Hương Trạch - Sông “lấn” làng!

Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của hàng chục hộ dân sống bên bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hương Trạch (Hương Khê) khi mùa mưa bão đến. Mưa, nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về tạo thành những dòng xoáy cuốn phăng đất đá, nhà cửa, vườn tược của nhiều hộ dân nơi đây. Bao năm qua, sông cứ thế “lấn” làng, đặc biệt là vào mùa mưa lũ...

Sông “lấn” làng...

Bao đời nay, con sông Ngàn Sâu vốn hiền hòa, êm đềm, mang nguồn nước và phù sa về cho vùng đất hạ du Hương Trạch thêm tươi tốt. Vậy mà, thời gian gần đây, nó lại trở nên hung dữ lạ thường. Những dòng nước chảy xiết, ăn sâu vào làng kéo theo hàng trăm khối đất cát, cây cối, hoa màu của người dân trôi tuột xuống sông.

Mùa mưa lũ, xóm Ngọc Bội bị sạt lở nghiêm trọng.
Mùa mưa lũ, xóm Ngọc Bội bị sạt lở nghiêm trọng.

Trưởng thôn Ngọc Bội - Phan Văn Nhân tất tả dẫn chúng tôi ra bờ sông “mục sở thị” những điểm sạt lở nặng nhất sau bão số 10 và 11 vừa qua. Điều dễ nhận thấy, dọc bờ sông là những bờ đất bị “gặm” nham nhở, lồi lõm, sâu hoắm. Từng gốc cây bị bật tung, trơ gốc, nằm chơ vơ bên bờ vực. Dưới dòng sông ngổn ngang gạch ngói của một ngôi nhà vừa bị lũ phá nát. Con sông Ngàn Sâu đã lấn vào làng vài chục mét.

“Cứ vào mùa mưa bão, con sông này lại “cướp” đi của thôn Ngọc Bội hàng trăm m2 đất cùng cây cối. Trước đây, duy chỉ một nhánh sông nhưng giờ đã bị đổi dòng thành hình chữ Y. Bởi vậy, hàng chục hộ dân nơi đây luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, lo âu” - ông Nhân rầu rĩ.

Bà Nguyễn Thị Nhin (thôn Ngọc Bội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về những lần chạy lũ trong đêm. Cơn bão số 10 gây mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về cùng với thủy điện Hố Hô xả lũ, dòng sông trở nên hung dữ. Nước sông dâng cao, chảy xiết kèm theo là tiếng ầm ầm của đất lở, cây cối gãy răng rắc. Từ nhà đến chỗ đất lở chỉ còn khoảng 10m, bà phải chạy lên trú nhờ nhà hàng xóm. Sáng sớm, thôn mới huy động phương tiện, lực lượng giúp bà tháo dỡ ngôi nhà đến chỗ an toàn. Sau cơn lũ, diện tích đất vườn của bà lại bị thu hẹp. Hàng chục cây keo, dó trầm, cây ăn quả đã đến kỳ thu hoạch cũng bị dòng nước cuốn trôi. Cơn lũ vừa qua, bờ sông bị sạt lở, “ăn” sâu vào làng thêm 3m, cuốn trôi cái giếng còn sót lại của bà Nhin. “Năm nào có lũ là nhà tôi mất thêm vài chục m2 đất, cứ đà này thì đến lúc nhà cũng chẳng còn” - bà Nhin lo lắng.

Cả thôn Ngọc Bội có hơn 178 hộ dân nhưng có tới 40 hộ sống quanh mép sông Ngàn Sâu, nằm trong vùng nguy hiểm. Vào mùa mưa bão, các hộ dân ở đây có lúc nước ngập sâu từ 1,5-2m phải sơ tán...

Không còn đất di dời dân

Hương Trạch là xã có nhiều khe suối, độ dốc lớn, lại nằm đầu nguồn sông Ngàn Sâu và thuộc vùng hạ du của đập thủy điện Hố Hô. Bởi vậy, vào mùa mưa lũ, người dân Hương Trạch thường xuyên phải hứng chịu hậu quả những trận lũ quét, sạt lở đất... Ông Trần Xuân Lý - Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho biết: Khi lũ về, Hương Trạch là địa phương bị ngập đầu tiên. Nước ngập rất nhanh nhưng rút cũng nhanh dẫn đến sạt lở đất dọc theo bờ sông Ngàn Sâu. Như trận lụt năm 2010 làm sạt lở với chiều dài gần 2,5 km, lấn sâu vào đất liền chừng 10-15m. Do ảnh hưởng của những cơn bão năm 2012 và 2013, bờ sông tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân nơi đây. Hàng chục hộ dân thuộc các xóm Trung Lĩnh, Kim Sơn, Phủ Lý, Ngọc Bội, Tân Lĩnh... nằm bên bờ sông luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu khi mùa mưa bão đến.

Tình trạng sạt lở đất bên bờ sông Ngàn Sâu ở xã Hương Trạch sẽ tiếp tục xẩy ra khi mùa mưa lũ đến
Tình trạng sạt lở đất bên bờ sông Ngàn Sâu ở xã Hương Trạch sẽ tiếp tục xẩy ra khi mùa mưa lũ đến

Theo ông Lý, chính quyền địa phương cũng rất “đau đầu” trong việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho những hộ dân nơi đây. Năm 2010, lũ lụt làm bờ sông sạt lở nghiêm trọng, chỉ cách nhà của chị Nguyễn Thị Hường (xóm Ngọc Bội) khoảng vài mét. Để tránh sự cố đáng tiếc xẩy ra, xã quyết định cấp cho gia đình chị một miếng đất ở thôn Phú Lập chỉ vừa đủ cho ngôi nhà chính, còn nhà bếp, nhà vệ sinh phải để lại. Nhưng ngôi nhà phụ này đã bị “thủy thần” cuốn trôi sau cơn bão số 10 và 11 vừa qua.

Điều lo lắng nhất hiện nay, toàn xã không thể tìm ra quỹ đất để di dời nhà cho các hộ dân đang ở trong vùng nguy hiểm. Vì vậy, hễ nghe tin bão, mưa lũ thì chính quyền địa phương cùng với người dân các thôn lại chuẩn bị phương tiện, lực lượng tháo dỡ nhà hoặc lùi nhà vào trong một vài mét cho các hộ dân này.

Tình trạng sạt lở đất bên bờ sông Ngàn Sâu ở xã Hương Trạch sẽ tiếp tục xẩy ra khi mùa mưa lũ đến, luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân nghèo nơi đây. Hy vọng lớn nhất của họ là bờ sông được kè chắn cẩn thận, nhà cửa được an toàn, cây cối xanh tươi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast