Những người thắp đèn nơi đầu gió…

Nhìn từ đất liền, cột Hải đăng Cửa Sót chỉ nhỏ như một ngón tay vàng nhạt chọc thẳng lên trời, ấy vậy mà tới nơi, chúng tôi phải leo bở hơi tai mới hết chiều cao của nó để tận tay sờ vào những mặt gương của “mắt biển” và để nhìn đất trời, biển cả mênh mông, nhìn sóng vỗ ào ạt vào những ghềnh đá, nhìn những đoàn thuyền căng gió ra khơi bằng chính đôi mắt của mình…

Chỉ có biển mới biết…

Ngọn hải đăng Cửa Sót
Ngọn hải đăng Cửa Sót

Buổi sáng hôm ấy, khi sương còn la đà lưu luyến mặt biển, khi những thuyền cá mới cập bờ thì chúng tôi đã đến cảng cá Thạch Kim, chiếc ca nô của Trạm kiểm soát Cửa Sót – đồn biên phòng 164 rẽ nước chạy băng băng trong hơi sương lành lạnh đưa chúng tôi sang trạm hải đăng. Chưa một lần đến đó, không hề biết gì về công việc của những nhân viên trên trạm nên tôi cứ theo chân mấy anh bộ đội biên phòng mà đi trong sự mông lung ấy. Phải qua hơn nửa giờ đồng hồ đi ca nô, cập vào một ghềnh đá chúng tôi mới tới nơi. Nghiệp làm báo cho tôi cơ hội được đến nhiều nơi, biết những điều mới lạ và chuyến đi này lại cho tôi thêm thật nhiều sự ngỡ ngàng. Tôi không tưởng tượng được, phía trên mặt biển mặn chát này, nơi đá sỏi chen nhau này lại rực rỡ nhiều sắc hoa đến thế. Xa xa trên cao là những bông hoa đao đỏ rực, dưới chân là những thảm hoa li ti vàng rực như nắng và dọc những lối đi hoa ngũ sắc rung rinh theo gió biển…Hoa như cũng chung niềm vui đón khách với chủ nhân. Niềm vui như vỡ òa khi chúng tôi đến trạm vì ngoài những chiến sỹ biên phòng thỉnh thoảng ghé chơi, năm thì mười họa mới có khách lên trạm. Họ còn tếu táo đùa nhau rằng chỉ có thuyền và biển thôi mới biết ở đây có những con người này đã sống và làm việc cần mẫn, âm thầm như thế.

Trạm trưởng Nguyễn Lương Cẩm đón chúng tôi bằng giọng cười biển cả, trên gương mặt nâu bóng sậm màu nắng gió là ánh mắt lấp lánh niềm vui, cái niềm vui của một chủ nhà hiếu khách phải chịu cảnh quạnh quẽ lâu nay. Anh Cẩm cho biết: “Trạm hải đăng này thuộc xí nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải 102 (cục đường biển – Bộ GTVT) làm nhiệm vụ báo hiệu cho tàu thuyền nội, ngoại tỉnh ra vào các xã Thạch Kim, Thạch Hải, Thạch Bằng… Cán bộ, công nhân của công ty không ở cố định một trạm mà thường xuyên luân chuyển từ trạm này qua trạm khác và ở đây tôi là người có thâm niên cao nhất với 7 năm gắn bó”. Hiện nay trạm có 7 người chia nhau trực đèn 24/24, do đặc thù công việc nên cán bộ ở đây phải làm việc cả thứ bảy chủ nhật, cộng ngày phép nữa mỗi năm một người được nghỉ 3 tháng. Ngoài công ciệc chính, mỗi người còn phải gánh vác một trách nhiệm khá nặng nề nữa là thay nhau đi chợ nấu ăn.

Anh Đoàn Ngọc Sơn cho hay, tùy vào thời tiết mưa hay nắng mà họ đi chợ Thạch Kim hoặc Thạch Đỉnh. Nếu biển lặng và có phương tiện thì sang chợ Thạch Kim, còn không thì phải leo qua mấy ghềnh đá và đi bộ hơn 10km vào Thạch Đỉnh mua thực phẩm. Chính vì đường sá xa xôi nên trạm cũng sắm tủ lạnh để cất trữ thức ăn và nó chính là con cưng của mấy anh em. “Đầu bếp” Ngọc Sơn vừa nấu ăn vừa nói thêm vào: “Mấy cái bể chứa nước mưa cũng là con cưng của chúng tôi nữa đấy”. Quả đúng như vậy, ở một nơi tách biệt như thế này, nguồn nước sinh hoạt hoàn toàn là nước mưa nên mấy cái bể chứa ấy là của quý. Riêng điều này tôi tin là biển cả kia sẽ thấu hiểu rất rõ …

Niềm hạnh phúc được thắp sáng mắt biển

Sau 15 phút leo bộ qua mấy trăm bậc đá, chúng tôi đã ở trong lòng cái “ngón tay bé xíu” hình trụ tròn màu vàng ấy. Từ đó có thể nghe ầm ào sóng vỗ, có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn về làng mạc, nhìn ra bàng bạc, mênh mông biển cả và chờ đón những con tàu cập bến bình an. Đứng trên tháp hải đăng lộng gió, anh Trịnh Thúc Công nói: “Công việc của anh em chúng tôi là thường xuyên kiểm tra, lau chùi, bảo dưỡng hệ thống năng lượng như bình ắc quy, thiết bị hấp thụ năng lượng mặt trời... để bảo đảm mọi thứ đều hoạt động tốt nhằm giữ cho ngọn hải đăng lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng hoạt động tốt". Anh Công quê ở Cẩm Xuyên, là người có thâm niên 14 năm “thắp đèn” trên biển. Đã từng làm việc ở những ngọn hải đăng vị thế hiểm trở như Quảng Tượng, Trạm Luồng (Đà Nẵng), Cửa Đại (Hội An), Mũi Ròn (Vũng Áng)… nên trông phong thái của anh thật an nhiên mặc dù tôi biết trong những ca trực, một mình giữa mênh mông đất trời, gió biển lòng anh luôn hướng về gia đình nơi có người vợ hiền và những đứa con ngày đêm ngóng đợi bước chân anh. Anh Công vừa bật đèn và cầm thiết bị đo điện tử để theo dõi chu kỳ chớp của đèn vừa cho biết thêm: "Vì đèn tại mỗi trạm hải đăng có một chu kỳ chớp khác nhau và người ta dựa vào chu kỳ chớp đó để nhận biết mình đang ở đâu, nên nếu có sự cố sai sót là phải khắc phục ngay hoặc báo cáo vào cơ quan ở đất liền ra sửa chữa kịp thời, nếu không thì tàu thuyền sẽ mất phương hướng, không tìm thấy đường về”.

Trên đường lên tháp đèn
Trên đường lên tháp đèn

Bữa cơm thân mật hôm ấy có thịt gà trạm nuôi được, có rau bí tự trồng, có mực các thuyền đánh cá của ngư dân ghé biếu, đặc biệt là có những câu chuyện, những kỷ niệm riêng tư lúc vui vẻ, lúc trầm tư và có cả niềm tậm sự chung của các anh: "Dù heo hút và cô đơn nhưng chúng tôi hạnh phúc với công việc hiện tại vì biết rằng giữ sáng cho ngọn hải đăng cũng là giúp cho biết bao tàu thuyền trên đại dương mênh mông đi đúng hướng, nhất là trong mùa mưa bão, niềm hạnh phúc đó còn nhân lên bội lần”.

Chăm sóc hoa trong khuôn viên bé nhỏ của trạm
Chăm sóc hoa trong khuôn viên bé nhỏ của trạm

Chúng tôi rời trạm hải đăng khi trời chiều nhuộm tím không gian, anh chiến sỹ biên phòng như vẫn còn lưu luyến nên cho ca nô chạy chậm hơn. Từ xa xa nhìn lại đã thấy lấp lánh đốm lửa nhỏ như ánh mắt trong biển xanh. Trước mắt tôi bất giác nhảy múa những dòng nhật ký trực ca với con chữ tròn, méo, ngả, nghiêng chứa đựng nhiều tâm trạng của những người đêm đêm thức cùng “mắt biển” để giữ cho nó luôn luôn sáng giữa bao la đất trời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast