Khắc ghi lời Bác

(Baohatinh.vn) - Nghỉ hưu đã 30 năm, nhưng căn nhà nhỏ của thầy giáo Trần Y Đức ở thôn Đan Trung, xã Thạch Long (Thạch Hà) vẫn luôn là địa chỉ quen thuộc để các học trò cũ tìm về.

Nhà giáo Trần Y Đức chia sẻ: “17 tuổi, xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu đúng vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi được biên chế vào C58, D428, E141, Sư đoàn Quyết Thắng. Sau 1 năm huấn luyện ở Phú Thọ, được lệnh về tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. 56 ngày đêm cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm”, “mưa dầm, cơm vắt” là những tháng ngày không thể nào quên. Những hồi ức ấy vẫn luôn theo tôi trong suốt cuộc đời, tiếp thêm sức mạnh mỗi lúc khó khăn, nhất là thời kỳ dạy học trong chiến tranh, làm hầm tránh bom cho học sinh hay xuống đường tuyên truyền chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ…”.

Thầy giáo Trần Y Đức và những phần thưởng cao quý trong quá trình cống hiến cho sự nghiệp trồng người

Thầy giáo Trần Y Đức và những phần thưởng cao quý trong quá trình cống hiến cho sự nghiệp trồng người

Sau khi về tiếp quản thủ đô, ông Đức được cử đi học Trường Sỹ quan Lục quân. Nhờ cần cù chịu khó cộng với tư chất thông minh nên vài năm sau, ông được chuyển sang Khoa Lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đến năm 1965, tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, thầy được giữ lại trường. Từ đó, thầy bắt đầu chặng đường dài gắn bó tâm huyết với sự nghiệp trồng người sau 10 năm quân ngũ.

Trong suy nghĩ của ông, có tình yêu, niềm say mê thì mỗi miền đất lạ sẽ hóa quen, nhưng vì đã trót nặng lòng với vùng quê nghèo lam lũ - nơi chôn rau cắt rốn, nên với ông, không có hạnh phúc nào bằng được cống hiến ngay trên chính mảnh đất quê mình. Bởi vậy, dù lúc ấy đang là Phó Chủ nhiệm Khoa Lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông vẫn quyết tâm xin về dạy học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ Tĩnh rồi dạy lớp 10+3 ở quê nhà.

Nhớ về thầy Trần Y Đức, mỗi một học trò đều ấn tượng bởi vốn tri thức sâu rộng cùng phong cách sư phạm mẫu mực. Vật lý là môn học tưởng chừng khô khan, nhưng với cách giảng cuốn hút, ví dụ sinh động, dí dỏm, thầy Đức đã thực sự truyền được cảm hứng và niềm say mê khoa học cho học trò. Mỗi ngày, dù bận rộn đến đâu, ông đều cố gắng dành thời gian nghiên cứu tài liệu để cập nhật kiến thức mới. Việc không ngừng tự học và nghiên cứu ngay cả khi tóc bạc, chân mỏi… đã trở thành những bài học quý giá mà ông mang đến cho học trò và con cháu mình.

Chính vì thế, 20 năm đứng trên bục giảng, không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã trưởng thành dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của ông. Nhiều người đã trở thành những cán bộ chủ chốt của ngành Giáo dục Hà Tĩnh và luôn tự hào là học trò của thầy giáo Trần Y Đức.

Thêm một điều đặc biệt ở thầy giáo Trần Y Đức, đó là sự kính trọng sâu sắc, tình cảm trọn vẹn mà ông dành cho Bác Hồ. Bàn thờ của Người được thầy đặt ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà. Với ông, việc lập bàn thờ Bác không chỉ là nét đẹp văn hóa, thể hiện sự biết ơn vô hạn, sự tôn kính với Người mà còn là cách để ông giáo dục các thành viên trong gia đình sống và làm theo gương Bác.

Khắc ghi lời Bác dạy, cựu chiến binh, cựu giáo chức Trần Y Đức thường xuyên đi đầu, nêu gương trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt, ông luôn đi đầu trong việc xây dựng nguồn quỹ để khen thưởng và tiếp sức cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; đồng thời, động viên, khuyến khích thế hệ “cây cao bóng cả” trên quê hương phát huy tốt vai trò, gương mẫu tuyên truyền mọi người thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast