Một lao động đi Đài Loan mất tích

Hơn ba tháng trôi qua, thông tin về anh Phạm Công Lý Hùng (xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh) đang lao động tại Đài Loan bặt vô âm tín. Bà Nguyễn Thị Lành, mẹ anh Hùng nghi rằng, con mình đã bị hại khi theo tàu cá ra biển, trong khi phía Công ty Cung ứng lao động Quốc tế và dịch vụ INMASCO (INMASCO) lại cho rằng lao động bỏ trốn. Cho đến nay, chưa có thông tin gì về anh Hùng.

Bà Lành tần ngần bên tấm ảnh con trai mình

Cuối tháng 12-2008, anh Phạm Công Lý Hùng (SN 1990) được Công ty INMASCO, có trụ sở tại số 623 Đê La Thành, Hà Nội ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan thời hạn 3 năm. Anh Hùng khoẻ mạnh và thạo nghề biển nên vừa sang Đài Loan, anh được bố trí làm việc trên tàu Thượng Cát. Sau hơn một năm đánh cá ngoài biển khơi, ngày 13-2-2010 tàu Thượng Cát vào cảng Cap Thao (Nam Phi), Hùng gọi điện về thăm bố mẹ, anh em trong gia đình. "Thấy con gọi về bảo khoẻ mạnh, công việc ổn định, gia đình chưa kịp mừng thì bỗng dưng mất con!", bà Lành kể.

Hơn một tháng sau, gia đình bà Lành nhận được tin dữ từ Công ty INMASCO báo về Hùng bị bệnh thần kinh. Nghi ngờ Công ty báo nhầm, bà Lành yêu cầu Công ty gửi hình ảnh của con về để gia đình xác nhận. Công ty gửi ảnh, thấy đúng là con mình, bà Lành hốt hoảng ra Hà Nội gặp nhân viên tên Hân xin số điện thoại người đang giữ Hùng ở Nam Phi mong được nói chuyện với con. "Mấy lần tôi gọi điện sang chỉ nghe được giọng nói của con nhưng nó không nhận ra mẹ nữa", bà Lành khóc. Bà Lành nhờ người biết tiếng Đài Loan gọi điện sang nói chuyện với hai người đang giữ Hùng, họ cho biết Hùng bị tâm thần, nói mê sảng suốt ngày, đòi bay sang Indonexia. Ngày 30-3, Cty INMASCO báo cho bà Lành ra sân bay Nội Bài đón con. Sau nhiều ngày ăn nằm ở sân bay, tin tức Hùng vẫn bặt vô âm tín. Một lần nữa, bà Lành nhờ người điện sang Nam Phi gặp hai người giữ Hùng trước đó, họ cho biết, Hùng đã lên máy bay về Hồng Kông và họ đã hết trách nhiệm. Từ Hồng Kông bay về Việt Nam thuộc trách nhiệm của Cty INMASCO.

Ngày 13-4, Cty INMASCO có thông báo gửi gia đình bà Lành cho biết, sau khi Hùng bay từ Nam Phi về Hồng Kông vào sáng 31-3, chặng tiếp theo từ Hồng Kông về Việt Nam thì Hùng bỏ chuyến. Kể từ đó đến nay, gia đình bà không nhận được thông tin nào từ phía Cty.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Vũ Đình Tuân, Trưởng phòng Đài Loan thuộc Công ty INMASCO cho biết, do thuyền viên Hùng không đủ sức khỏe để làm việc bị chủ tàu trả về. Trả lời phóng viên về trách nhiệm của Công ty khi thuyền viên Hùng bị bệnh tâm thần nhưng không được Công ty cử người sang đưa về, ông Tuân nói “Chỉ nghe phía đối tác bảo là không làm được việc nên họ trả về. Chúng tôi chưa xác định được bệnh tình của thuyền viên Hùng”. Bà Lành khóc: “Nếu Công ty INMASCO cử người sang đưa con tôi về thì đâu xảy ra cơ sự này. Tiền lương con tôi đi được 15 tháng nhưng Công ty chỉ trả cho 5 tháng, nợ nần chồng chất!”. Cục Quản Lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ - TB&XH), Sở LĐ - TB&XH Hà Tĩnh đã ra công văn gửi Công ty INMASCO yêu cầu báo cáo đầy đủ sự việc về thuyền viên Phạm Công Lý Hùng về Cục.

Được biết, trong thời gian gần đây, không ít trường hợp đi XKLĐ tại nước ngoài bị chết hoặc mất tích. Trước đó, có ba lao động tự do VN bị sát hại tại Angola, trong hai vụ án khác nhau nhưng đều bị giết rất dã man, chết một cách chưa rõ ràng. Trước đó là hai nạn nhân nữ là chị Nguyễn Thị Hải (35 tuổi, quê ở thị xã Hồng Lĩnh) và chị Nguyễn Thị Xuân (31 tuổi, quê ở Kỳ Khang - Kỳ Anh). Một tháng trước đây, anh Nguyễn Tiến Kỷ (Kỳ Tiến - Kỳ Anh), đang lao động tại một công trường xây dựng Angola đã bị chết. Chính quyền và người nhà được thông báo là anh Kỷ chết do đột tử. Được biết, anh Kỷ đi lao động “chui” bằng đường du lịch. Anh Kỷ được một người phụ nữ tại thị trấn Kỳ Anh đưa sang Angola làm thợ xây từ vài năm nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast