Kỳ II: “Hành trình” lấn chiếm và sử dụng đất bất hợp pháp...

Sau khi được phép thành lập Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa, ông Phạm Công Ngụ đã không triển khai xây dựng trung tâm tại xã Thạch Hương (Thạch Hà) như đề án và quyết định thành lập ban đầu. Thay vào đó, trung tâm này lại tự ý về “đóng đô” ở thôn Vĩnh Cát, xã Thạch Vĩnh như hiện nay và bắt đầu hành trình lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp.

Nhiều dấu hiệu mờ ám ở Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa

> Bài 1: Đơn tố cáo Chủ tịch UBND xã không đúng sự thật

> Từ dạy nghề không phép... đến lấn chiếm đất trái phép!

Theo đơn thư bạn đọc, chúng tôi đã tiến hành xác minh quá trình lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp của Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa, cho thấy nguồn gốc thửa đất 11.827m2 hiện Trung tâm Hoa Sữa đang sử dụng hầu hết do lấn chiếm mà có. Điều này được thể hiện: ngày 6/1/1993, HTX Tây Vĩnh cho Công an tỉnh mượn 6 sào 5 thước ở xứ Đồng Chìu (xã Thạch Vĩnh) để làm lò gạch.

Trụ sở của Trung tâm dạy nghề Hoa Sữa với gần 12.000 m2đất (mặt tiền tỉnh lộ 3) ở xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà, Hà Tĩnh)
Trụ sở của Trung tâm dạy nghề Hoa Sữa với gần 12.000 m2đất (mặt tiền tỉnh lộ 3) ở xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà, Hà Tĩnh)

Cuối năm đó, Công an Hà Tĩnh chuyển lại tài sản sản xuất gạch cho ông Nguyễn Tiến Hòa – Giám đốc Xí nghiệp Gạch ngói Hà Tĩnh với số tiền gần 21,4 triệu đồng. Sau đó, vì ô nhiễm môi trường, xã không cho sản xuất nên tháng 4/2007, ông Hòa nhượng lại cho ông Phạm Công Ngụ – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa với giá 20 triệu đồng.

Tháng 5/2007, Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa tiếp tục được UBND xã Thạch Vĩnh cấp, bán trái thẩm quyền 500m2 với số tiền 130 triệu đồng để làm trụ sở tại khu đất lò gạch cũ. Qua quá trình tự cơi nới, lấn chiếm, đến nay, diện tích ông Ngụ đang sử dụng lên tới... 11.827m2!

Trước hết, có thể khẳng định rằng, việc mua bán, chuyển nhượng tài sản lò gạch từ Công an tỉnh sang ông Hòa rồi đến ông Ngụ chỉ là phát sinh giao dịch tài sản trên đất. Mọi hoạt động mua bán, chuyển nhượng số diện tích làm lò gạch này giữa các cá nhân, đơn vị trên nếu có cũng đều bất hợp pháp, trái với quy định Luật Đất đai hiện hành. Điều này có nghĩa là toàn bộ diện tích đất được HTX Tây Vĩnh cho Công an tỉnh mượn làm lò gạch, Công an tỉnh chuyển giao cho ông Hòa và đến năm 2007, chuyển giao cho ông Phạm Công Ngụ là đất thuộc quyền quản lý của UBND xã Thạch Vĩnh.

Mặt khác, trong giấy bàn giao đất giữa ông Ngụ và ông Hòa có ghi nhượng lại “toàn bộ tài sản và mặt bằng”, không có câu từ nào nói đến bán đất. Điều này cũng đã được ông Hòa cam đoan trong cuộc làm việc với UBND huyện Thạch Hà và Thanh tra tỉnh ngày 23/10/2012.

Đường sản xuất của nhân dân cũng bị bao chiếm trong khuôn viên
Đường sản xuất của nhân dân cũng bị bao chiếm trong khuôn viên

Liên quan đến diện tích 500m2 xã Thạch Vĩnh cấp bán trái thẩm quyền, ông Phạm Công Ngụ nhất mực cho rằng, cá nhân ông bỏ tiền ra mua để phục vụ cho hoạt động của Trung tâm và trong thông báo nộp tiền có ghi tên ông, vì vậy, cần phải được hợp thức hóa quyền sử dụng đất theo Quyết định 2005 của UBND tỉnh(?). Nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại và cho thấy, đòi hỏi của ông Ngụ là thiếu căn cứ.

Trong Biên bản giao đất ngày 5/5/2007 có ghi rõ: “Căn cứ Đơn xin cấp đất đặt trụ sở Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa ngày 11/4/2007, Hội đồng giao đất xã Thạch Vĩnh giao cho Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa một mảnh đất để làm trụ sở dạy nghề cho người khuyết tật, trẻ mồ côi”. Như vậy, diện tích này không thuộc đối tượng giải quyết của Quyết định 2005 vì nó được cấp trái thẩm quyền cho một tổ chức, không phải cấp cho cá nhân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Văn Hảo - Chủ tịch UBND xã Thạch Vĩnh nói rõ thêm: “Đây là đất xã cấp trái thẩm quyền cho một tổ chức mới lên đến 500m2. Việc trong giấy Thông báo nộp tiền ghi đích danh ông Nguyễn Công Ngụ – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa là vì Trung tâm này chưa có bộ máy, ông Ngụ thường xuyên mang danh mình ra giao dịch. Do vậy, chính quyền đã gửi thông báo nộp tiền theo tên ông”.

Trong nhiều cuộc làm việc và văn bản gửi các cơ quan chức năng, ông Ngụ luôn cho rằng, mình “trong sạch”, không hề lấn chiếm đất đai nhưng hành vi và sự việc thì ngược lại. Kể từ cuối năm 2007, trên cơ sở diện tích được xã bán trái thẩm quyền và mua lò gạch cũ của ông Hòa, ông Ngụ liên tục thuê người đổ đất, san lấp mặt bằng, cơi nới, bao chiếm và mở rộng diện tích ra phía sau. Chỉ trong một thời gian ngắn, số đất mà ông ngụ cơi nới, lấn chiếm (ngoài diện tích mua, bán trái thẩm quyền) đã lên tới trên 7.007m2.

Hành vi và ý thức lấn chiếm đất của ông Ngụ đã được hình thành và thực hiện ngay từ khi Trung tâm mới bắt đầu được thành lập. Bằng chứng là ngay sau khi được cấp đất và tiến hành xây dựng, ông Ngụ đã thực hiện lấn chiếm, buộc chính quyền địa phương phải có Thông báo số 14 ngày 6/8/2007 về vi phạm SXKD trên diện tích chưa cho phép.

Được biết, để ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất của Trung tâm này trong suốt thời gian qua, các cấp chính quyền đã ban hành nhiều văn bản nhắc nhở, đình chỉ khác... Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chính quyền đều không mang lại hiệu quả. Đất vẫn bao chiếm, nhà xưởng xây dựng trái phép tiếp tục mọc lên! Hiện có 431m2 đã xây dựng nhà xưởng; 6.561m2 ao hồ; 4.835m2 đã san lấp mặt bằng trồng cây và trưng bày hàng điêu khắc... Điều này cho thấy, chính quyền và các cơ quan chức năng đang thực sự bất lực trước những hành vi vi phạm pháp luật của Giám đốc Phạm Công Ngụ.

(Đón xem kỳ tiếp)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast