Kỹ năng sống - chiếc la bàn kỳ diệu

Trong xã hội hiện đại, con người muốn sống tích cực và hòa nhập với cộng đồng thì phải được trang bị kiến thức và giáo dục kỹ năng sống. Kỹ năng sống ví như chiếc la bàn giúp cho người đi rừng không bị lạc đường...

Trong nhịp sống khẩn trương của xã hội hiện nay, nếu mọi người đều được trang bị kỹ năng sống, thì không những chất lượng cuộc sống được nâng lên mà còn góp phần phát triển xã hội lành mạnh, bền vững. Ngược lại, nếu ai đó thiếu kỹ năng sống thì không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân, mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Việc giáo dục kỹ năng sống cho thế hệ trẻ ngày nay là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội; trong đó vai trò của gia đình hết sức quan trọng vì đây là cái nôi đầu tiên của mỗi con người. Trong gia đình, cha mẹ phải coi trọng việc giáo dục kỹ năng sống cho con cái. Kỹ năng sống không phải là những kiến thức xa vời, cứng nhắc, lạ lẫm. Trái lại, những bài học hiện hữu hàng ngày, hàng giờ trong cuộc đời của chúng ta; bao gồm nhận thức, hiểu biết, thái độ, cách vận dụng và cuối cùng phải thể hiện ở những hành vi tích cực, mang tính chất xây dựng.

Cha mẹ phải thường xuyên trang bị cho con những kỹ năng cần thiết, chẳng hạn như kỹ năng kiềm chế những cảm xúc tiêu cực, kỹ năng ứng xử - giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, đồng đội, biết cảm thông... Nhiều người cho rằng: phải giáo dục con tính tự lập ngay khi còn bé. Từ việc nắm bắt khả năng của trẻ, cha mẹ cần tạo ra tình huống, hoàn cảnh để trẻ tự làm (nấu ăn, giặt quần áo, quét dọn nhà cửa...) và có hình thức động viên, khuyến khích kịp thời. Khi được lao động, dù là những công việc nhỏ nhất, con bạn sẽ tìm thấy niềm vui, sự sáng tạo và biết quý trọng thành quả lao động. Bằng những việc làm cụ thể, kiên trì và tỉ mỉ, chúng ta giáo dục con cái biết yêu lao động, tự tin hòa nhập cộng đồng. Nếu con đang tuổi lớn nhanh, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, ham tìm tòi cái mới, cái lạ, chưa nhận thức được cái gì nên làm, cái gì nên tránh, tốt xấu đôi khi còn lẫn lộn, cha mẹ cần hướng dẫn con cái biết vượt qua khó khăn của tuổi dậy thì, đồng thời không nên cho con tiếp xúc với các truyện tranh, đồ chơi, phim ảnh, games bạo lực.

Thời gian gần đây, không ít bạn trẻ tìm đến cái chết như là một sự giải thoát khi gặp khó khăn, bế tắc. Đây là một vấn đề đáng lo ngại, đòi hỏi cha mẹ phải đặc biệt quan tâm giáo dục con kỹ năng vượt qua áp lực, giúp con đương đầu với những thách thức, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, bởi thực tế cuộc sống muôn hình, muôn vẻ và không phải bao giờ cũng thuận lợi. Ngay từ lúc đi học, trẻ đã phải chịu áp lực về học hành, thi cử; áp lực khi đối mặt với thiếu thốn (vật chất, tinh thần); áp lực dư luận xã hội... Bản lĩnh học tập, bản lĩnh thi cử chính là nền tảng quan trọng đầu tiên cha mẹ giáo dục con ngay từ lúc đi học. Cha mẹ giáo dục để con tự tin với kiến thức mà mình tích lũy được để bình tĩnh khi làm bài, dù đó là bài kiểm tra bình thường hay bài thi vào trường đại học. Từ đó, con cái bạn sẽ rèn luyện cho mình những bản lĩnh khác trong cuộc sống, đủ sức vượt qua mọi thách thức.

Học kỹ năng sống là học cách vào đời, chủ động và tự tin giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống một cách có hiệu quả nhất... Kỹ năng sống cần phải học thường xuyên và học suốt đời, nó sẽ trở thành những món quà thú vị gắn chặt với đời sống của mỗi người. Kỹ năng sống cũng có thể ví như “chiếc cầu” để giúp con người đi đến bến bờ hạnh phúc. Và muốn con cái vững vàng vượt qua “chiếc cầu” đó, thì chính cha mẹ là người dìu dắt, nâng đỡ ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast