Già hóa dân số - những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi (Kỳ 1): Bức tranh chung về già hóa dân số

(Baohatinh.vn) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số mà theo các nhà nhân khẩu học là với tốc độ nhanh nhất và sẽ tiến tới giai đoạn “dân số già” ngắn nhất so với các nước trên thế giới. Bởi vậy, Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm nay với chủ đề “Già hóa dân số - những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi” nhằm cảnh báo về một xã hội “già” sớm. Đối với Hà Tĩnh, Tháng hành động quốc gia về dân số còn có thêm chủ đề “Mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy xấu cho cộng đồng, xã hội”.

Vừa “trẻ”, vừa “già”

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, với số người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi), nhưng đồng thời chúng ta cũng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Bắt đầu từ năm 2009, số lượng và tỷ lệ dân số nước ta từ 60 tuổi trở lên tăng rất nhanh, chỉ trong 1 năm, từ 2009-2010, tăng từ 8,7% lên 9,4% (tăng 0,7%), gấp 10 lần so với giai đoạn trước đây và trong những năm tới, dự báo sẽ tăng nhanh hơn.

Theo quy ước của Liên hợp quốc, khi tỷ lệ dân số trên 60 tuổi chiếm từ 10% trở lên hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi (chiếm từ 7% trở lên) thì quốc gia đó đang ở giai đoạn “già hóa dân số”, hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già”.

Già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức, trong đó có công tác chăm sóc người cao tuổi.
Già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức, trong đó có công tác chăm sóc người cao tuổi.

Kết quả cuộc điều tra biến động dân số 1/4/2011 cho thấy, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số (người từ 65 tuổi trở lên của nước ta là 7%) với một tốc độ “phi mã”. Theo dự báo, khoảng 20 năm nữa, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, trong khi thời gian từ “già hóa” sang “già” ở các nước trên thế giới là từ 25-85 năm.

Tại Hà Tĩnh, theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009, dân số Hà Tĩnh đang chuyển dần theo xu hướng già hóa, thể hiện ở các chỉ số như: tuổi trung vị của dân số tăng từ 21 lên 29 tuổi; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 26,5%, trong khi số dân trên 65 tuổi là 116.529 người, chiếm 9,5% trong tổng dân số (theo nhân khẩu học thì ngưỡng già hóa dân số là hơn 7%/7,5% cả nước. Theo thống kê của ngành dân số, đến thời điểm này, trên 60 tuổi hiện có 183.690 người, dự kiến đến năm 2015 sẽ tăng thêm 48.500 người. Điều này đặt ra cho Nhà nước, xã hội, cộng đồng và gia đình những vấn đề, mục tiêu cần quan tâm trong việc thực hiện các chính sách, đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội.

Một trong những nguyên nhân khiến người già ở Hà Tĩnh tăng là do con cháu di cư tới các tỉnh, thành khác làm ăn ngày càng nhiều; nhiều vùng quê, phần lớn chỉ thấy trẻ con và người già. Theo ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, đợt tổng điều tra dân số và nhà ở mới nhất cho thấy, có những xã, thôn hầu như chỉ còn các cụ già và trẻ con ở nhà. Người Việt Nam có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, người cao tuổi (NCT) lẽ ra phải được chăm sóc nhưng khi con đi làm ăn xa phải tự chăm lo cho mình. Tuổi cao, sức yếu, nhiều người lại phải đảm nhiệm toàn bộ việc đồng áng, chăm sóc cháu, gánh nặng càng thêm chồng chất.

“Thọ” mà chưa “khỏe”

Số NCT tăng thể hiện thành quả của công tác DS-KHHGĐ, số trẻ em giảm đi cùng với những cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và phát triển KT-XH. Số NCT tăng là thành tựu của sự phát triển nhưng cũng đang đặt ra khó khăn, thách thức. Với xã hội già hóa, thành phần cơ cấu kinh tế, dịch vụ chăm sóc... sẽ phải thay đổi cho thích ứng. Tuy nhiên, Việt Nam là nước vừa thoát nghèo, lại chưa kịp chuẩn bị cho một xã hội già hóa là một thách thức rất lớn trong giai đoạn tới.

Hiện nay, tuổi thọ trung bình của cả nước tăng, bình quân 72,8 tuổi, tuy nhiên, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam chưa cao. Trung bình mỗi NCT phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT sắp tới còn là vấn đề rất lớn. Các nhà khoa học đã tính toán: nếu như chăm sóc y tế cho đứa trẻ cần 1 đồng thì chăm sóc cho NCT cần tới 8 đồng. Đối với NCT, sự chăm sóc đòi hỏi chi phí ngày càng cao hơn khi chuyển từ cơ cấu bệnh tật nhiễm trùng sang cơ cấu bệnh tật của các nước phát triển như các bệnh về chuyển hóa, bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, cao huyết áp, tai nạn, thương tích...).

Bức tranh chung về già hóa cho chúng ta thấy sự biến đổi dữ dội trong cơ cấu dân số hiện nay, đặc biệt khi mà tình trạng mất cân bằng giới tính ở Hà Tĩnh đang ngày càng cao (112,6 bé trai/100 bé gái) thì cơ cấu dân số sẽ càng biến đổi hơn nữa. Trước sự biến đổi ấy, chúng ta đã và đang làm gì để thích ứng?

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast