“Ốc đảo” Hồng Lam khát vọng một cây cầu

Đứng trên cầu Bến Thuỷ (nối Nghệ An với Hà Tĩnh) nhìn về phía Đông sẽ thấy rõ một ngôi làng nằm biệt lập giữa dòng sông Lam rộng lớn. Đó là “ốc đảo” Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Phương tiện duy nhất để người dân trong thôn "kết nối" với bên ngoài chỉ là chiếc thuyền máy thô sơ, cũ kỹ. Người dân nơi đây đang khát khao có một cây cầu để việc đi lại, giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa của họ và việc học tập của con em trong thôn thuận lợi hơn.

Làng giữa bốn bề sông nước

Xuân Giang, một chiều cuối tháng 3. Bước lên chuyến đò chật cứng người, phương tiện, hàng hóa, sau một hồi lênh đênh trên những con sóng dữ, chúng tôi cập bến vào thăm “ốc đảo”.

Theo các bậc cao niên trong thôn, xưa ở đây chỉ là một mô đất nhỏ nhô lên giữa dòng sông Lam thơ mộng. Một số hộ thấy đất ở đây tươi tốt nên ra dựng lều sinh sống. Cứ thế, làng hình thành. Theo thời gian, số hộ sinh sống ở làng cũng đông dần. Hiện nay, diện tích của thôn khoảng 3km2, trong đó có khoảng 150 ha đất canh tác. Tuy nhiên, do giao thông đi lại cách trở, khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bão lụt nên những năm gần đây nhiều người bỏ làng đi sinh sống nơi khác.

Nhiều năm qua, phương tiện duy nhất người dân thôn Hồng Lam giao lưu với bên ngoài chỉ là chiếc thuyền máy thô sơ, cũ kỹ
Nhiều năm qua, phương tiện duy nhất người dân thôn Hồng Lam giao lưu với bên ngoài chỉ là chiếc thuyền máy thô sơ, cũ kỹ

Ông Trần Đình Hòa - Trưởng thôn Hồng Lam cho biết: “Năm 1995, thôn có 420 hộ dân sinh sống nhưng nay chỉ còn 230 hộ. Điều kiện sống khó khăn, nông sản làm ra tiêu thụ khó, chủ yếu là tự sản tự tiêu nên không mấy ai xác định gắn bó với mảnh đất này nữa”.

Thực tế cuộc sống người dân nơi đây vô cùng gian khó. Mọi sinh hoạt, giao lưu của họ với bên ngoài phụ thuộc vào chiếc thuyền máy cũ kỹ của anh Trần Đình Huynh. Đặc biệt, học sinh mỗi buổi đến trường phải đi thật sớm để không bị trễ giờ. Nhiều hôm, đang qua sông gặp cơn gió lớn, thuyền tròng trành, không thể qua được đành phải bỏ học. Những hôm mưa lũ, các em phải sang bờ ở nhờ nhà các hộ dân để được đi học.

Em Đậu Xuân Hoan, đang theo học tại trường Trung cấp nghề số 4, Bộ Quốc Phòng tâm sự: “Khổ lắm chị ạ, những hôm sóng yên biển lặng thì không ngại chi, nhưng nhiều hôm về thăm nhà gặp thời tiết xấu, bọn em đành phải ngủ bên này nhìn về làng mình rồi lên trường học tiếp. Có lần em về nhà chơi mấy ngày sau đó lên trường để thi học kỳ, ra gặp gió lớn, sóng dữ không thể qua sông được dành phải ở nhà và chấp nhận hôm sau lên thi lại”.

Khó khăn là vậy nhưng học sinh ở đây rất ham học và học rất giỏi. Năm học 2009 - 2010, thôn có 120 học sinh theo học các cấp, 100% tốt nghiệp THPT, trong đó có 8 em đậu đại học, cao đẳng. Bậc tiểu học chỉ 37 em theo học nhưng có 2 em đậu học sinh giỏi tỉnh. Đó quả là những thành tích đáng kể đối với những học sinh vùng “ốc đảo” này.

Khát vọng một cây cầu

Anh Trần Đình Huynh, người nhiều năm làm nghề lái đò phục vụ người dân trong thôn, cho biết: “Mỗi ngày tôi chạy khoảng 50 chuyến đò, chở 500 - 600 người qua sông, trong đó có hơn 80 học sinh, chưa kể hàng hóa, phương tiện giao thông và nhiều thứ khác”.

Anh Huynh lái đò được 4 năm nay, người dân Hồng Lam thường gọi vui anh là “chiếc cầu” nối làng với thế giới bên ngoài. Tôi hỏi anh trong đời làm nghề lái đò anh từng gặp nhiều nguy hiểm chưa, anh bảo: “Nhiều lắm, có hôm thuyền ra giữa sông tự nhiên có sóng to, không vào bờ được mà cứ trôi lênh đênh giữa dòng. Đặc biệt, gặp thời tiết bão lũ thì nguy hiểm vô cùng".

Mặc dù là nghề kiếm sống của mình, cả gia đình phụ thuộc vào mấy đồng tiền chèo thuyền nhưng anh Huynh vẫn khao khát một điều: “Tôi chỉ mong sao xây được cây cầu để dân làng đỡ khổ, các cháu học sinh đi học an toàn, dễ dàng chứ đi đò này nguy hiểm lắm”.

Chuẩn bị sang sông...

Chuẩn bị sang sông...

Ông Trần Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết, xã có 5 thôn với 1.450 hộ, 6,5 nghìn nhân khẩu. Khó khăn nhất đối với người dân thôn Hồng Lam hiện nay là chỉ có thể giao thông với bên ngoài bằng đường sông. Vì thế người dân thôn Hồng Lam, dù biết nguy hiểm nhưng vẫn phải đi đò. Việc xây dựng cây cầu dân sinh qua sông Lam ở địa bàn thôn Hồng Lam là cần thiết và đang ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, vấn đề này nằm ngoài khả năng ngân sách của xã nên cần sự hỗ trợ, đầu tư của cấp trên và sự chung tay của cả cộng đồng... Nhiều năm nay, trong rất nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, lãnh đạo UBND xã Xuân Giang và bà con nhân dân đã kiến nghị lên cấp trên đề nghị nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Ông Trường nhận định, cầu được xây dựng sớm ngày nào thì “nút thắt” về phát triển kinh tế của người dân nơi đây được tháo gỡ sớm ngày đó; cái đói, cái nghèo sẽ dần được đẩy lùi, đặc biệt, tính mạng của hàng nghìn người dân không bị đe dọa mỗi khi qua đò. Đó không chỉ là mong ước lớn nhất của người dân ở làng Hồng Làm mà còn là của toàn xã Xuân Giang.

Chúng tôi rời thôn Hồng Lam khi đã xế chiều. Đứng bên bờ sông nhìn con thuyền chở hàng chục học sinh về làng mà lòng thắc thỏm lo âu bởi chỉ một sự cố nhỏ, tính mạng của mấy chục con người sẽ đối mặt với hiểm nguy.

Thực tế đau lòng từ những chuyến đò ngang đã từng xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Mong rằng, một ngày không xa, cây cầy nối “ốc đảo” Hồng Lam với bên ngoài sẽ được đầu tư xây dựng để người dân nơi đây không bị thủy thần rình rập trong những chuyến đò ngang; được đi lại thuận tiện để học tập, giao lưu phát triển KT-XH...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast