Điểm tựa để nhà nông vượt lên sau lũ

Cơn lũ lịch sử đi qua, hàng ngàn người dân Hà Tĩnh lâm vào cảnh khốn khó, trong đó, bà con nông dân là những người phải chịu nhiều tổn thương nhất. Là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, với vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, trong thời điểm khó khăn này, hơn ai hết, Hội Nông dân tỉnh nhà đang phát huy cao độ vai trò của mình, làm điểm tựa cho mọi thành viên vươn lên ổn định cuộc sống.

Những ngày qua, cùng với sự chung tay chia sẻ của cả cộng đồng, Hội Nông dân Hà Tĩnh tập trung huy động mọi nguồn lực có thể, triển khai nhiều phương án và giải pháp kịp thời để đồng hành với quá trình khắc phục hậu quả lũ lụt của hội viên. Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh cho biết: “Tổn thất từ sự tàn phá của những trận lũ vừa qua đối với hội viên nông dân tỉnh nhà là không thể đo đếm được. Nhiệm vụ của Hội là bên cạnh tích cực ứng cứu, khắc phục những hậu quả trước mắt, chúng tôi cũng tranh thủ mọi mối quan hệ, triển khai mọi chương trình, biện pháp phù hợp và mang tính dài hơi để từng bước ổn định và phát triển cuộc sống bền vững cho hội viên”.

Hội Nông dân Hà Tĩnh cung ứng máy cày phục vụ sản xuất cho các hội viên nông dân
Hội Nông dân Hà Tĩnh cung ứng máy cày phục vụ sản xuất cho các hội viên nông dân

Trong những ngày trực tiếp ứng cứu và khắc phục hậu quả lũ lụt, Hội Nông dân Hà Tĩnh đã tiếp nhận và trực tiếp phân phát đến các gia đình hội viên bị thiệt hại nặng với số tiền và hàng trị giá gần 1 tỷ đồng. Phát động, chỉ đạo hệ thống hội cơ sở tổ chức các hoạt động tại chỗ giúp hội viên khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Hội cũng trực tiếp tổ chức cho hàng trăm cán bộ, hội viên từ Tỉnh hội đến hội cơ sở về tổ chức lao động sửa chữa nhà ở, làm vệ sinh môi trường ở các xã bị ngập lụt nặng như Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên).

Điểm nhấn quan trọng trong chuỗi hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả lũ lụt của hội ND, đó là việc phát động phong trào “Hội viên giúp hội viên vượt lũ”. Với phong trào này, trong những ngày đỉnh cao của lũ lụt, trong khi các lực lượng ứng cứu chưa thể có mặt kịp thời, hội viên nông dân đã phát huy cao độ tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn. Hàng trăm tấm gương hội viên nông dân quên mình để cứu người, cứu tài sản cho bà con đã để lại sự cảm phục và biết ơn sâu sắc trong nhân dân. Tiêu biểu là đồng chí Phó chủ tịch Hội ND xã Sơn Hàm (Hương Sơn), trong khi vật lộn với dòng nước dữ cứu bà con, anh đã bị kiệt sức và không cứu nổi mình.

Khi công tác cứu trợ trực tiếp đã cơ bản tạm dừng, cuộc sống của nhân dân đang đi vào ổn định, Hội tiếp tục tranh thủ các mối quan hệ, các nguồn hỗ trợ để giúp hội viên bắt tay ngay vào quá trình khôi phục sản xuất. Nội dung đầu tiên mà Hội đang triển khai thực hiện, đó là việc khởi động chương trình “Một ngàn con lợn giống”. Thông qua sự tài trợ của các tổ chức như: Báo Nông thôn ngày nay, Hội Nông dân quận Hoàng Mai, Hội Nông dân huyện Quốc Oai (Hà Nội), tổ chức ADDA (Đan mạch)… đến thời điểm này, chương trình đã có 250 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được dùng để mua 500 con lợn giống phân phối cho 250 hộ hội viên khó khăn nhất ở huyện Hương Khê.

Hiện cán bộ phụ trách chương trình đang tiến hành khảo sát đơn vị cung ứng giống để đặt mua và chuyển đến tận gia đình hội viên những con giống đảm bảo sạch bệnh. Trong chương trình phối hợp triển khai khôi phục sản xuất vụ đông và chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân, Hội tiếp tục chỉ đạo duy trì và mở rộng Dự án “IPM trên cây rau” khởi động từ năm 2007, với nội dung: biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau. Cùng với các loại rau thông thường, năm nay dự án đưa vào trồng thử nghiệm giống bắp cải mới với thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu nhiệt độ cao, có vị ngọt… Từ phạm vi triển khai riêng trên địa bàn huyện Hương Khê, cho kết quả khả quan bước đầu, vụ đông này Hội chỉ đạo mở rộng địa bàn thực hiện dự án đến các huyện Hương Khê, Kỳ Anh, Đức Thọ, Thành phố với diện tích hàng chục ha.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Môn (Thành phố Hà Tĩnh), một trong những địa phương được chọn triển khai dự án cho biết: “Là một xã thuần nông phụ cận thành phố, dự án “IPM trên cây rau” được thực hiện là một cơ hội để xã đẩy nhanh chuyển dịch cây trồng vật nuôi, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa bền vững”.

Về đảm bảo phương tiện cho hội viên sản xuất, Hội tiếp tục phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp cho nông dân vay vốn hỗ trợ lãi suất để mua máy móc, thiết bị. Đến nay, ngoài 1.000 chiếc máy nông cụ các loại đã đến với nông dân đợt đầu, Hội đã cung ứng 14 máy cày đa chức năng và tiếp tục cung ứng theo nhu cầu để hội viên làm đất vụ đông xuân sắp tới. Với những nỗ lực cao nhất, Hội Nông dân tỉnh nhà đang thể hiện được vai trò của mình, đồng hành cùng hội viên trong quá trình khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast