Năm Giáp Ngọ và chuyện mất cân bằng giới tính khi sinh

(Baohatinh.vn) - Với quan niệm cổ hủ sinh con gái vào năm Giáp Ngọ là xấu còn sinh con trai thì tốt, nhiều người không tiếc công sức để sinh cho bằng được con trai. Đây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa và mang tính quyết định dẫn tới tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” hiện nay…

Giờ học ngoài trời của cô trò Trường MN I (TP. Hà Tĩnh)

Giờ học ngoài trời của cô trò Trường MN I (TP. Hà Tĩnh)

Kết hôn chưa đầy tháng, những tưởng giai đoạn đầu của hôn nhân là giai đoạn hạnh phúc nhất nhưng đối với chị Linh (25 tuổi) ở thị trấn Cẩm Xuyên thì đây lại là những tháng ngày ám ảnh. Chị Linh kể: “Năm nay là năm Giáp Ngọ nên mọi người quan niệm sinh con gái là xấu, sau này cuộc sống vất vả. Bởi vậy nên mình đi đâu, ai cũng bảo phải sinh cho bằng được thằng cu. Mẹ chồng mình không biết tìm ở đâu cuốn sách “sinh con theo ý muốn” rồi bắt mình nghiên cứu. Đối với vợ chồng mình, con gái hay con trai đều là con nhưng thực sự, gia đình nhà chồng gây áp lực khiến cho mình hoang mang và lo lắng vô cùng”.

Cũng mang gánh nặng phải sinh cho bằng được con trai, chị Hạnh ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) đang mang thai tháng thứ 2 nhưng chồng nằng nặc bắt đi siêu âm để biết trước giới tính. Vợ chồng chị Hạnh đã có một bé gái 2 tuổi, chồng chị Hạnh làm nghề đi biển nên quan niệm phải sinh quý tử để “nối nghiệp” của bố. Chị Hạnh tâm sự: “Không phải chồng gây áp lực mà mình thực sự cũng không muốn sinh con gái vì năm sau là năm Giáp. Năm Giáp mà sinh con gái thì sau này ai rước cho hả chị?”.

Với quan niệm cổ hủ sinh con gái vào năm Giáp Ngọ là xấu còn sinh con trai thì tốt, nhiều người không tiếc công sức để sinh cho bằng được con trai. Đây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa và mang tính quyết định dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Ở Hà Tĩnh, theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh tại Hà Tĩnh đạt mức từ 135 (năm 2000) – 120 (năm 2007) bé trai/100 bé gái. Năm 2013, tỷ số này đang biến động ở mức từ 113 – 115 bé trai/100 bé gái (tỷ số chuẩn là 103 – 105 bé trai/100 bé gái).

Trước mắt, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy hậu quả của MCBGTKS nhưng hàng thập kỷ nữa những hậu quả ấy mới hiện hữu trong đời sống xã hội. Dựa vào những bằng chứng và kết quả nghiên cứu từ những nước có tỷ số giới tính khi sinh cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… chúng ta có thể dự báo được những hậu quả của MCBGTKS đang xảy ra hiện nay. Đó là tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn, dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong thị trường hôn nhân. Một bộ phận nam giới có thể sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người trong số họ không thể kết hôn. Bên cạnh đó việc gia tăng tuổi kết hôn của phụ nữ (độ tuổi này hiện nay là 22,8) đi liền với những thay đổi về kinh tế - xã hội và các luồng di cư lại càng làm trầm trọng hơn nữa tình trạng này.

Một số hậu quả khác do thừa nam thiếu nữ có thể thấy trước được là việc gia tăng quy mô các hoạt động mại dâm, và thậm chí là cả những hành vi không thể chấp nhận được như cưỡng dâm, bắt cóc và buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em gái… Thêm nữa, cơ cấu lao động trong xã hội cũng sẽ mất cân bằng, những ngành nghề cần lao động nữ sẽ bị thiếu hụt.

Ông Đường Công Lự - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: “MCBGTKS của Hà Tĩnh đang ở mức cao của cả nước và chúng tôi dự đoán tỷ lệ này trong năm 2014 sẽ còn cao hơn nữa. Bởi vậy, chúng tôi đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của phụ nữ và trẻ em gái, để giảm thiểu MCBGTKS”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast