Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ người có công, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Nghi Xuân đã vào cuộc quyết liệt với nhiều cách làm, giải pháp sáng tạo góp phần từng bước đưa chương trình về đích, giúp các hộ gia đình sớm ổn định cuộc sống.

Sau nhiều năm phải sống trong căn nhà dột nát, xập xệ, cuối tháng 4/2025, gia đình chị Tô Thị Chuyên trú tại thôn Cường Thịnh, xã Xuân Liên đã dọn vào căn nhà mới với niềm vui khôn xiết. Căn nhà được xây dựng mới có diện tích trên 65m2 từ nguồn hỗ trợ 70 triệu đồng của tỉnh. Với điều kiện gia đình khó khăn không thể có nguồn đối ứng nên ngoài số tiền hỗ trợ của tỉnh, chị Chuyên còn được UBND xã Xuân Liên hỗ trợ thêm 20 triệu đồng. Đặc biệt, Đồn Biên phòng Lạch Kèn đã huy động lực lượng hỗ trợ toàn bộ ngày công xây dựng, một số vật liệu và trao tặng các vật dụng sinh hoạt cho gia đình chị.
Không giấu được niềm phấn khởi, chị Tô Thị Chuyên chia sẻ: “Có được căn nhà mới là điều mơ ước bấy lâu nay của tôi nhưng không có điều kiện thực hiện vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Giờ đây, điều ước đó đã thành hiện thực, gia đình tôi không còn lo lắng khi mùa mưa bão về. Tôi cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành và tình cảm, sự đùm bọc của bà con để chúng tôi có căn nhà vững chãi như hiện nay”.

Cách đó không xa, ngôi nhà mới với diện tích gần 63m2 cũng vừa được cấp ủy, chính quyền xã Xuân Liên bàn giao cho gia đình chị Hoàng Thị Mai (thôn Trung Phượng). Một mình nuôi 2 con nhỏ, sức khỏe lại yếu nên nhiều năm qua, gia đình chị Mai phải sống trong ngôi nhà xập xệ, điều kiện hết sức thiếu thốn. Ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, UBND xã Xuân Liên còn hỗ trợ gia đình 20 triệu đồng, Cơ quan Huyện ủy – đơn vị đỡ đầu xã hỗ trợ 20 triệu đồng, bà con nhân dân trong thôn quyên góp, ủng hộ thêm 15 triệu đồng và ngày công để xây dựng nhà cho chị Mai.
Ông Ngô Văn Mạnh – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Liên cho biết: “Qua rà soát, trên địa bàn xã có 7 nhà thuộc diện được hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó, nhà 5 xây dựng mới và 2 nhà sữa chữa. Cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh, xã cũng đã kêu các nguồn xã hội hóa hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, bà con nhân dân hỗ trợ ngày công. Đến nay, toàn bộ 7 ngôi nhà đã được hoàn thành và bàn giao cho các gia đình dọn vào sinh sống”.

Tại xã Cương Gián, qua rà soát, trên địa bàn có 8 nhà thuộc diện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó 3 nhà xây dựng mới và 5 nhà sữa chữa. Với sự quyết liệt trong đôn đốc, chỉ đạo nên toàn bộ 8 ngôi nhà đã được cấp ủy, chính quyền xã bàn giao cho các hộ dân trước ngày 15/4.
Ông Trần Đức Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Cương Gián cho biết: “Để hoàn thành và bàn giao nhà sớm cho các hộ gia đình, ban chỉ đạo của xã đã phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức. Đặc biệt, mỗi nhà sẽ giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm đỡ đầu, đôn đốc, giám sát và báo cáo tiến độ. Xã đã huy động hiệu quả nguồn hỗ trợ từ con em đi làm ăn xa. Ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, trung bình mỗi nhà xây dựng mới được con em xa quê hỗ trợ thêm từ 70 – 100 triệu đồng, góp phần giúp các hộ xây dựng được ngôi nhà khang trang, kiên cố”.

Qua rà soát, huyện Nghi Xuân có 106 nhà, trong đó 63 nhà hộ nghèo, hộ cận nghèo và 43 nhà hộ có công thuộc diện được hỗ trợ nguồn lực từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát để sửa chữa và xây dựng. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành và bàn giao 63/63 nhà ở cho các hộ nghèo và 42/43 nhà ở cho người có công. Còn lại 1 nhà của người có công hiện nay đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong vài ngày tới.
Ông Đặng Trần Phong – Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân nhấn mạnh: "Xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước nên ngay khi có chỉ đạo của tỉnh, Nghi Xuân đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai, coi đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Huyện đã thành lập ban chỉ đạo từ huyện đến tận các xã, thị trấn; phân công trách nhiệm cho từng đồng chí trong ban thường vụ phụ trách, chỉ đạo, đôn đốc từng khu vực và báo cáo tiến độ hằng ngày, hằng tuần. Đặc biệt, ngoài việc huy động, kêu gọi sự hỗ trợ ngày công của các tầng lớp nhân dân thì Thường trực Huyện ủy còn giao cho các cơ quan, đơn vị, trường học đỡ đầu từng nhà bằng những việc làm cụ thể để đẩy nhanh tiến độ”.

Ngoài sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thì công tác huy động nguồn xã hội hóa cũng là một điểm sáng trong triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Nghi Xuân. Ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, Nghi Xuân còn huy động được trên 5,3 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và 1.694 ngày công từ các hội đoàn thể, các lực lượng chức năng, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân. Đây là sự hỗ trợ rất lớn để góp phần giúp Nghi Xuân đưa chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và người có công về đích trước ngày 19/5.
“Hiện nay, ngoài hộ nghèo, cận nghèo và người có công, chúng tôi đã rà soát và phân bổ gần 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sữa chữa nhà cho 43 hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Dự kiến việc xây dựng nhà cho các đối tượng này sẽ hoàn thành trước 30/6. Việc mở rộng hỗ trợ cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tính nhân văn sâu sắc và thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước ta” – Bí thư Huyện ủy Đặng Trần Phong khẳng định.