Sơ tán công dân Việt Nam khỏi khu vực nhà máy Fukushima

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật tạo điều kiện cho công dân Việt Nam về nước khi có yêu cầu; Bộ Y tế chuẩn bị phương án kiểm tra nhiễm xạ đối với người trở về từ Nhật Bản..., đó là những chỉ đạo của Thủ tướng chiều 16/3.

Ngày 16/3, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản trực tiếp báo cáo tình hình sau thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình tại Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Trước mắt Thủ tướng chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với các cơ quan hữu trách của Nhật khẩn trương tập trung sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi vùng bị ảnh hưởng nặng nề của động đất, sóng thần và vùng có nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố, tạo điều kiện cho công dân trở về nước nếu có yêu cầu.

Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản theo dõi chặt chẽ tình hình và quyết định áp dụng các biện pháp ứng phó khẩn thiết trong phạm vi thẩm quyền. Bộ Thông tin và Truyền thông tạo thuận lợi cho việc truy cập Internet trong giai đoạn hiện nay để nhân dân kịp thời nắm được tình hình liên quan đến động đất, sóng thần ở Nhật Bản.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị sẵn sàng việc cử đội bác sĩ, y tá tham gia cứu hộ tại Nhật Bản; chuẩn bị phương án kiểm tra nhiễm xạ đối với công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị đối phó nếu bụi phóng xạ từ Nhật Bản ảnh hưởng đến Việt Nam.

Hai phụ nữ này bịt miệng để đề phòng bị nhiễm xạ, ảnh chụp hôm 14/3 tại tỉnh miền đông bắc Nhật Iwate. Ảnh: AFP.

Hai phụ nữ này bịt miệng để đề phòng bị nhiễm xạ, ảnh chụp hôm 14/3 tại tỉnh miền đông bắc Nhật Iwate. Ảnh: AFP.

Việt Nam có hơn 30.000 người đang học tập và làm việc tại Nhật Bản, trong đó có 18.000 tu nghiệp sinh. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, trong số tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc tại tỉnh Fukushima không có ai làm việc trong vòng bán kính 30 km tính từ nhà máy điện nguyên tử. Đây là khoảng cách được Chính phủ Nhật Bản khuyến cáo là không an toàn.

Dù cách khá xa nhà máy điện nguyên tử, song Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản vẫn phối hợp với đối tác chủ động sơ tán tu nghiệp sinh ra xa khu vực nhà máy. Cụ thể 17 người làm ở nhà máy may Daiei Hosei và Canyon đã được chuyển sang cở sở 2 của nhà máy ở tỉnh Gunma (gần Tokyo). Với 2 tu nghiệp sinh làm việc ở nơi cách nhà máy điện hạt nhân 60 km, Ban Quản lý đã liên hệ đưa lao động ra khỏi khu vực này.

Ngoài ra, với 10 tu nghiệp sinh làm việc ở vùng núi, xa biển, xa nhà máy nguyên tử, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã yêu cầu đại diện doanh nghiệp phái cử, nghiệp đoàn, xí nghiệp thông báo tình hình cụ thể cho lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đồng thời tìm phương án di chuyển họ ra xa khu vực nhà máy điện nguyên tử.

Hôm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng Ban Quản lý lao động đã đón một số công dân Việt Nam ở gần nhà máy điện nguyên tử về Tokyo, trong đó có 17 tu nghiệp sinh. Trong số này có 5 người đã được nghiệp đoàn tiếp nhận đón đến một xí nghiệp khác tại Tokyo, 4 người sẽ được nghiệp đoàn đón vào một xí nghiệp ở phía nam Nhật Bản. 8 tu nghiệp sinh còn lại đang tạm thời trú tại Tokyo.

Diễn biến thảm họa động đất sóng thần tại Nhật

- Chiều 11/3: Động đất mạnh 9 độ richter xảy ra ngoài khơi tỉnh Miyagi, đông bắc Nhật Bản. Chấn động diễn ra trên diện rộng, lan tới cả thủ đô Tokyo ở phía nam. Động đất phá sập nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng, gây hư hại một số nhà máy điện hạt nhân.

- Chiều 11/3: Sóng thần ập vào các tỉnh miền đông bắc Nhật Bản. Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Iwate, Miyagy, Fukushima. Sóng cuốn trôi nhiều thành phố và làng mạc ra biển. Tại một thành phố, có tới 9.500 người mất tích.

- Chiều 12/3: Vụ nổ thứ nhất xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

- Sáng 14/3: Vụ nổ thứ hai xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Gần 200 nghìn người dân được lệnh sơ tán để tránh nguy cơ phóng xạ.

- Sáng 15/3: Vụ nổ thứ ba, cũng tại nhà máy này.

- Sáng 15/3: Phát hiện hơn 2.000 thi thể dạt vào bờ biển tỉnh Miyagi. Số người thiệt mạng được thống kê chính thức là hơn 1.800. Tuy nhiên báo chí Nhật ước tính con số này trên 10.000.

- Sáng 15/3: Cháy xảy ra tại lò phản ứng số 4 của nhà máy Fukushima I.

- Chiều 15/3: Động đất mạnh ngoài khơi Fukushima và phía tây nam Tokyo. Cảnh sát vẫn ước tính số người thiệt mạng trên 10.000. Số người chết được xác nhận là hơn 3.000.

- Sáng 16/3: Hỏa hoạn lại xảy ra tại lò phản ứng số 4 trong khi khói trắng bốc lên từ lò phản ứng số 3.

Theo VnExpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast