Những ngư dân yêu biển

Dẫu dong thuyền ra khơi không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhất là trong thời buổi kinh tế khủng hoảng, giá xăng dầu tăng cao nhưng với những ngư dân làng biển Xuân Hội (Nghi Xuân), không ai có thể xa được biển. Biển chính là “kho bạc” khổng lồ và cũng là nơi thử sức, thử tài, thử lòng kiên nhẫn của ngư dân và cũng là nơi nuôi sống từng gia đình làng biển.

Già vẫn thích ra biển!

Tình cờ trong chuyến đi công tác này, tôi gặp lại ông Nguyễn Anh Vựng tại trụ sở UBND xã Xuân Hội. Ông Vựng ôm chầm lấy tôi, xúc động nói: “Bài Người cầm chèo cho con thuyền vững lái" chú viết, đăng trên Báo Nhân Dân dạo nọ, hiện giờ tôi đang còn lưu giữ trong tủ, thỉnh thoảng lại giở ra xem...”. Lời tâm sự ấy khiến tôi rất ngạc nhiên. Bất chợt những ký ức về ông Vựng thời trẻ và khí thế làm ăn của HTX đánh cá Hùng Cường cách đây hơn 2 thập kỷ lại như những con sóng xanh vỗ dào dạt vào tâm hồn tôi...

Đội tàu xa bờ của xã Xuân Hội (Nghi Xuân)
Đội tàu xa bờ của xã Xuân Hội (Nghi Xuân)

Hồi đó vào tháng 8/1987, ông Vựng làm Chủ nhiệm HTX đánh cá Hùng Cường, một trong những HTX làm ăn thịnh vượng nhất miền Bắc. Ông quản lý 20 đội thuyền nghề vó ánh sáng. Mặc dầu thuyền nhỏ, công suất không lớn nhưng bằng kinh nghiệm đánh bắt cổ truyền nên các đội thuyền của ông Vựng bao giờ cũng dò đúng luồng cá đi… Cơ chế bao cấp, Nhà nước rót dầu cho các đội thuyền, HTX đánh bắt rồi nộp sản phẩm theo kế hoạch cho ngành thủy sản. 20 đội thuyền vó Nguyễn Anh Vựng lúc đó trở thành “minh tinh bạc” với sản lượng đánh bắt hàng trăm tấn cá, bao giờ cũng vượt kế hoạch và về đích trước thời gian. Chủ nhiệm Nguyễn Anh Vựng được bầu là Đại biểu Quốc hội, HTX đánh cá Hùng Cường được Chủ tịch Nước tặng lẵng hoa…

Sau những phút xúc động, ông Vựng xởi lởi: “Nhanh quá chú hè! Tui năm ni đã 67 tuổi rồi. Không đi khơi nữa nhưng tui vẫn đi lộng câu mực”. Bác Liệu đứng cạnh phụ họa thêm: “Ông Vựng gầy gầy rứa nhưng sức còn dẻo dai lắm, đêm mô cũng đi câu”. Theo ông Liệu, ngư dân Xuân Hội đam mê nghề biển không kể chi trẻ già, trừ những người ốm đau nằm dính chiếu chứ còn sức còn bươn ra biển. Nhiều cụ già ở Xuân Hội ngoài bảy mươi, tám mươi, đêm đêm vẫn dong thuyền nhỏ, đỏ đèn, giăng lưới đánh cá, câu mực.

Chiều. Tôi thong thả dạo trên bãi biển Xuân Hội. Bãi biển vẫn êm đềm, dù đài vừa thông báo “trời tiếp tục trở rét”. Những chiếc thuyền đang nằm im lìm trên cát. Một bà lão tên là Chương (xóm Hội Thủy), lưng đã còng, bận đồ áo đen đang mải mê cầm chiếc cuốc nhỏ đào xới những khoảng cát gần chân sóng. Tôi đến gần, cất tiếng chào hỏi, bà vui vẻ trả lời và chỉ cho tôi xem những con dắt biển...

Bà Chương bảo: Nghề cào dắt nhẹ nhàng, khỏe hơn dân đi hến ở sông nhiều, người nào siêng, mỗi ngày cũng cào được 5 kg, mỗi kg đưa ra chợ bán được khoảng 13-15 ngàn đồng. Càng đi dọc bãi biển, tôi thấy số chị em phụ nữ cào dắt càng đông. Đằng xa, 3-4 con thuyền chụm sát bên nhau, một nhóm đàn ông mặc quần áo cộc cùng nhau vá lưới. Họ đang tranh thủ từng giờ, từng phút sửa sang ngư cụ và cầu mong ngày mai trời hửng để lại dong thuyền tung lưới.

Những ngư dân trẻ và dặm đường khơi mới

Xung quanh chuyện nghề cá ở Xuân Hội, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Võ Văn Tùng ôn lại từng thời điểm. Thời bao cấp, ngư trường dồi dào tôm cá. Chính ông cũng từng là đội trưởng đội thuyền, lúc thắng đậm một ngày đi khơi bắt được cả tấn cá. Nhưng giai đoạn chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, làng cá Xuân Hội cũng có những bước thăng trầm. Đặc biệt, thời điểm 1998, Chính phủ có chủ trương hỗ trợ phương tiện đánh bắt xa bờ cho ngư dân, xã Xuân Hội được trang bị 8 đội tàu, mỗi đội trị giá lên tới 2,3 tỷ đồng.

Đôi tàu anh Trần Văn Dũng (33 tuổi) được đầu tư gần 4 tỷ đồng đang chuẩn bị ngư cụ để ra khơi.
Đôi tàu anh Trần Văn Dũng (33 tuổi) được đầu tư gần 4 tỷ đồng đang chuẩn bị ngư cụ để ra khơi.

Cứ tưởng là “ăn to mở nậy” nhưng rốt cuộc chỉ trong một thời gian ngắn, “tàu xa bờ lại đắp chiếu nằm bờ”, Nhà nước mất vốn, ngư dân đói ăn. Nguyên nhân ai cũng biết, đó là việc đánh bắt xa bờ còn quá non nớt, phương tiện sử dụng bằng tiền Nhà nước, “cha chung không ai khóc”. Từ bài học đau xót ấy, những ngư dân làng Xuân Hội mới thấm thía và bắt đầu tìm cách tự cứu lấy mình.

Thế rồi, những con thuyền đã qua sử dụng được Nhà nước định lại giá “mềm hơn”, các đội thuyền đôn đáo vay ngân hàng, bà con, quyết tâm vực lại những gì đã mất. Năm 2000, những đội thuyền của ngư dân trẻ chọn ngày lành tháng tốt, dong thuyền cưỡi sóng ra khơi. Bây giờ, cả xã Xuân Hội đã có 13 đội thuyền, mỗi đội thuyền có từ 18–20 lao động, mỗi lao động thu nhập mỗi năm từ 50–70 triệu đồng, chủ thuyền thu nhập từ 500–700 triệu đồng.

Chúng tôi theo chân anh Luật, cán bộ Phòng Thủy sản huyện Nghi Xuân xuống đội thuyền anh Trần Văn Dũng. Từ phía xa, tôi đã nhìn rõ những chiếc thuyền đang cập bến đứng thành hàng dọc, thuyền nào cũng sơn màu xanh nước biển và trên nóc cắm cờ đỏ chót. Dũng năm nay tuổi mới ba mươi, đã có vợ và 2 con, nước da đen, đôi mắt bồ câu hiền lành.

Anh Dũng kể: Ông nội anh nổi tiếng là ngư dân đánh bắt cá giỏi trong làng Xuân Hội, rồi cha anh cũng thế. Hơn 7 năm được giao thuyền trưởng khai thác xa bờ, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm khai thác và ngư trường. Từ 2003 đến nay, đội thuyền của Dũng chuyển hướng đánh bắt xa bờ bằng nghề kéo dạ đôi. Với nghề mới này, anh cảm thấy yên tâm vì đỡ phí xăng dầu mà sản lượng thu hoạch khá. Để trở thành chủ thuyền, Dũng cho rằng, kỹ thuật đánh bắt và đức tính cần cù chưa đủ, còn phải biết tiết kiệm từng đồng tiền nhỏ để góp lại thành đồng tiền to. Khi có đôi thuyền lớn với công suất 450 CV, trị giá 3,5 tỷ đồng trong tay, Dũng tuyển 12 thuyền viên mới, trẻ khỏe, nhiệt tình. Bây giờ, đội thuyền Dũng ai cũng khá thành thạo nghề dạ cá nổi cao tốc (với vận tốc 4–4,5 hải lý/giờ).

Cũng nhờ có 2 chiếc thuyền công suất lớn này, đội đánh cá của Dũng có điều kiện vươn xa hơn tại các ngư trường Thanh Hóa, Quảng Bình, có lúc thuyền của anh 4–5 ngày mới về 1 lần. Từ năm 2010 lại nay, năm nào sản lượng đánh bắt cá của đội anh cũng đạt từ 450–550 tấn. Chỉ hiềm một nỗi, vài năm lại đây, giá xăng dầu quá đắt đỏ nên phần lãi thu về không lớn lắm, nhưng trừ hết chi phí nguyên liệu và trả công sòng phẳng cho các thuyền viên, gia đình anh cũng thu về mỗi năm khoảng 550–600 triệu đồng. Chính vì thế, nhiều người tin tưởng góp vốn cùng anh.

Lời kết

Xuân Hội hiện có 1.630 hộ với diện tích tự nhiên gần 1.100 ha, nhưng do đất ngập mặn và cát bạc nhiều nên chỉ có 8% người dân làm nông nghiệp. Cả làng “cơm, áo, gạo, tiền” trông cậy vào chiếc vó của cha và anh. Hầu hết phụ nữ Xuân Hội chỉ chăm lo bếp núc, nuôi dạy con cái và làm những dịch vụ trên bờ. Cũng như bao làng biển khác, ở Xuân Hội nhà cửa các gia đình liền kề, dân cư san sát nhưng không gây ô nhiễm môi trường.

Cảng cá Xuân Hội sắp được hoàn thành để đưa vào khai thác phục vụ bà con ngư dân
Cảng cá Xuân Hội sắp được hoàn thành để đưa vào khai thác phục vụ bà con ngư dân

Người dân Xuân Hội đâu chỉ biết lo cái ăn, cái mặc, mà họ còn biết trang bị cho mình kiến thức từ nhà trường và sách báo, sớm tham gia lao động và có kỹ năng lao động. Lớp trẻ Xuân Hội đều tìm được việc làm bằng đi biển, lao động xuất khẩu, học nghề. Hiện tại, Xuân Hội có hơn 700 lao động ở nước ngoài. Nguồn lực này không nhỏ để làng biển giàu hơn, để cha mẹ ngư dân yên tâm bám biển hơn.

Đã mấy mùa rồi dân làng cá Xuân Hội không lo chạy bão nữa khi con đê Hội Thống trở thành “chiến lũy” ngăn bão tố triều cường. Thuyền trưởng Đặng Ngọc Hoa nới với tôi: “Từ khi xây dựng được quai đê chắn sóng, dân làng ăn ngon, ngủ yên hơn, sắp tới, hoàn thành cảng cá nữa, lúc đó dịch vụ tại cảng lại rầm rộ hơn”. Tôi ngước mắt nhìn ra biển rộng. Biển vẫn xanh thăm thẳm. Tôi thầm mong ngày mai nắng ấm để đoàn thuyền đánh cá tiếp tục nhổ neo...

Tháng 4/2013

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast