Doanh nghiệp hưởng lợi, dân lao đao!

Trận lũ vừa qua đã để lại hậu quả khá nặng nề cho 34/183 hộ gia đình xóm 6 xã Xuân Hồng. Hàng trăm khối đất đá từ mỏ đất đang khai thác của Công ty TNHH Châu Tuấn bị mưa lũ cuốn trôi ngập tràn trong vườn nhà của các hộ dân. Sự việc kéo dài nhiều ngày nhưng không được giải quyết. Bức xúc đã lên đỉnh điểm, ngày 8/11, hàng chục người dân làm rào chắn ngăn cản các phương tiện vận chuyển đất đá ở khu mỏ vào ra khu vực xóm 6 làm tình hình an ninh trật tự trở nên rối ren…

“Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”

Nhiều hộ dân “kéo” chúng tôi đến “tham quan” vườn nhà sau khi vụ ngăn chặn xảy ra trước đó 1 ngày. Vườn nhà chị Nguyễn Thị Long rộng gần 1.000m2 đất, đá bồi lấp dày khoảng 40cm. “Đất đá từ trên núi đổ về lấp kín mương rãnh, nước không thoát được, hoa màu trụi sạch. Việc đi lại trong gia đình vì thế cũng trở nên khó khăn" chị Long bức xúc nói.

Vườn nhà chị Nguyễn Thị Long bị đất đá vùi ngập gần nửa mét
Vườn nhà chị Nguyễn Thị Long bị đất đá vùi ngập gần nửa mét

“Mặc dù đã thuê 2 máy ngoạm đất làm suốt cả ngày nhưng cũng mới chỉ đưa được một khối lượng đất đá tồn đọng trong vườn nhà ra ngoài. Chẳng cần họ đền bù gì, phần còn lại chỉ mong họ nạo vét sạch trả lại mặt bằng như ban đầu là được” - CCB Phạm Thanh Đồng cho biết.

Thiệt hại nặng nề nhất trong vụ này là hai gia đình chị Nguyễn Thị Nghĩa và bà Nguyễn Thị Tửu (thân nhân liệt sỹ). “Toàn bộ bức tường rào dài 36 đã bị đất đá trút xuống làm đổ sập. Thế nhưng sau khi vụ việc xảy ra hơn 20 ngày dù đã trình báo khắp nơi, chẳng thấy ai đoái hoài gì", chị Nguyễn Thị Hoạt - con dâu bà Tửu bức xúc kể lại.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân dọc theo con đường ngăn cách giữa các hộ với khu mỏ là một mương nước kéo dài. Nhưng mương nước này cũng bị đất đá vùi lấp nên nước ứ đọng khắp toàn xóm không thoát ra được, nhiều hộ suốt ngày bì bõm trong nước. Đặc biệt, việc khai thác đất đã tạo nên những ngọn núi cao, những hồ nước sâu, nhưng không hề có rào chắn hay biển cảnh báo. Khó có thể nói là an toàn cho những ai không may sảy chân rơi xuống, nhất là các cháu nhỏ. Đó là chưa kể những ngày nắng, bụi bay mù mịt làm không khí trở nên ngột ngạt.

Các hồ nước hình thành sau khi lấy đất
Các hồ nước hình thành sau khi lấy đất

Xóm 6 xã Xuân Hồng có 183 hộ dân sinh sống, trong đó có nhiều hộ mới “nhập cư” khoảng 30 năm nay. Trận lụt lịch sử năm 1978 đã để lại hậu quả kinh hoàng với nhiều người thiệt mạng. Nhiều hộ bỏ gia đình dọc theo tuyến QL1A rút về “trú ẩn” tại khu vực núi Hồng để “bảo toàn lực lượng” trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

“Dựa vào vách núi, tưởng rằng cuộc sống sẽ được che chở, thế nhưng lại lâm vào cảnh “tránh vỏ dưa, lại gặp vỏ dừa”. Mới trận mưa đầu tiên đã thế này, không biết những năm tới sẽ ra sao khi ruộng đồng bị bồi lấp - nhiều hộ dân trăn trở.

Dân khổ sở, cán bộ xóm… thờ ơ !

Bí thư Chi bộ xóm 6 Nguyễn Xuân Hoàn cho biết: “Đến nay, vụ việc xảy ra được hơn một tháng, nhưng chúng tôi bận túi bụi vì phải khắc phục hậu quả lũ lụt nên không có thời gian để thống kê mất mát, thiệt hại của bà con". Cụ thể là khắc phục như thế nào? Ông Hoàn lặng thinh!.

Đất đá làm đổ sập hàng rào nhà dân
Đất đá làm đổ sập hàng rào nhà dân

Khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp xúc được với ông chủ tịch xã. Sau 3 lần đến trụ sở không gặp, gọi điện đến lần thứ 5, ông mới nghe máy. “Khó gặp cũng đúng!.Tôi có một nguyên tắc là chỉ nghe những số máy có trong danh bạ” - Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng Trần Duy Đệ lý giải.

Theo ông Đề thì việc người dân bức xúc là có thật. "Ai lại nói như Xóm trưởng xóm 6 Nguyễn Xuân Mùi là bà con có thiệt hại thì đến doanh nghiệp mà hỏi. Khoảng cách giữa nói và thực hiện của cán bộ có khi “vênh” đến cả… sải tay”. Ông Đề giải thích lý do thống kê thiệt hại của người dân bị chậm là do chưa thống nhất được phương án đền bù.

Trong khi đó, bà Bạch Thị Hường - Giám đốc Công ty TNHH Châu Tuấn lại cho rằng: “Khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã kịp thời khơi thông mương nước, đồng thời cam kết với người dân là chịu hoàn toàn trách nhiệm do việc khai thác gây ra để đền bù thiệt hại. Nhưng họ chưa lập được danh sách cụ thể nên chúng tôi không biết…đường nào mà lần. Sau khi khai thác xong các hồ nước sẽ bị lấp lại hoàn trả mặt bằng. Hàng ngày công ty cắt cử người bảo vệ nên rất khó có tai nạn xảy ra. Trong quá trình khai thác sẽ không tránh khỏi những sai sót”.

Đáng ngạc nhiên là sau khi chúng tôi ra về khoảng 2 tiếng sau, người dân xóm 6 đã thông báo là 34 hộ đều đã nhận được đền bù do doanh nghiệp chi trả. Không biết có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên không?. Nếu không phải thì quả thật là một kỷ lục về công tác bồi thường thiệt hại. Bởi trước đó cả tháng danh sách xóm 6 vẫn chưa lập xong!.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast