Người đàn bà không dám… ngủ

Gánh nặng cuộc đời và nỗi lo cơm áo khiến khuôn mặt chị già hơn nhiều so với tuổi ngoại tứ tuần. Để có tiền nuôi 4 đứa con ăn học và người chồng ốm liệt giường 7 năm qua, chị đã không nề hà bất kỳ một công việc gì và làm cả việc mà ngay cánh “mày râu’ cũng ngán: chạy xe ôm ban đêm. "Người đàn bà không dám ngủ" đó là chị là Bạch Thị Hảo trú tại xóm 6 xã Hương Long- Hương Khê.

Cơn mưa chiều xối xả, chỉ một loáng con đường nhỏ trước quán cơm phở có tên gọi thật ấn tượng: Tình Thương của người chủ đã ngập tràn nước. "Chị Hảo ơi, chỏ em về thị trấn với". Giọng cô gái trẻ cất lên. Khoác vội chiếc áo mưa, Hảo lao nhanh ra đường nhưng vẫn ngoái đầu nói vội: "Anh chờ em một lát nhé!". Cuộc trò chuyện của chúng tôi vì thế bị gián đoạn

Chị Hảo vừa hoàn thành cuốc xe ôm dưới trời mưa xối xả
Chị Hảo vừa hoàn thành cuốc xe ôm dưới trời mưa xối xả

Năm 1992, vừa tròn 21 tuổi cô thôn nữ quê Hương Bình Bạch Thị Hảo lên xe hoa rồi về nhà chồng định cư tại xã Hương Long. Cuộc sống của đôi vợ chồng trê trong ngôi nhà nhỏ với nguồn thu nhập thiếu trước hụt sau nhưng luôn ăm ắp tiếng cười của con trẻ. 4 đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng và nỗi lo thường nhật theo đó cũng lớn dần cho đến một ngày…Đó là vào đầu năm 2005 anh Mai Sỹ Thông chồng chị (46 tuổi) cảm thấy trong người có gì đó thật khác thường. Rồi những cơn đau với cường độ dày xuất hiện. Hoảng hôt 2 vợ chông khăn gói ra Hà Nội đến bệnh viện Bạch Mai khám bệnh. Chị Hảo như gục ngã khi các bác sỹ báo tin chồng chi bị bệnh cầu thận phải mổ gấp. “3 tháng lặn lội theo chồng ở Hà Nội, 60 triệu đồng vay mượn của người thân cùng bạn bè đã tuột khỏi tay theo những đơn thuốc bác sỹ kê và chi phí ăn ở, đi lại của cả 2 vợ chồng. Điều đáng sợ hơn đó chỉ là sự khởi đầu”, chị Hảo nói qua hàng nước mắt.

Từ đó trở đi, tháng nào anh cũng đều đặn đến bệnh viện, khi ra Hà Nội, lúc ra Vinh để chạy thận. Sự xuất hiện thường xuyên và nhiều đến nỗi không chỉ nhân viên bệnh viện mà ngay cả nhiều hàng quán xung quanh cũng nhắn mặt và có thể dọc vanh vách tiểu sử của đôi vợ chòng từ Hương Khê ra. Mặc dù bây giờ anh đang điều trị tại bệnh viện Giao thông Nghệ an nên chi phí đi lại có phần đỡ hơn, nhưng nếu không có số tiền 5 triệu đồng hàng tháng (chi phí ưu tiên cho hộ nghèo) thì tính mạng người chồng khó giữ được với căn bệnh “nhà giàu cũng khóc”: chạy thận nhân tạo. Mà đâu đã hết. 4 đứa con, mới chỉ có cháu lớn sinh năm 92 đã về nhà chồng, 3 đứa còn lại đang tuổi ăn học, trong đó cháu thứ 2 hiện đang học ở trường trung cấp y, 2 đứa còn lại đang học THCS và THPT.

Để có tiền nuôi con ăn học, đặc biệt là tiền thuốc cho chồng điều trị chị không từ chối một công việc gì. Thời điểm anh đổ bệnh, nhiều người thân và hàng xóm thương tình gợi ý cho vay tiền để mở quán bán hàng tạp hóa và cơm phở bình dân. Lãi dùng để mua thuốc chỉ trả vốn cho họ là được. Cho đến nay, món nợ này đã lên đến gần 100 triệu đồng. Bởi vậy, đêm khuya bất kể nắng mưa có người gọi cửa, nhờ lên thị trấn mua gì chi cũng chạy. 7 năm qua ngoài việc bán hàng chị còn làm một việc mà cánh đàn ông cũng nơm nớp lo sợ: chạy xe ôm vào ban đêm. Ngày mở quá bán hàng, nhưng những lúc khách có nhu cầu, Hảo lại đóng quán lại làm… cuốc xe ôm. Ban đêm là thời điểm người phụ nữa dành trọn khoảng thời gian để chuyên tâm cho công việc xe ôm của mình. “Vẫn biết là nghề này nguy hiểm lắm, nhất là đối với ‘thân gái dặm trường’ tai họa rình rập không biết đường nào mà lần, nhưng vì mạng sống của chồng em đành liều mạng “nhắm mắt đưa chân”. Có lần một vị khách quen đã thò tay sàm sở. Em dừng xe lại rồi đuổi thẳng. Còn chuyện gặp thanh niên say rượu giang hai tay chặn xe là thường xuyên. Lần khác sợ quá em phải vào nhà người quen ngủ nhờ. Căn bệnh xoang của em cứ hành hạ thường xuyên là hậu quả của những lần đi xe ôm đêm khuya. Ốm nhưng không dám nghỉ làm chứ đừng nói đến việc khám bệnh” Hảo chia sẻ. Rồi chị kể tiếp, “Không có tiền nhục lắm anh à. Trước đây, em thường đi tàu nhưng trốn vé nên nhân viên thường nhiếc móc. Bây giờ họ đã hiểu và thông cảm nên bỏ qua không hoạnh họe nữa. Ngày cũng như đêm em chẳng dám ngủ. Có thời gian mà ngủ đâu anh?”.

Trời vẫn mưa nặng hạt và không biết đến bao giờ mới dứt. Dù vậy, nhưng tôi vẫn mong rằng đêm nay có một khách bộ hành lỡ đường đập cửa để chị Hảo có thêm một chuyến xe ôm như ước nguyện của chị

Vừa lo chăm sóc 8 sào ruộng, lại phải đảm nhận bán hàng và kiêm luôn chạy xe ôm khiến thân hình người phủ nữ có trọng lượng bằng số tuổi (42kg) không có thời gian nằm ngủ. Thu nhập từ việc bán hàng cũng rất bấp bênh nên niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của chị là những cuốc xe ôm đường dài. 50 hay 70 km trong thời điểm nào không quan trọng miễn là có thêm thu nhập. Sức khỏe của anh Thông hiện đang yếu dần. Thế nhưng mỗi tuần 3 lần chạy thận anh phải thuê trọ và tự đến bệnh viện. Bất đắc dĩ, phải thuê người đi mua cơm cháo, còn lại là… tự thân vận động. Chị chỉ có thể bên chồng trong những khi anh cấp cứu. Bởi nếu không làm gì có tiền. “Bệnh tình anh kéo dài năm này qua năm khác nên nhiều khi anh cũng tự muốn kết thúc cuộc đời để khỏi liên lụy đến người phụ nữ “tay kề gối ấp”. Giá như có một tổ chức hay một cá nhân nào mở rộng tấm lòng nhân ái hỗ trợ gia đình này thì hay biết mấy. Ít ra cũng để người vợ từ bỏ nghề xe ôm đầy nguy hiểm’. Chủ tịch UBND xã Hương Long Nguyễn Quốc Việt đau đáu nỗi niềm nói vậy.

Trời vẫn mưa nặng hạt và không biết đến bao giờ mới dứt. Dù vậy, nhưng tôi vẫn mong rằng đêm nay có một khách bộ hành lỡ đường đập cửa để chị Hảo có một chuyến xe ôm như ước nguyện của chị.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast