Sẻ chia nỗi đau da cam

Chiến tranh đã đi qua nhưng hậu quả để lại vẫn hiện hữu trong đời sống. Vẫn còn những người trở về sau chiến tranh mang trong mình vết thương không chảy máu do nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nỗi đau da cam là tột cùng, dai dẳng. Bởi vậy, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) cần lắm những bàn tay, những việc làm, sự yêu thương sẻ chia của cộng đồng.

Là một người con của quê hương Đức Thọ, lại từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị những năm 70 nên anh Trần Văn Hiển - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – TM&DV Việt Nga (Hà Nội) thấu hiểu và đồng cảm với sự mất mát của những số phận éo le.

Anh Hiển chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm doanh nghiệp phải hướng tới cộng đồng, cảm thông, sẻ chia với những mảnh đời éo le do hậu quả của chiến tranh để lại, đặc biệt là đối với NNCĐDC/dioxin”. Từ suy nghĩ đó, anh Hiển đã trích số tiền 100 triệu đồng tặng các NNCĐDC đang theo học tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho NNCĐDC/dioxin Hà Tĩnh.

Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh tài trợ xây dựng nhà ở nội trú cho Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho NNCĐDC/dioxin Hà Tĩnh.
Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh tài trợ xây dựng nhà ở nội trú cho Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho NNCĐDC/dioxin Hà Tĩnh.

Trong vô vàn những tổ chức, cá nhân đồng hành với NNCĐDC/dioxin suốt nhiều năm qua, Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh là đơn vị đồng hành lâu bền hơn cả. Hàng trăm triệu đồng từ quỹ từ thiện của ngân hàng đã được chuyển đến các gia đình NNCĐDC. Riêng trong 6 tháng năm 2011, ngân hàng đã dành 115 triệu đồng, tặng 223 suất học bổng cho các học sinh là NNCĐDC. Mới đây, ngân hàng đã tài trợ Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho NNCĐDC/dioxin Hà Tĩnh 2,5 tỷ đồng xây dựng nhà nội trú cho học viên.

Một trong những doanh nghiệp đồng hành cùng NNCĐDC gây cho chúng tôi nhiều ấn tượng, đó là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng Miền Trung. Được thành lập từ sự chung sức của những sĩ quan quân đội về hưu, với ý chí khẳng định bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trong thời bình, ban lãnh đạo Công ty luôn ý thức sâu sắc việc gắn kết hoạt động SXKD với thực hiện trách nhiệm với xã hội. Tình cảm, trách nhiệm với đồng đội, những người lính mang trong mình chất độc da cam với nỗi đau tột cùng đã thôi thúc Công ty chia sẻ thành quả hoạt động của mình với những hoàn cảnh khó khăn.

Công ty thường xuyên tổ chức tặng quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, gia đình NNCĐDC. Hằng năm, Công ty còn trích từ lợi nhuận đơn vị hàng trăm triệu đồng để thực hiện các hoạt động nhân đạo trên địa bàn. Riêng năm 2010, tổng số tiền dành cho hoạt động này là 280 triệu đồng.

Trong số các địa chỉ được Công ty chung tay hỗ trợ có gia đình anh Trần Văn Minh, chị Nguyễn Thị Ni ở xóm Đức Phú, xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) có 4 người con bị nhiễm chất độc da cam, trong đó 2 người con trai bị tật nguyền. Công ty đã hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng xây dựng nhà, ổn định cuộc sống. Trong ngôi nhà mới, khang trang, sạch sẽ, chị Ni phấn khởi: “Từ khi được Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Xây dựng Miền Trung hỗ trợ xây nhà mới, vợ chồng tôi yên tâm động viên nhau vượt qua khó khăn”.

Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Nguyễn Quang Tiến cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Hội đã vận động quyên góp được gần 30 tỷ đồng để giúp đỡ các NNCĐDC. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, Hội đã vận động được hơn 4 tỷ đồng, đáng kể trong số đó như: tỉnh Khăm Muộn (Lào) ủng hộ 300 triệu đồng, tổ chức phi chính phủ MSA VLC của Anh hỗ trợ 610 triệu đồng để mua thiết bị cho Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho NNCĐDC/dioxin Hà Tĩnh… Tuy đây là những con số ít ỏi so với số lượng nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam nhưng đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Theo thống kê, đến nay, Hà Tĩnh có gần 20.000 người phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó trên 7.000 người đã được hưởng chế độ, còn hàng nghìn người chưa được hưởng chế độ và đang làm hồ sơ đề nghị giải quyết.

Trong số nạn nhân đã được hưởng chế độ, có 3.272 người mắc bệnh hiểm nghèo, gần 1.000 người cần được nuôi dưỡng tập trung, trên 1.000 cháu cần được học nghề và GQVL, 1.181 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast