Giải pháp nào cho lao động nữ nông thôn?

Thu nhập thấp, việc làm không ổn định, lao động nặng nhọc, rủi ro… đó là tất cả những gì mà chiếm phần lớn lao động nữ nông thôn đã và đang phải đối mặt. Điều đáng bàn nữa, mặc dù bài toán này luôn được đề cập nhưng cho đến thời điểm này vẫn đang là những ngổn ngang ...nỗi niềm.

Những mảng…xám!

Xe đạp “cõng” xe ba gác, cứ sáng sớm là các chị đã có mặt tại các điểm tập kết. Nói là điểm tập kết nhưng thực ra là các ngã ba, ngã tư trong thành phố, nơi mà mọi người đi đường đều có thể dễ dàng nhìn thấy, để một ai đó nếu cần giúp việc gì thì đến…gọi.

Trời mưa, lạnh nhưng những người phụ nữ này sáng sớm vẫn đạp xe 6,7 km từ nhà lên nhưng đợi cả ngày vẫn chưa có ai thuê làm việc
Trời mưa, lạnh nhưng những người phụ nữ này sáng sớm vẫn đạp xe 6,7 km từ nhà lên nhưng đợi cả ngày vẫn chưa có ai thuê làm việc

Sáng nay cũng vậy, chỉ khác là… trời se sắt, mưa dầm dề nên những hình ảnh cũ, rất cũ ấy lại càng trở nên “riết” chặt lấy tôi. Các chị khoác thêm áo mưa rúm ró ngồi bên các lề đường chờ đợi…

Tôi rê xe vào điểm ngã tư đường 35 cắt đường Trần Phú. Nhanh như chớp, độ 5,7 chị đã vây bủa lấy tôi: “có việc gì làm ạ dì?” Tôi lắc đầu, bước chân các chị như rụt lại. Một vài chị chép miệng: “Thấy dì vô, tưởng có việc, mừng hụt!”...

Biết tôi là nhà báo, hầu hết các chị đều quay về chổ cũ rúm ró ngồi bó gối, không muốn lộ diện. Còn một vài chị lại rơm rớm trải lòng: “Phụ nữ ở quê tôi khổ lắm dì ạ. Đất không có sản xuât, chỉ có một mùa làm muối giá cả lại bấp bênh. Gạo chợ nước sông, nghề nghiệp không có nên mở mắt là phải đi như thế này. Trời nắng ráo còn đỡ nhưng mưa gió ít người kêu lắm. Ngày hôm qua đã về không một ngày, hôm nay từ sáng tới giờ cũng chưa ai kêu”…

Không có việc đã buồn nhưng nhiều hôm có việc các chị lại còn buồn hơn. Chị Lê Thị Thanh ở xóm Liên Xuân (Hộ Độ, Lộc Hà) chua xót: “Cực đã đành mà phải đi như ri thôi dì ạ, hầu hết đều bị người ta đối xử tệ bạc, mà rủi ro cũng nhiều. Nhiều người kêu đổ đất đường, làm xong người ta chẳng những không trả tiền công mà còn đuổi với lý do là lấy đất không đúng chỗ. Có khi làm phụ hồ cũng bị người ta nợ. Đến dừ tui vẫn còn 2 triệu tiền công ở anh chủ thầu nhà trên Thạch Đài. Hôm 30 tết tui có đến đòi mà không trả, họ nói đơn giản là chưa có. Lại còn nhiều chuyện ê chề khác nữa. Có lần tui được thuê vào láng nền nhà, khi tui đang cúi san san thì một thằng nó lao vào ôm chặt lấy tui, mà nó ít tuổi hơn tui chứ, còn ăn nó bậy bạ. Lúc ấy may mà tui vơ lấy được cái bai… Mà như thế cũng còn là may, xót nhất là chuyện tai nạn lao động, có nhiều chị em dưới quê tui đã phải bỏ mạng vì bị điện giật, sập nhà”…

Tôi hỏi về chuyện bảo hộ lao động, bảo hiểm lao động, các chị nói: “Chị em ở đây chưa lúc nào nghĩ đến chuyện đó. Mỗi ngày đi làm chỉ mong có người thuê, nặng nhọc gì cũng được, miễn là có tiền công”…

Không có việc làm, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh đang là nỗi niềm của rất nhiều chị em. Đặc biệt, tại các vùng không có đất sản xuất, không tự cung tự cấp được lương thực thì nỗi niềm ấy lại càng trở nên trĩu nặng, nặng đến mức có thể khiến con người ta phát… khùng. Chị Phạm Thị Thu Hằng – Phó Chủ tịch Hội LHPN Kỳ Anh tâm sự: “Việc làm cho lao động nữ nông thôn, nhất là vùng tái định cư đang là vấn đề “nóng”. Cán bộ Hội các cấp cũng đã rất nỗ lực, cố gắng; đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể bằng mọi hình thức, tuy nhiên cũng chỉ mới giải quyết được thiểu số. Riêng 5/6 xã di dời tái định cư ở Kỳ Anh có đến 80% lao động nữ chưa có việc làm. Lao động nữ đang rất bức bách. Nói tưởng đùa nhưng cán bộ Hội về cơ sở bị chị em xô ngã, đòi bẻ răng là chuyện bình thường. Có hôm tôi đã bị hội viên níu cắn đứt cả tay… Gia đình các chị bị thu hồi đất, lên vùng đất mới, không có đất sản xuất, lại chưa tìm được nghề gì cho thu nhập. Bọn chị trăn trở nhiều nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được giải pháp”…

Giải pháp nào cho lao động nữ vùng nông thôn?

Lao động nữ nông thôn chiếm tỷ lệ rất lớn. Giải quyết việc làm cho lao động nữ nói chung và lao động nữ nông thôn nói riêng là việc làm cấp thiết, không chỉ để đảm bảo các mục tiêu kinh tế xã hội trước mắt mà còn đảm bảo các điều kiện để phát triển bền vững. Nếu việc làm không ổn định, lao động nữ, nhất là những người đã có gia đình phải đi làm ăn xa cũng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, hiện toàn tỉnh có đến có 24.635 phụ nữ/ 65.836 tổng số lao động (chiếm 37,42%) đi làm ăn xa. Một con số đáng báo động. Và đằng sau con số này còn nhiều vấn đề phải bàn. .

Sản phẩm mây tre đan từ Tổ hợp mây tre đanXK của phụ nữ Thạch Văn luôn được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Quang Sáng
Sản phẩm mây tre đan từ Tổ hợp mây tre đanXK của phụ nữ Thạch Văn luôn được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Quang Sáng

Điều đáng lo ngại hiện nay, việc quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nữ của các địa phương vẫn còn rất lúng túng, chưa chủ động và chưa quan tâm đúng mức. Một thực tế khác, lao động nữ nông thôn hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn chị em có trình độ văn hóa thấp, kỹ năng nghề nghiệp không có, thiếu các thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cũng như CSSK và nuôi dạy con cái… Bên cạnh đó, do tình trạng lao động nặng nhọc kéo dài, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt nên sức khỏe của nhiều chị em bị suy kiệt, bệnh tật gia tăng …

Giải quyết việc làm cho lao động nữ còn là việc làm để thực hiện quyền bình đẳng giới. Vì vậy cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa phương cần phải vào cuộc thực sự; cần có các giải pháp tích cực vừa trước mắt vừa mang tính chiến lược. Đặc biệt, trước mắt cần tập trung cho các vùng “nóng” như vùng bị thu hồi đất, vùng không có đất sản xuất, dân số đông... Về lâu dài, trong chiến lược và quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, cần có những chính sách ưu tiên lao động tại chổ cho phụ nữ.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hà Tân cho biết: Việc làm cho lao động nữ nông thôn là một nội dung được Hội LHPN chọn làm khâu đột phá trong cả nhiệm kỳ và được tập trung tất cả các nguồn lực cho nội dung này theo hai hướng. Đối với phụ nữ nghèo, vận động, hỗ trợ chị em phát huy sức lao động vươn lên làm chủ. Còn đối với những hộ lao động giỏi, Hội tạo điều kiện tiếp cận các KHKT mới, về nguồn vốn để phát triển. Đây cũng là một cách làm tạo việc làm tại chổ cho các hội viên vì khi mở rộng qui mô đồng nghĩa với việc các mô hình này sẽ thu hút thêm lao động.

Thời gian qua, những cách làm này đã thu được kết quả rất tốt. Tuy nhiên, hiện các cấp Hội Phụ nữ đang gặp một thách thức lớn đó là về nội lực của chị em. Một bộ phận không nhỏ chị em sức vươn rất hạn chế.

Trong năm 2013, là năm được Hội LHPN tỉnh chọn làm năm đột phá của nhiệm kỳ đột phá, trong đó vấn đề tạo việc làm tại chổ, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, vị thế cho chị em là nội dung chính được tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tại cơ sở.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast