Giữ hồn quê trong mắt trẻ

(Baohatinh.vn) - Tháng hành động vì trẻ em năm nay, toàn quốc thực hiện theo khẩu hiệu “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”. Điều đó thật sự cần thiết trong một xã hội mà cám dỗ và nguy cơ xâm hại trẻ em ngày càng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo đảm an toàn cho trẻ, thiết nghĩ cũng cần chăm lo bồi đắp tâm hồn cho các em theo hướng giữ gìn những nét đẹp truyền thống.

Nói đến trẻ em là nói đến những trò chơi dân gian với những chất liệu gần gũi như: đũa tre để chơi trò đánh thẻ, lá cây và gai để chằm nồi cơm chơi trò mẹ con, nấu ăn, lấy lá làm tiền chơi trò đi chợ, chơi vỏ sò… Thông qua những trò chơi này, trẻ thiết lập quy ước đối với đồ vật. Từ đó, đồ vật trong mắt trẻ và người bạn cùng chơi mang giá trị biểu trưng. Đấy là gốc rễ của tâm hồn, của khả năng cảm nhận về ngoại giới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của xu hướng đô thị hóa, môi trường nông thôn đã có những thay đổi nhất định, vì thế, những trò chơi này ngày càng mai một. Ngày nay, trẻ em, nhất là ở thành phố, thị trấn, thường chơi các đồ chơi mua sẵn ở chợ hoặc trò chơi trên máy tính, điện thoại. Trong khi, các loại đồ chơi đa phần được sản xuất từ Trung Quốc.

Trò chơi chồng nụ, chồng hoa. Ảnh: tuoitre.com.vn
Trò chơi chồng nụ, chồng hoa. Ảnh: tuoitre.com.vn

Nói đến trẻ em là nói đến những bài đồng dao dễ nhớ, dễ thuộc như: Kéo cưa lừa xẻ, Rồng rắn lên mây, Trỉa hột trỉa hạt, Lộn cầu vồng… Phần lớn những bài đồng dao này gắn với các trò chơi tập thể, tuân thủ quy tắc của một nhóm trẻ. Tính diễn xướng đã làm cho các bài đồng dao, cùng với đó là trò chơi được truyền từ đời này sang đời khác. Không gian chơi thường là góc nhà, khoảnh sân, đường làng, đống rơm, ổ rạ… nơi trẻ em nông thôn thường tụ tập thành nhóm. Môi trường đô thị, sự thu hẹp về diện tích đất ở đã làm cho các không gian gắn với trò chơi dân gian bị thay đổi. Bởi vậy, nhiều trẻ em ngày nay không hề biết đến những bài đồng dao bổ ích này. Em Nguyễn Thị Yến Nhi (8 tuổi, ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cháu chưa khi nào chơi trò trỉa hột trỉa hạt và chưa nghe bài thơ như chú vừa đọc”.

Bên cạnh trò chơi và khúc hát, trẻ em nông thôn còn gắn với quà quê. Quà là thứ giản dị được mua về từ chợ phiên của mẹ, của bà như bánh đa, cái kẹo. Với trẻ nông thôn, quà là một thứ không thể thiếu trong quá trình hình thành tâm hồn, nhân cách. Bởi thế, hình ảnh đứa trẻ cầm thức quà chạy dọc đường quê đến chỗ đám bạn thường đọng lại lâu bền trong ký ức nhiều người lớn tuổi. Ngày nay, chất lượng cuộc sống được nâng cao, cùng với đó là nỗi lo an toàn thực phẩm nên trẻ em thường ít được nhận những thức quà mang vị quê. Trẻ vẫn thường được mua quà nhưng quà quê thì rất ít.

Tất cả những thứ nêu trên đều gắn với tâm hồn và ánh mắt “biết nói” của trẻ. Từ đây, tình yêu thiên nhiên, khả năng cảm nhận ngoại giới, tình cảm bạn bè, sự kính trọng người lớn đã được hình thành. Đấy cũng là gốc rễ của con người Việt Nam, lấy không gian nông thôn làm ký ức và điểm tựa, tạo thành tính cách vừa mềm dẻo, vừa kiên bền trong đời sống. Phát triển là xu thế tất yếu và đành phải chấp nhận sự thay đổi không gian, môi trường.

Vậy nhưng, nếu chúng ta không có cách để giữ lại hồn quê trong mắt trẻ, để tạo thành sự hòa quyện vừa thị vừa làng trong những đứa trẻ thời đại mới, thay vào đó, để trẻ cuốn theo tốc độ của thị trường (cụ thể là sản phẩm của các công ty sản xuất đồ chơi, phần mềm điện tử) thì e rằng, sự phát triển của trẻ có phần chưa lành mạnh.

Muốn làm được điều đó, thiết nghĩ, người lớn phải định hướng cho trẻ và giữ gìn những thói quen truyền thống. Trước hết cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thẩm định các đồ chơi đang bán tràn lan trên thị trường. Các gia đình cần quan tâm đến không gian vui chơi của trẻ, nhất là trẻ ở thành phố, trong đó có cả không gian cho trẻ trong mỗi gia đình. Người lớn hướng cho trẻ tìm về những trò chơi bổ ích, kích thích sáng tạo, tuyệt đối không có tính bạo lực. Nhà trường cần tăng cường đưa trò chơi dân gian và hướng dẫn học sinh cùng chơi, cùng hát. Bố mẹ ngoài việc định hướng trò chơi, lựa chọn đồ chơi cho trẻ, cần giữ thói quen mua những thức quà giàu giá trị tinh thần cho con. Việc bố mẹ chọn quà không chỉ là quan tâm con trước mắt mà sâu sắc hơn là giáo dục con về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast