Rừng ngập mặn bị thu hẹp: Báo động nguy cơ mất an toàn

(Baohatinh.vn) - Dự án trồng rừng ngập mặn được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần giảm thiểu rủi ro, thảm họa cho người dân vùng cửa sóng. Thế nhưng, bởi nhiều lý do nên diện tích rừng ngập mặn đang ngày càng bị thu hẹp, đe dọa sự an toàn của người dân vùng ven biển.

Rừng ngập mặn bị thu hẹp: Báo động nguy cơ mất an toàn ảnh 1

Một số diện tích rừng ngập mặn ở Thạch Sơn (Thạch Hà) bị chết do nguồn nước ô nhiễm, sâu bệnh.

Theo thống kê sơ bộ của Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn chỉ còn khoảng hơn 450 ha trong tổng số gần 1.000 ha được trồng mới và trồng dặm do các chương trình, dự án hỗ trợ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do rừng ngập mặn chưa được chăm sóc, bảo vệ chu đáo, bị sâu bệnh hại hoặc một số nơi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng khác… Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rõ rằng, việc đầu tư phát triển rừng ngập mặn trên địa bàn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư đúng mức, chưa tương xứng với chức năng phòng hộ ven biển. Hiện tại, rừng ngập mặn chủ yếu đang được đầu tư theo định mức chung của một số chương trình, dự án.

Anh Trần Văn Thông - Chi cục Lâm nghiệp - Sở NN&PTNT cho biết: “Việc quản lý và phát triển rừng ngập mặn trên địa bàn thiếu sự phân định rõ ràng, bởi có quá nhiều chủ quản lý như: UBND xã, hộ dân, lĩnh vực thủy sản, du lịch, tài nguyên và môi trường cũng như giữa các lĩnh vực đê điều, lâm nghiệp…, vì thế, chưa có sự gắn kết, phối hợp trong quá trình thực hiện các dự án trồng rừng bảo vệ đê sông, đê biển, việc bảo vệ, do đó, hết sức khó khăn”.

Ông Mai Lê Thuộc - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ mong muốn: “Vì có quá nhiều chủ quản lý nên việc trồng mới, bảo vệ rừng đang rơi vào tình trạng bỏ ngỏ. Vì thế, vấn đề này cần xây dựng quy chế, quy định riêng trong công tác trồng và bảo vệ, đồng thời, giao trách nhiệm cho UBND các xã vùng hưởng lợi quản lý”.

Cùng chung nỗi trăn trở trong việc phát triển rừng ngập mặn, anh Trần Văn Thông cho biết thêm: “Ngoài xây dựng cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn; ban hành quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật để tổ chức thực hiện thì hoạt động nghiên cứu khoa học cho đối tượng rừng ngập mặn cũng cần được quan tâm hơn nữa. Bởi, ngoài việc tạo cơ sở cho việc trồng rừng hỗn giao thành các khu rừng ngập mặn có sự đa dạng về sinh học cao, có khả năng chống chịu tốt với biến đổi khí hậu, thì cũng sẽ khắc phục được tình trạng rừng chết do tác động của môi trường, sâu bệnh...”.

Trong việc bảo vệ những bức tường xanh chắn sóng, tôi đã được nghe câu chuyện về một số cá nhân điển hình. Đó là ông Nguyễn Trung Hoa ở Thạch Sơn (Thạch Hà) - người từng trăn trở với hiện tượng cây chết do sâu bệnh, từng thấp thỏm mỗi đêm canh gác rừng khỏi nạn chặt trộm, hay mô hình chia người bảo vệ rừng ngập mặn theo định kỳ hàng năm ở Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên)… Tuy nhiên, những tấm gương, những mô hình ấy chưa nhiều và nỗi trăn trở, tình yêu rừng của họ cũng chưa đủ để khơi dậy một phong trào, ý thức tự giác bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư.

Ngày 22/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-TTg phê duyệt đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng chính sách chi trả dịch vụ môi trường đối với hệ sinh thái đất ngập nước ven biển tại Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại ở việc triển khai chứ chưa đi vào thực thi. Chi phí đầu tư cho 1 ha rừng ngập mặn ước tính khoảng 50 triệu đồng, trong khi ngân sách của tỉnh còn hạn chế, thêm vào đó, hệ thống văn bản hướng dẫn định mức kinh tế, kỹ thuật, quy trình, quy phạm về rừng chưa có nên việc triển khai trồng và khôi phục rừng ngập mặn là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast