Hài hòa các thế hệ trong gia đình

(Baohatinh.vn) - Từ xưa tới nay, phần lớn người Việt Nam quan niệm, gia đình nhiều thế hệ là hình mẫu lý tưởng vì nó là biểu trưng cho một gia đình nền nếp truyền thống và cũng thể hiện cái uy nghiêm của một gia đình “có trên, có dưới”. Gia đình nhiều thế hệ mang đến sự tự tin cả về thể chất và tinh thần cho từng thành viên trước mỗi thử thách. Bởi thế, người Việt từng có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”.

Ông Nguyễn Đức Sơn (Thạch Hà), người từ trước đến nay luôn sống trong gia đình nhiều thế hệ cho biết: Gia đình truyền thống sẽ dạy chúng ta về đạo đức xã hội ngay khi còn nhỏ, đặc biệt, nó mang lại bầu không khí an toàn và ấm áp cho trẻ em, chúng sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc chia sẻ, hòa hợp, liên kết và hiểu biết lẫn nhau. Trẻ em có môi trường để phát triển những đức tính xã hội cần như sự đồng cảm, sự cảm thông. Đó là tiền đề tốt để hình thành những hành vi tốt về đạo đức và nhân cách. Một gia đình nhiều thế hệ giúp mỗi người tự điều chỉnh để hỗ trợ các thành viên khác. Trong gia đình lớn, mọi niềm vui và nỗi buồn đều được sẻ chia và không ai cảm thấy bị bỏ quên, không khí ấm cúng luôn tràn ngập. Ông bà, cha mẹ thương yêu con cháu, họ như những cuốn từ điển sống để giáo dục, dạy dỗ con cháu nên người.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc sống chung trong một gia đình nhiều thế hệ không tránh khỏi nảy sinh những phức tạp, do sự khác biệt về tư tưởng, lối sống, tâm sinh lý. Hơn nữa, do số lượng các thành viên đông, tính cách khác nhau, sẽ không tránh khỏi va chạm, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy phải làm thế nào để dung hòa các thế hệ trong một gia đình?

Trả lời câu hỏi này, bà Bùi Thị Yến (Can Lộc) chia sẻ: Việc gìn giữ mối quan hệ huyết thống trong đại gia đình phải được coi trọng và nâng niu, với tư tưởng “trên kính, dưới nhường” và ai cũng phải tự điều chỉnh để phù hợp khi sống trong ngôi nhà chung. Nếu là người già thì phải cố gắng tiếp cận những thông tin mới, tìm hiểu cuộc sống của giới trẻ ngày nay, biết cảm thông... Người trẻ cũng phải quan tâm tới người già, không quá áp đặt những cái mới vào lối tư duy đã gắn kết bao năm với bố mẹ và ông bà. Người già được tôn trọng không những bởi kinh nghiệm sống mà còn là tôn tri trật tự, nền nếp gia phong. Những khi góp ý với các bậc sinh thành, con cái cần nhẹ nhàng, mềm mỏng. Bữa ăn, giấc ngủ của người già cũng nên được yên tĩnh. Cả nhà không ngừng chia sẻ, trao đổi và quan tâm tới nhau.

Trong một gia đình nhiều thế hệ, làm sao dung hòa được tất cả các vấn đề của mọi thành viên là cả một nghệ thuật. Trong môi trường ấy, không chỉ là sống cho cá nhân, cho bản thân mà còn sống cho ông bà, cha mẹ đẹp lòng, cho con cái học tập. Bởi vậy, mỗi thành viên phải là một tấm gương mẫu mực, luôn đoàn kết, nhường nhịn nhau. Những người làm con, làm cháu nên tìm hiểu tâm lý tuổi già để thông cảm, yêu thương, từ đó hóa giải mâu thuẫn, cùng sống vui vẻ và chăm sóc lẫn nhau. Sống hòa thuận, vui vẻ là liều thuốc bổ quý giá không gì có thể mua được. Giữ gìn, phát huy và kiến tạo một kiểu gia đình Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại, tốt đẹp, bền vững, trở thành thành lũy vững chắc trước mọi phong ba bão tố cuộc đời là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast