Hộ Độ khát!

Xã Hộ Độ (Lộc Hà - Hà Tĩnh) nằm giữa 3 bên nước mặn nên không hề có một tấc đất nông nghiệp. Không có tư liệu sản xuất, cuộc sống người dân luôn vất vả cực khổ; cả xã phải dắt díu nhau đi khắp nơi làm thuê kiếm sống. Không chỉ thế, ngàn đời nay người dân Hộ Độ luôn sống trong cảnh cực khổ vì không có nước ngọt. Về Hộ Độ giữa trưa hè nắng hạn, nhìn người dân Hộ Độ ai ai cũng như khô quắt, tiều tuỵ đến tội nghiệp.

Dân "cửu vạn" Hộ Độ ngồi bên hè phố chờ việc làm
Dân "cửu vạn" Hộ Độ ngồi bên hè phố chờ việc làm

“Khát” việc làm

Cách thành phố Hà Tĩnh chỉ một con sông nhưng cuộc sống của người dân Hộ Độ (Lộc Hà) khác biệt rất nhiều so với những người dân bên kia sông. Do nằm trên vùng nước mặn nên cả xã không hề có lấy một tấc đất nông nghiệp, quanh năm ăn đong gạo chợ. Tư liệu sản xuất của gần 8 nghìn con người ở đây chỉ võn vẹn có 90 ha đồng muối, 70 ha đầm lầy nuôi trồng thuỷ sản. Chấm hết!

Xuất phát từ điều kiện khó khăn ấy nên người dân Hộ Độ đã phải phiêu bạt khắp nơi, kiếm sống đủ nghề, kể từ khi lập xã. Đàn ông, con trai sức dài vai rộng thì vào Nam, ra Bắc, thậm chí sang cả nước Lào làm thuê; thanh niên nữ cũng dắt díu nhau vào làm công nhân ở miền Nam hoặc đi làm thuê ở Tây nguyên. Số phụ nữ có gia đình, không thể bỏ nhà đi xa nên cứ mở mắt ra, họ cùng chiếc xe đạp cà tàng kéo nhau lên thành phố với đủ thứ lỉnh kỉnh từ xe cút kít đến cuốc xẻng, rổ rá, nón tơi cùng cơm mo cơm nắm…

Có khách gọi việc là xúm lại, mừng như vớ được vàng!
Có khách gọi việc là xúm lại, mừng như vớ được vàng!

Họ ngồi túm tụm ở các góc phố, trên vĩa hè ven đường; ai ai cũng từ đầu tới chân rách rưới, tuềnh toàng, nom đến tội. Họ cứ ngồi như vô hồn vậy nhưng hễ có ai tới thuê làm việc gì đó là cả nhóm sướng rơn như chộp được vàng. Họ làm bất cứ việc gì được thuê, miễn là không phi pháp. Bữa có việc, cuối ngày có dăm bảy chục nghìn về mua gạo, mua rau, nuôi con ăn học; bữa không có việc, họ thất thểu về nhà với hai bàn tay không. Không ai có thể thống kê được chính xác số người đi làm thuê của xã Hộ Độ là bao nhiêu nhưng chắc chắn một điều là rất nhiều, có thể chiếm trên 90% lao động của xã. Không tính những người làm thuê loanh quanh ở thành phố Hà Tĩnh và những nơi lân cận trong tỉnh, số người đi làm thuê trong Nam ngoài Bắc và cả ở nước Lào, có lẽ phải lên đến trên hai ngàn người.

Đồng muối chỉ còn lại người già và trẻ em sản xuất
Đồng muối chỉ còn lại người già và trẻ em sản xuất

Trưa hè nắng như đổ lửa; cây cối bên đường cũng quắt queo vì nắng, ấy vậy mà ở những góc phố, vĩa hè thành phố, những người phụ nữ Hộ Độ vẫn thường xuyên bám trụ chờ việc làm. Chị Nguyễn Thị Nga, một phụ nữ đen quắt, gầy hốc, chừng 50 tuổi, có thâm niên làm thuê từ hơn 15 năm nay, nói: “Nhà tôi 4 đứa con, hai ông bà cộng với hai vợ chồng tôi, vị chi là 8 miệng ăn. 8 miệng ăn nhưng chỉ được hai sào ô nại làm muối, cả năm làm muối chỉ được 3 tháng hè, chú bảo không đi làm thuê thì lấy gì mà cho vào miệng. Ông nhà tôi đi làm thuê tận trong Đắc Lắc đã hơn 5 năm nay rồi, cứ đến tết mới về thăm nhà một lần, tiền bạc chẳng ăn thua gì. Thằng con đầu mới học hết lớp 9, phải bỏ học, theo cha vào làm thuê kiếm sống....”. Không hy vọng gì ở tương lai, chị Nga nhìn về phía xa xăm, buồn bã: “Ruộng đất không có, đồng muối được ít, giá lại bấp bênh; muốn nuôi con lợn, con bò cũng không có đồng chăn thả, không có rau, có cỏ cho chúng ăn..., có lẽ cả làng Hộ Độ cứ phải đi làm thuê triền kiếp thôi; các đời sau con cháu chúng tôi rồi cũng cứ phải nối nghiệp làm thuê thôi!.”.

Khát nước ngọt!

Không chỉ khổ vì phải lặn lội khắp nơi để làm thuê kiếm sống mà cuộc sống của người dân Hộ Độ còn một nỗi khổ cực hơn bất cứ nơi nào là không có nước ngọt để sinh hoạt. Chúng tôi về Hộ Độ giữa trưa hè nắng rát mặt; nhìn người dân ở đây, trên vạt áo ai nấy đều thấm đẫm mồ hôi mặn chát và nồng nặc nước mặn từ các ô nại bốc lên. Ông Phạm Thuận, một diêm dân ở thôn Tân Xuân, nói: “Có lẽ trên đất nước này, cuộc sống của người dân Hộ Độ chúng tôi khổ sở nhất. Trưa nắng thì phơi mình suốt ngày trên ô nại làm muối; tối về chia nhau từng giọt nước ngọt để rửa mặt; còn tắm giặt thì hoàn toàn bằng nước lợ. Nhà tôi khoan mấy cái giếng đều không dùng được. Gặp mùa nắng hạn kéo dài như năm nay, nhiều nơi cả làng chạy đôn chạy đáo đi tìm nước ngọt”. Phó Bí thư Đảng uỷ xã Hộ Độ Nguyễn Thành Vân cho biết: Hộ Độ từng được UNICEF về khoan giếng nước nhưng khoan sâu đến trên 120 mét mà vẫn không có nước ngọt, đành bỏ cuộc. Năm 2004, Hộ Độ được đầu tư Dự án nước sạch về xã nhưng chưa về được tận hộ dân mà nước dự án chỉ về được 7 bể dự trử cho các xóm dùng chung. Vì nằm ở cuối nguồn, nên mùa hè hầu như nước không về được. Gần 90% hộ dân Hộ Độ đang cực khổ về vấn đề nước ngọt...”.

Ông Phạm Khang, xóm trưởng xóm Tân Xuân cho biết: “Xóm tôi có 135 hộ, tất cả đều không có nước sạch. Khi có dự án nước sạch về làng, chúng tôi đứng ra tín chấp vay ngân hàng chính sách cho mỗi hộ

Ông Lê Văn Luyến: "Khi nhà có khách, làm thịt con gà hay mua két bia, hết tiền trăm cũng không tiếc nhưng khách múc ca nước ngọt rửa chân, tiếc đứt cả ruột!"

Ông Lê Văn Luyến: "Khi nhà có khách, làm thịt con gà hay mua két bia, hết tiền trăm cũng không tiếc nhưng khách múc ca nước ngọt rửa chân, tiếc đứt cả ruột!"

2 triệu đồng để đầu tư xây dựng hệ thống nước từ bể nước dự án về tận hộ. Thế nhưng, chỉ mùa mưa mới có nước về, mùa nắng thì lại treo mo, bể cạn trơ đáy. Nhiều người đang doạ sẽ không trả tiền cho ngân hàng bởi vì xóm đứng ra bảo lãnh vay để đầu tư hệ thống nước nhưng dân vẫn không có nước sử dụng”. Ông Lê Văn Luyên, một trong những hộ gia đình vay vốn để đầu tư bắt nước sạch nhưng không dùng được, nói: “Nhà tôi có bể chứa nước 5 m3 dùng để trử nước mưa ăn uống xưa nay nhưng từ khi bắt nước máy dự án, tôi phá bể đi cho rảnh vì nghĩ đã có nước máy, không cần dùng bể. Ai ngờ, nước chỉ đến được tận hộ khi mùa mưa đến còn mùa hè thì không có, thế là lại phải đi xin nước khắp nơi. Bể nước của dự án nằm ngay trước cổng nhưng hè này luôn trơ đáy, dân phải đi mua nước ở xã Mai Phụ, Thạch Mỹ, thậm chí phải mua nước ngọt từ Thành phố về...”.

Nước ngọt mùa hè đã trở thành thứ xa xỉ ở Hộ Độ. Nước ngọt chỉ được dành cho ăn uống, rửa mặt; còn lại tất tần tật phải dùng nước lợ từ giếng. Nhà ai có bể chứa lớn thì tắm nước lợ xong, dội lại một gáo nước ngọt, đã là sang lắm. Nhiều người dân Hộ Độ bảo rằng, khi nhà có khách, làm thịt con gà hay mua két bia, hết tiền trăm cũng không tiếc nhưng khách múc ca nước ngọt rửa chân, tiếc đứt cả ruột!

Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Phan Đình Hinh trăn trở: Năm 2004 xã được đầu tư dự án dẫn nước sạch từ Thành phố về nhưng hệ thống nước chỉ dừng lại ở các bể chứa tập trung chứ chưa về được tận hộ gia đình. Một số hộ có điều kiện đã tự lắp đặt ống nước từ bể chứa về nhà nhưng hầu như cũng không có nước vì ở cuối nguồn, nước yếu. Hiện tại, chỉ cần khoảng 3 tỷ đồng là xã có thể huy động thêm nội lực từ nhân dân để nâng cấp hệ thống và lắp đặt đường ống dẫn nước đến tận hộ, đủ cho 100% dân dùng. Thế nhưng, điều đó vẫn chỉ mãi là trăn trở của lãnh đạo xã và là niềm mơ ước đến cháy bỏng của gần 8 nghìn người dân Hộ Độ, bởi thu ngân sách trên địa bàn của xã mỗi năm chỉ được khoảng 500 triệu đồng nên đành bất lực!.

Rời Hộ Độ khi đèn đêm đã sáng, bắt gặp từng tốp phụ nữ lam lũ với xe đạp cà tàng và đủ thứ lỉnh kỉnh từ thành phố uể oải trở về trong mồ hôi đẫm áo, chúng tôi không khỏi day dứt và tự hỏi: Không biết đến bao giờ người dân Hộ Độ mới có được việc làm ổn định trên quê mình?! Và, không biết đến bao giờ nhà nước sẽ đầu tư thêm 3 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống nước sạch, giải cơn khát nước ngọt đã ngàn đời nay của gần 8 ngàn con người Hộ Độ?!

Hộ Độ, tháng 7-2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast