Giáo dục gia đình - Nền tảng quan trọng

(Baohatinh.vn) - Trong câu chuyện đầu năm, chúng tôi nghe không ít người lớn phàn nàn là những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, họ thường gặp những hành vi không phù hợp với chuẩn mực thông thường, nói cách khác là “lệch chuẩn”, nhất là ở giới trẻ...

Chẳng hạn như nhiều bạn trẻ chạy xe máy chở theo 2-3 người nhưng lại không đội mũ bảo hiểm, không những thế, họ còn nói tục, chửi thề, đánh nhau với bạn, vô lễ với thầy cô giáo và người lớn... Điều này gây phản ứng, kể cả trong nhiều gia đình và ngoài xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay là trách nhiệm giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ từ nhiều góc độ, vì đây không chỉ là vấn đề của gia đình, nhà trường mà đã trở thành vấn đề của xã hội.

Truyền thống tôn sư trọng đạo đang được tuổi trẻ hôm nay gìn giữ và phát huy (Ảnh chụp tại Trường THPT Lý Tự Trọng).
Truyền thống tôn sư trọng đạo đang được tuổi trẻ hôm nay gìn giữ và phát huy (Ảnh chụp tại Trường THPT Lý Tự Trọng).

Theo ông Bùi Văn Hải (Can Lộc), thường thì vẫn có khoảng cách, thậm chí là mâu thuẫn giữa các thế hệ, hay các độ tuổi khác nhau, trong nhận thức về giá trị chân - thiện - mỹ. Chúng ta không phủ nhận một điều rằng: sự phát triển về các hành vi đạo đức của các em bây giờ là bị ảnh hưởng một phần rất lớn của văn hóa thời kỳ hội nhập, của khoa học công nghệ. Sự “lệch chuẩn” còn được gọi là “sai lệch hành vi” là chuyện thường gặp. Tất nhiên có những sai lệch không thể chấp nhận được dù người lớn rất khoan dung. Điều đó liên quan đến những thứ ta thường gọi là “chuẩn mực” và “giá trị”.

Những bậc phụ huynh sinh ra và lớn lên trong khói lửa đạn bom, trong sự thiếu thốn đói nghèo của thời bao cấp đều cảm thấy thất vọng, lo lắng trước những biểu hiện này của giới trẻ, trong đó có con em họ. Có thể có những chuẩn mực và giá trị chuyển đổi theo thời gian, nhất là ở lớp trẻ. Nhưng có những chuẩn mực và giá trị có tính bền vững như sự tôn trọng người khác, sự tự kiềm chế, sự cảm thông trước những bất hạnh...

Nhà giáo Lê Đình Huyền (Thạch Hà) nêu vấn đề giáo dục về chuẩn mực, về giá trị, kỹ năng sống cho lớp trẻ. Chính vì các em không có kiến thức, kỹ năng cần có nên đã vi phạm những chuẩn mực của xã hội. Nếu không được định hướng đúng và không có kỹ năng để tự định hướng, giới trẻ hoặc là rơi vào trạng thái chênh vênh, hoang mang, hoặc là bị “nhiễu” trong nhận thức giá trị và cuối cùng là bị lệch lạc trong hành vi.

Cũng theo thầy Huyền, việc giáo dục đạo đức không phải chỉ cần có bộ giáo trình tốt, có đội ngũ giáo viên chủ nhiệm được đào tạo và trả lương cao. Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, để giáo dục các em tốt hơn thì cần sự gắn kết, đồng tâm hiệp lực, phát huy vai trò chủ đạo của nhà trường - gia đình - xã hội. Đó là cái tam giác tác động trực tiếp và có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức, làm thay đổi hành vi của các em. Ở đây, giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng. Việc cung cấp hiểu biết trong dạy đạo đức cũng cần, nhất là cung cấp những hiểu biết đúng đắn về các phẩm chất tốt đẹp thực sự và phương cách rèn luyện chúng (với niềm tin thực sự của người truyền dạy). Việc rèn luyện kỹ năng, không đơn giản chỉ là giảng lý thuyết rồi “huấn luyện” theo kiểu dùng các hình thức khen chê, thưởng phạt... là đạt, còn cần giáo dục bằng những biện pháp tinh tế, những mẫu mực nêu ra có sức thuyết phục. Nhưng cái khó thực sự trong giáo dục đạo đức, trong đó các vấn đề về hệ giá trị và các kỹ năng sống cần có, lại là tạo ra niềm tin vào những điều truyền dạy. Việc này cũng rất cần có môi trường xã hội thuận lợi. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, các niềm tin đạo đức xã hội hình thành trong quá trình “xã hội hóa” của con người. Môi trường gia đình, môi trường xã hội của trẻ có vai trò quan trọng trong sự hình thành đó.

Các cụ xưa vẫn khuyên: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Tính cách, tâm hồn các em phải được trau chuốt, gọt giũa bằng chính tình yêu thương của người lớn, bằng chính cách sống, cách cư xử của người lớn, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì người lớn chính là tấm gương để các em noi theo. Trước sự “lệch chuẩn” của một bộ phận giới trẻ, nên bình tĩnh nhìn thấu đáo để có các giải pháp thực sự hữu ích, có tính đồng bộ. Thiết nghĩ, đó là trách nhiệm của gia đình - nhà trường - xã hội. Giáo dục để giới trẻ không “lệch chuẩn” đòi hỏi trí tuệ và sức mạnh của tất cả mọi người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast