Đánh bạc trên mạng - Vấn nạn trong một bộ phận công chức, viên chức

Công nghệ thông tin là phương tiện hữu ích giúp con người làm việc, giải trí hiệu quả, trong đó đáng kể nhất là giới công chức, viên chức và người lao động bàn giấy. Tùy đặc thù của mỗi ngành, mỗi nghề mà thời lượng công chức sử dụng máy vi tính trong ngày nhiều hay ít. Tuy nhiên, không lên mạng để làm việc, đọc báo, tra cứu tài liệu , nhiều công chức, viên chức khi "online" là chơi game…

Từ đánh bạc online...

Đã qua rồi cái thời công chức, viên chức có máu đỏ đen phải lấy hết lý do này, lý do nọ để bớt xén giờ Nhà nước, ra ngoài cơ quan tụ tập nhau lại để đánh bài ăn tiền hay bi-a độ… Giờ đây, chỉ cần một nickname và những "cạ cứng" đồng hội, đồng thuyền là những “con bạc công chức” tha hồ bớt xén "8 giờ vàng ngọc" của Nhà nước để giải "cơn khát" của mình.

Tiền "tươi" trao tay sau mỗi ván bài trên mạng
Tiền "tươi" trao tay sau mỗi ván bài trên mạng

Từ ngày cơ quan trang bị cho mỗi người một máy vi tính kết nối Internet tốc độ cao, lãnh đạo của Nam và Vinh không còn thấy 2 cu cậu kẻ đi trước, người đi sau với lý do đi gặp khách hàng kéo dài vài tiếng đồng hồ nữa, mà rất vui mừng khi thấy cả 2 ngồi chăm chú làm việc, khuôn mặt đăm chiêu suy nghĩ, tay gõ phím, tay rê chuột thoăn thoắt; nhiều lúc cả phòng đã về hết, nhưng Nam và Vinh vẫn nán lại cơ quan để “làm nốt cái đề án thăm dò thị hiếu khách hàng”.

“Kiểu này chúng nó quyết đoạt danh hiệu chiến sỹ thi đua chả chơi!”, nhiều đồng nghiệp vẫn bàn tán với nhau như thế. Chuyện chỉ vỡ lở khi một trong hai người ra về cãi nhau vang cả hành lang, rằng: “Tính tổng, tao thắng mày 3 cơ, mỗi cơ 500. Chung tiền đi”, Nam thì nhất quyết “Tao chỉ thua mày 2 cơ, 1 chai đây. Cầm lấy”. Không ai chịu ai, đến khi đồng nghiệp đến giải hoà thì hai người mới nguôi. Cũng từ đây, cơ quan mới biết được Nam và Vinh thường xuyên đánh bi- a ăn tiền với nhau qua mạng. Mỗi người lập cho mình một tài khoản (miễn phí) trên Zingplay - một website về trò chơi điện tử trực tuyến nổi tiếng, rồi thống nhất vào cùng một phòng, chọn một bàn trên giao diện trò chơi, sau đó tha hồ căn bi, gom lỗ, “chế tài” một cơ thắng là 500 ngàn đồng. Mỗi lần lên mạng, vào phòng chơi, cả 2 cùng quy ước đánh bao nhiêu cơ, sau đó cuối buổi lấy tổng số lần thắng, trừ đi số lần thua để biết được ai thắng nhiều và người thua phải chung tiền như chế tài đã định.

Với những công chức nghiện đánh “phỏm” (tú lơ khơ) hay “búa lua xua” (tiến lên Miền Nam) thì cũng được các trang website về trò chơi điện tử đáp ứng. Chỉ cần một tài khoản nickname và một đồng nghiệp “chung chí hướng”, cả hai có thể chăm chú trên máy vi tính cả ngày mà không biết chán. Với những ai nghiện “phỏm”, cứ vào game tú lơ khơ trên Zingplay hoặc Vinagame tạo lập tài khoản (miễn phí), rồi cùng nhau chọn phòng, quy ước số tiền thắng, thua là tha hồ sát phạt. Không nhất thiết phải đủ người mới chơi được, mà nếu thiếu người thì có thể đánh “tay bo”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những công chức làm ít, chơi nhiều thường chọn hình thức đánh “tay bo”, vừa kín đáo lại dễ trao tiền. Có những trường hợp trong phòng chỉ có 2-3 người, ngồi đối mặt với nhau, số tiền thắng, thua ở mỗi ván bài đánh trên máy vi tính được trao trực tiếp qua bàn làm việc, khỏi mất công đánh số, ghi điểm mỗi lần thắng để tính tiền.

Đó là đối với những công chức bớt xén giờ Nhà nước để làm việc “cò con”. Gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện, phá dỡ nhiều ổ cá độ bóng đá trên mạng mà trong đó có không ít “dân độ” là công chức Nhà nước, với số tiền mỗi lần chung độ bằng cả 1 - 10 năm lương công chức quèn. Những công chức "khát bạc" chỉ cần mua một mạng, trong hệ thống mạng cá độ quốc tế như 888, với số tiền từ 50 -100 triệu đồng, hoặc hơn thế nữa, rồi chỉ cần ung dung ngồi ở cơ quan (hoặc ở nhà), mở máy vi tính lên mạng ra kèo. Nếu thắng độ thì trong tài khoản sẽ được chuyển về số tiền tương ứng, nếu thua thì sẽ bị trừ tiền chung độ trong tài khoản. Có nhiều công chức còn nhận độ của các con bạc khác, rồi chỉ việc nhấp chuột ăn “hoa hồng” 10% số tiền chung độ.

...Đến "trồng rau", "hái quả"

Bên cạnh những công chức có máu đỏ đen, cũng có nhiều công chức không bài bạc, bi- a ăn tiền, nhưng có thú vui giải trí trên mạng tốn rất nhiều “vàng” đó là tham gia các trò chơi trên mạng xã hội như Facebook. Trong mấy năm gần đây, mạng xã hội Facebook đã tạo nên cơn sốt trên toàn cầu. Ngoài những tiện ích trao đổi, giao lưu với nhau, mạng cũng tạo ra một trò chơi giải trí cộng đồng rất thú vị đó là Farm - một dạng game flash trên nền web của mạng xã hội Facebook, cho phép người chơi vào vai "nông dân" thực sự, được sở hữu một trang trại và có toàn quyền làm đất, gieo hạt, chăm sóc, bán sản phẩm ra thị trường thu về số tiền ảo để phục vụ cho mua gieo hạt mới..v..v…

Có thể nói rằng trò chơi này đã đánh vào tư tưởng và thị hiếu rất lớn của người chơi, nhất là giới công chức Nhà nước, đó là tính khu biệt và ham muốn sở hữu, cũng như quyền quyết định trong "nông trại" do mình làm chủ; đánh vào tính kiên nhẫn, lòng đam mê công việc (mà ở đây là công việc ảo) của công chức, viên chức cũng như sự kết nối giữa các thành viên trong Friends list - danh sách bạn bè, để rồi từ đó mỗi ngày chiếm mất thời lượng làm việc của công chức từ 2 - 3 giờ đồng hồ, có lúc hơn.

Đã tham gia trò chơi này, thì hàng ngày mỗi "nông dân" phải dành ít nhất 2 - 3 tiếng đồng hồ để chăm sóc "vườn tược", phòng khi có kẻ lợi dụng mình “đi vắng” (không lên mạng) để vào "hái trộm, đào trộm hoa quả" trong vườn. Nhất là khi "nông trại" đã đến ngày thu hoạch, phải túc trực cả ngày, có khi cả đêm để gặt hái, nếu không mất trắng như chơi, và phải làm lại, cũng đồng nghĩa với việc tiếp tục “ăn cắp giờ Nhà nước” phục vụ nhu cầu giải trí cá nhân.

“Thời gian là vàng bạc”, nhưng một khi đã trở thành những “nông dân” trên mạng, thì những công chức đều trở thành “tỷ phú thời gian”. Mặc dù không "một nắng hai sương", "chấn lấm tay bùn" như những nông dân đời thực, nhưng nhưng "nông dân" ngồi phòng lạnh cũng phải chịu khổ cực chăm lo cho "nông trại" của mình.

Tôi có chị bạn làm tại một Sở lớn của tỉnh, chồng con đang hoàng, nhưng từ khi "kiêm nhiệm" thêm chức vụ “nông dân” trên mạng, thì hầu hết thời gian ở nhà buổi tối, chị đều lên mạng để "trồng rau", "hái quả", mặc bố con tự chăm sóc nhau. Còn lên cơ quan, thời gian đầu buổi sáng, chị phải mở máy, vào “thăm vườn”, tiện tay ngồi tưới nước cho những "luống rau", "hàng cây" khoảng hơn 1h đồng hồ, đến đầu giờ chiều cũng vậy. Nếu lỡ may mạng cơ quan bị “out” thì điều trước tiên chị làm là xách xe đi tìm một quán nét, chăm chút khu vườn một lúc đã chị mới yên tâm về cơ quan ngồi làm việc.

Ngoài ra, có nhiều công chức, viên chức thường xuyên tham gia vào các diễn đàn trên mạng, giờ giấc hành chính chủ yếu dành cho việc tranh luận, trao đổi, giải quyết những vấn đề mà các thành viên nêu ra, có nhiều chủ đề “trời ơi đất hỡi” chẳng liên quan gì đến công việc, gia đình, nhưng được “tán” say sưa suốt giờ này qua giờ khác, hết giờ thì hẹn “ngày mai lên tiếp”. Cứ thế ngày này qua ngày khác, lên cơ quan là mở máy vi tính, tay gõ phím lách tách, đồng nghiệp nhìn vào cứ ngỡ đang ngồi làm việc.

Thay lời kết

Thực tế cho thấy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ở bất kỳ cơ quan nào, bộ phận công tác nào, công chức, viên chức cũng không có đủ thời gian để làm việc; rất nhiều cán bộ công chức phải làm việc ngoài giờ, làm việc thâu đêm suốt sáng, nhưng cũng có một bộ phận công chức, viên chức “làm ít chơi nhiều” chỉ vì ít việc hoặc ý thức kỷ luật lao động kém, nên nhiều khi lên cơ quan chỉ để ngồi nói chuyện, đọc báo… và như thế việc họ lên mạng giải trí là một điều tất yếu.

Tuy nhiên, không thể đánh đồng việc giải trí trong một khoảng thời gian nhất định cho phép với việc ngồi lỳ bên máy vi tính hàng giờ liền chỉ để đánh bài, chơi bi-a, “trồng rau nuôi lợn” hay tán chuyện linh tinh. Mà nguy hiểm nhất là biến tướng đánh bài ăn tiền, chơi bi-a độ và cá độ qua mạng của một bộ phận công chức, viên chức hiện nay. Điều này thực sự đang trở thành vấn nạn trong một số cơ quan Nhà nước, địa phương mà việc quản lý, điều hành lao động bị buông lỏng.

Luật công chức đã có hiệu lực thi hành. Chính phủ cũng đã có Nghị định về quản lý cán bộ, công chức. Đa số các tỉnh, thành trong cả nước đều có Chỉ thị về việc xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Cơ quan nào cũng có nội quy, quy định về kỷ luật lao động, kỷ luật nghiệp vụ… Vậy thì việc áp dụng, thực hiện cần phải triệt để, có tính răn đe, mang lại hiệu quả. Chỉ cần mỗi cơ quan, đơn vị áp dụng chế độ kiểm tra, giám sát chéo giữa cán bộ, công chức trong các phòng, ban với nhau; định kỳ tổ chức kiểm điểm chặt chẽ, bình xét xếp loại chính xác dựa trên kết quả công việc và ý thức kỷ luật lao động của mỗi cán bộ công chức; có chế độ khen thưởng cũng như chế tài xử phạt, kỷ luật thích đáng thì việc thiết lập kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính sẽ đi vào nền nếp. Có vậy, mới hết cảnh các công chức ngồi không làm việc!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast