Giải bài toán xử lý rác thải cho khu kinh tế trọng điểm quốc gia

(Baohatinh.vn) - Vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là tại các khu công nghiệp luôn là bài toán nan giải với nhiều địa phương. Đến thời điểm này, việc xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp dần tìm được đáp án khi một doanh nghiệp ngoại tỉnh nhanh chân chiếm lĩnh "thị trường" Hà Tĩnh.

Giải bài toán xử lý rác thải cho khu kinh tế trọng điểm quốc gia ảnh 1

Công ty TNHH Môi trường Phú Hà tập trung đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Hoành Sơn vào hoạt động.

Nắm bắt cơ hội đầu tư về lĩnh vực chế biến, xử lý rác thải ở Hà Tĩnh, đầu năm 2015, Công ty TNHH Môi trường Phú Hà (trú sở tại huyện Phù Ninh, Phú Thọ) đã nhanh chóng triển khai xây dựng cùng lúc Nhà máy Chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn và Nhà máy Xử lý rác thải công nghiệp trên khuôn viên rộng 20 ha tại xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) với tổng mức đầu tư 625 tỷ đồng. Trong đó, Nhà máy Chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn có công suất 500 tấn/ngày đêm với tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng.

"Ngày 19/8 vừa qua, nhà máy đã hoàn thành 1 dây chuyền công suất 240 tấn/ngày đêm. Theo tính toán, dây chuyền thứ 2 công suất 260 tấn/ngày đêm sẽ hoàn thành vào cuối quý II/2016. Đối với dây chuyền thứ 2, chúng tôi sẽ “đi trước” thời gian ít nhất 3 tháng, nghĩa là quý I/2016 sẽ bắt đầu xử lý những mẻ rác đầu tiên” - Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Phú Hà kiêm Giám đốc Nhà máy Chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn - Hoàng Trí Thức khẳng định.

Nhà máy Xử lý rác thải công nghiệp có tổng mức đầu tư 195 tỷ đồng, được lắp đặt dây chuyền công nghệ hiện đại từ các nền công nghiệp tiên tiến thuộc khối G7 như: CHLB Đức, Italia. Dự kiến, đến hết năm 2015, các dây chuyền sẽ vận hành, đi vào hoạt động. Theo nhà đầu tư, nếu thuận lợi, sau hơn 20 năm, mới có thể thu hồi đủ vốn. Vì vậy, trong quá trình triển khai đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các sở, ban, ngành, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh. Chỉ trong thời gian ngắn (triển khai từ đầu năm 2015), tiến độ thi công được đẩy nhanh, dây chuyền 1 Nhà máy Chế biến rác thải sinh hoạt đã hoàn thành, Nhà máy Xử lý rác thải công nghiệp đang ở giai đoạn hoàn thiện.

Theo tính toán, Nhà máy Chế biến rác sinh hoạt Hoành Sơn đảm nhận chế biến hơn 45% lượng rác thải thành phân hữu cơ; 45% tái chế nhựa, tái chế kim loại và sản xuất gạch không nung; chỉ còn khoảng 5% lượng rác thải được chôn lấp. Trong quá trình chế biến, tỷ lệ lượng khí thải độc hại được hạn chế tối đa và nằm trong giới hạn cho phép của Bộ TN&MT. Đặc biệt, sự hiện diện của Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp góp phần xử lý lượng rác công nghiệp khổng lồ được sản sinh khi dự án FORMOSA nói riêng và khu công nghiệp Vũng Áng nói chung đi vào hoạt động. Đây là nhà máy duy nhất được triển khai xây dựng tại khu vực Bắc Trung bộ với công suất thiết kế 1.060 tấn/ngày đêm.

Các nhà máy được triển khai xây dựng tại Kỳ Anh sẽ góp phần quan trọng trong xử lý rác thải, vốn là bài toán nan giải đối với nhiều địa phương trong những năm qua. 2 nhà máy này còn tích cực tham gia giải quyết việc làm cho trên 200 lao động được chia đều cho mỗi cơ sở với mức thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường một đơn vị không thể làm tốt nếu không có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Thế nên, mong muốn của nhà đầu tư, ngoài việc sớm ban hành quy chế hoạt động, các ngành liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường để đơn vị hoạt động đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt là với “lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn Hà Tĩnh khoảng 800 tấn, 2 nhà máy đảm nhận (trong đó, có 1 nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải ở Cẩm Quan - Cẩm Xuyên) “thừa” khả năng xử lý, do đó, UBND tỉnh không nên phê duyệt thêm dự án đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Thức đề xuất thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast