bảy, khi cả nước tổ chức nhiều hoạt động tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc thì vẫn có những người đau đáu mong chờ, đau đáu nhớ thương người thân đã hy sinh và đang nằm lại đâu đó trên chiến trường xưa...
Nhiều năm đã trôi qua nhưng người dân xã Thạch Đài (Thạch Hà) vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện tìm mộ cha của chị em chị Bùi Thị Lý. Năm 1967, gia đình chị nhận được tin báo cha đã hy sinh ở chiến trường Bình Trị Thiên, nhưng mộ cha nằm ở đâu vẫn là điều khiến cả gia đình chị đau đáu. Chứng kiến nỗi đau lặng lẽ của mẹ, chị Lý càng quyết tâm tìm kiếm. Chị Lý chia sẻ: “Những năm 80 của thế kỷ XX, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức đi tìm mộ cha, nhưng do điều kiện kinh tế lúc bấy giờ khó khăn nên những chuyến đi đó không trọn vẹn. Những năm tháng ấy, việc tìm mộ cha đã trở thành mục tiêu lớn nhất của tôi. Khi tôi đi xuất khẩu lao động, mục đích lớn nhất của tôi là kiếm đủ tiền để trở về nước trang trải cho việc tìm mộ cha”.
Ảnh: Anh Hoài
Năm 1995, khi trở về nước, chị Bùi Thị Lý đã bôn ba khắp nơi. Bất kỳ nơi đâu có thông tin về cha, chị đều tìm đến, thậm chí có những chuyến đi kéo dài hàng tháng trời nhưng chị không hề nhụt chí. Dần dà, những thông tin chị thu thập được bắt đầu có “điểm gặp” và cuối cùng, năm 2007, sau hơn 10 năm ròng rã, chị đã tìm được mộ cha ở xã Phú Thứ (Phú Vang - Thừa Thiên Huế).
“Ngày đứng trước mộ cha, tôi vẫn cứ ngỡ đó là một giấc mơ. Bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa về, bao nhiêu nước mắt của mẹ, của chị tôi như dồn hết vào đôi mắt tôi mà trào lên từng đợt. Sự kỳ diệu của cuộc sống là có thật. Bây giờ, chúng tôi vẫn để cha nằm cùng đồng đội ở Huế, mỗi năm, gia đình tôi đều vào thăm. Có lẽ, ở dưới suối vàng, cha tôi cũng sẽ mãn nguyện vì điều đó”.
Ảnh: Anh Hoài
Tháng bảy, chuyện về những cuộc tìm kiếm người thân như cứ dài thêm mãi khi vẫn còn rất nhiều người lính đã ra đi và mãi mãi nằm lại đâu đó trong lòng đất mẹ. Trong chuyến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Diệu (98 tuổi, ở thôn Đông Châu, xã Thạch Ngọc, Thạch Hà), chúng tôi lại được nghe câu chuyện xúc động về hành trình tìm mộ liệt sỹ của gia đình mẹ. Mẹ Diệu có 2 người con trai là Phan Danh Lai (SN 1952) và Phan Danh Ngọ (SN 1954) cùng nhập ngũ năm 1973 và cùng hy sinh năm 1974 ở chiến trường miền Nam. Hòa bình lập lại, gia đình đã nhiều lần tổ chức đi tìm mộ 2 anh, nhưng đồng đội người mất người còn, người quên người nhớ nên việc tìm kiếm khá vất vả.
Ảnh: Anh Hoài
Chị Võ Thị Thân - con dâu mẹ Diệu cho biết: “Mặc dù vất vả nuôi con, chăm cháu nhưng mẹ tôi luôn canh cánh bên lòng việc tìm mộ của 2 anh. Mẹ ít nói nhưng chứng kiến những lúc mẹ trầm tư nhìn tấm bằng Tổ quốc ghi công của 2 anh rồi lại lần giở những tấm giấy báo tử mà lòng chúng tôi đau xót vô cùng. Chúng tôi bàn nhau, phải tìm bằng được mộ của 2 anh dù có phải đi cùng trời cuối đất”.
Sau nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng, qua nhiều manh mối, gia đình mẹ Diệu cũng đã tìm được nơi an nghỉ của anh Phan Danh Ngọ. Đó là Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Tiếc rằng, do sơ suất của các đồng đội, mộ anh Ngọ và một số liệt sỹ khác không xác định được vị trí chính xác và tất cả mộ chí đều không có tên. Nhiều năm trôi qua nhưng chị Thân còn nhớ như in cảm giác khi đến Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Hải Lăng. Giữa những ngôi mộ xa lạ, chị vẫn mong có một linh cảm nào đó chỉ dẫn chị tìm được anh mình nhưng rồi chị lại nghĩ, những người nằm ở đây, tất thảy đều mong ngóng người thân. Bởi thế, chị coi tất cả đều là anh của mình, kính cẩn thắp hương, đặt hoa lên mộ và cầu mong cho linh hồn các anh siêu thoát.
Ảnh: Anh Hoài
“Ngày biết tin tìm được nơi an nghỉ của anh Ngọ nhưng không tìm được chính xác mộ anh, mẹ tôi như đau thêm lần nữa. Người đồng đội tham gia quy tập mộ anh hôm ấy cứ day dứt mãi. Tuy nhiên, mẹ hiểu và còn động viên tất cả chúng tôi: Tìm được là may rồi. Việc của anh Ngọ càng thôi thúc chúng tôi đi tìm mộ anh Lai” - chị Thân chia sẻ thêm.
Thật may mắn là sau nhiều lần tìm kiếm, đến lúc tưởng chừng như vô vọng thì năm 2012, một đồng đội của anh Lai báo về đã tìm kiếm được mộ anh ở Nghĩa trang Liệt sỹ xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Không thể kể hết niềm xúc động của mẹ Diệu và gia đình. Từ đó đến nay, năm nào gia đình cũng tổ chức vào Quảng Ngãi thăm mộ anh. Mẹ Diệu tâm sự: “Năm ấy, mẹ đã ngoài 90 tuổi rồi, không thể nào đi vào đó thắp hương cho con trai được. Anh Ngọ thì đã đành một lẽ, mong muốn cuối đời của mẹ là đưa được anh Lai về quê cho gần cha mẹ, anh em. Hiện nay, gia đình cũng đã xin phép và được chấp thuận để di dời mộ anh về quê để tiện hương khói, tuy nhiên, vừa qua, do tình hình dịch bệnh nên chưa thực hiện được”.
Đoàn viên thanh niên huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã dâng hơn 1.100 bó hoa tươi thắm lên các phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Nầm. Ảnh: Thiên Vỹ
Tiếp xúc với những nhân vật trong bài viết của mình, tôi lại nhớ dì cả của tôi, nhớ những năm dài đằng đẵng mong tin người anh hy sinh ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Anh tôi nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, không hề có một bức ảnh nào để lại. Dì tôi ở quê cứ mòn mỏi đợi chờ thông tin về nơi anh nằm lại nhưng những năm tháng ấy, thông tin liên lạc hạn chế nên những tin tức về đơn vị, về đồng đội của anh cứ phai dần. Sau này, các con của dì cũng tổ chức nhiều chuyến đi để tìm kiếm nhưng vẫn không có manh mối. Cả một đời dì tôi luôn day dứt vì chưa tìm thấy mộ anh nhưng rồi vào những năm tháng cuối đời dì bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn. Dì nói, anh nằm ở đâu cũng là nằm trong lòng đất mẹ. Chỉ mong, ở nơi đó, anh vẫn được người ta hương khói là dì mãn nguyện rồi. Giờ đây, dì tôi đã đi xa và chúng tôi vẫn luôn luôn nhớ, chúng tôi có một người anh đang yên nghỉ đâu đó trên núi rừng Trường Sơn. Mỗi lần, đến các nghĩa trang liệt sỹ, chúng tôi lại đến ngồi thật lâu trước những ngôi mộ chưa có tên, thắp nén hương thơm và khấn cầu cho anh linh các anh an nghỉ.
Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh dâng hoa, dâng hương và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị). Ảnh: Giang Nam
Trong lối về tri ân giữa tháng bảy rưng rưng niềm xúc động, trong lòng tôi cứ ngân lên câu hát của nhạc sỹ Thuận Yến: “Có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ đó không về”. Rất nhiều người lính Việt Nam đã ra đi giữa mùa xuân của đất trời, giữa mùa xuân của cuộc đời để rồi tên anh “khắc vào đá núi”, để những người mẹ, người vợ, người em suốt một đời ngóng đợi, nhớ thương.
ảnh: anh hoài - thiên vỹ - giang nam
thiết kế: huy tùng