Đò ngang trái phép - ẩn họa mùa mưa bão

Hà Tĩnh có hệ thống sông, suối dày đặc và chia cắt nhiều điểm khu dân cư nên từ lâu hình thành nhiều bến đò ngang tự phát. Tình trạng mất an toàn giao thông luôn rình rập, đặc biệt nguy hiểm vào mùa mưa bão.

Ở nhiều địa phương, thực trạng đò ngang đang trở thành vấn đề bức xúc và tiềm ẩn nhiều tai nạn đáng báo động. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có 16 bến đò, 18 đò ngang đang hoạt động, nằm rải rác ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và Lộc Hà. Trong đó, có 2 bến đò ở huyện Vũ Quang được phép hoạt động, còn lại các bến, đò đều chưa được cấp phép, không đủ các phương tiện cứu sinh cần thiết… Tình trạng đò chở quá số người quy định, nhất là ở những bến đò thường xuyên chở học sinh đi học, người dân qua lại sông dẫn đến nguy cơ tại nạn nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn đò ngang xảy ra nguyên nhân vì không có hoặc thiếu các phương tiện cứu sinh, chở người quá quy định, phương tiện không đảm bảo điều kiện theo quy định. Và nếu những bến, đò có trang bị phương tiện cứu sinh thì đó cũng chỉ là đối phó với cơ quan chức năng. Bởi phương tiện cứu sinh được để ở những nơi không thuận tiện và không được sử dụng thường xuyên nhất là khi có sự cố xảy ra.

Nguy cơ xảy ra tai nạn đối với đò ngang vẫn còn hiện hữu, đe dọa tính mạng của người dân.

Nguy cơ xảy ra tai nạn đối với đò ngang vẫn còn hiện hữu, đe dọa tính mạng của người dân.

Chính vì thế, khi tai nạn đò ngang xảy ra thường có tỉ lệ thương vong rất cao. Bên cạnh đó, không thể không nói đến những nguyên nhân gây nên tại nạn lại do chính hành khách, cụ thể là không muốn chờ đợi nên thường chen lấn xuống đò khi đã đủ người được phép chở, các em học sinh thường đùa nghịch gây mất ổn định cho phương tiện. Tiếp đó là điều kiện cơ sở hạ tầng ở bến, phương tiện còn gặp nhiều khó khăn, công tác điều hành quản lý chưa được quan tâm đúng mức.

Trước thực trạng nói trên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm tìm ra những giải pháp để hạn chế tối đa tai nạn thương tâm do đò ngang gây ra. Tuy nhiên, đã nhiều năm, những bến đò trái phép vẫn tồn tại, dù đã nhiều lần bị “nhắc nhở”.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do công tác tuyên truyền, phối hợp quản lý đảm bảo trật tự giao thông bến đò chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Chủ phương tiên và người tham gia đi đò chưa nhận thức đầy đủ và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của chính quyền địa phương và các cấp, các ngành chưa thường xuyên và phối hợp đồng bộ.

Để đảm bảo tính mạng và tài sản của chủ đò và người dân đi đò, ngoài việc các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm thì vai trò quản lý của chính quyền sở tại rất quan trọng. Phần lớn các chủ bến và khách đi đò đều là người dân của địa phương. Vì vậy cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý của địa phương đối với loại hình giao thông này. Về phía người đi đò, cần chủ động trang bị những kiến thức để phòng bị cho bản thân, đề phòng khi xảy ra sự cố, không nên phó mặc hoàn toàn sinh mạng của mình cho chủ phương tiện.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast