Tỉnh 2 lần ra "tối hậu thư", chủ đầu tư vẫn "né"!

Ngày 30/11/2012 là thời hạn cuối cùng UBND tỉnh đặt ra với nhà đầu tư Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC về việc chuyển tiền bồi thường, GPMB Dự án xây dựng Khu đô thị Nam Cầu Phủ. Song, cũng như các mốc thời gian từng ấn định trước đó, mong mỏi của 213 hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi (thuộc 4 xóm của xã Thạch Bình) vẫn không được đáp ứng, buộc họ phải trở lại vỡ hoang trên những thửa ruộng đã nhường cho dự án nhưng để không suốt vụ hè thu vừa qua nhằm kịp thời vụ sản xuất vụ xuân 2013.

Viết tiếp việc chậm chi trả tiền GPMB Dự án khu đô thị Nam Cầu Phủ:

Chủ đầu tư "treo" tiền GPMB, dân khó khăn tìm kế sinh nhai!

Khó khăn chồng chất

Ông Trần Đức Huệ - Bí thư chi bộ thôn Bình Minh, xã Thạch Bình, cho hay, không thấy nhà đầu tư hồi âm thì thành phố bảo xã vận động xóm, rồi xóm lại vận động nhân dân quay lại sản xuất. Nhưng, ruộng, mương cỏ vùi hết rồi giờ làm không nổi. Nhà nào có điều kiện thuê máy còn đỡ chứ làm thủ công thì hàng tuần cũng chẳng xong khâu làm đất. Mấy tuần nay có nước trời nên một số hộ tranh thủ làm được ít nhiều chứ nước thủy nông Kẻ Gỗ đã chấm dứt hợp đồng từ đầu vụ hè thu.

Cuộc sống người dân xã Thạch Bình đang hết sức khó khăn khi nhà đầu tư không chịu trả tiền bồi thường GPMB Dự án khu đô thị Nam cầu Phủ
Cuộc sống người dân xã Thạch Bình đang hết sức khó khăn khi nhà đầu tư không chịu trả tiền bồi thường GPMB Dự án khu đô thị Nam cầu Phủ

Trở lại 3,5 sào ruộng từng gắn bó với gia đình mấy chục năm nay sau nhiều tháng đi làm cửu vạn trên thành phố, anh Hồ Lý Hạnh ở xóm Bình Minh như đứng giữa ngã ba đường khi không biết có nên tiếp tục sản xuất để kiếm vài tạ lương thực hay nhường quách cho một ai đó trong xóm có nhu cầu, bởi để vỡ hoang được số diện tích này, vợ chồng anh phải mất rất nhiều, cả công lẫn của. "Nhà báo nhìn có phân biệt được đâu là ruộng đâu là bờ nữa không? Dân làm ruộng bẵng ít ngày không chăm đồng là cỏ đã tốt hơn lúa rồi, đằng này, để hoang từ sau vụ đông xuân 2011 - 2012 đến nay thì không thành bãi mới lạ. Lâu nay, trước mỗi vụ sản xuất, chỉ cần ra đắp bờ một buổi, bừa đất một buổi là gieo; giờ đây, đào cuốc cả tuần vẫn chưa xong với mấy sào ruộng. Nghe xã vận động quay lại sản xuất thì làm chứ mai mốt có tiền không biết có kêu trả ruộng lại không?", anh Hạnh phân vân.

Để trống vụ hè thu, hàng chục ha đất lúa thành đồng cỏ khiến việc khôi phục sản xuân vụ xuân gặp nhiều khó khăn
Để trống vụ hè thu, hàng chục ha đất lúa thành đồng cỏ khiến việc khôi phục sản xuân vụ xuân gặp nhiều khó khăn

Bà Lê Thị Cúc năm nay đã ngoài sáu mươi, cho biết: "Những hộ có sức lao động ắt có nhiều cơ hội kiếm việc làm hơn nên họ có quyền lựa chọn chứ già cả như vợ chồng tôi thì khó mấy cũng buộc phải làm. Không còn ruộng thì chuyển sang chăn nuôi nhưng chăn nuôi cũng cần có thóc có cám chứ biết lấy gì cho chúng ăn. Chúng tôi hai ông bà già còn đỡ, chứ nhiều hộ con cái đang tuổi ăn tuổi học thì cực lắm. Lo ăn chưa đủ lấy gì đóng tiền học cho con. Dự án thu đất thì đền tiền để dân chuyển nghề không thì cũng có thêm đôi đồng gửi tiết kiệm mà mua gạo chứ bắt chúng tôi chờ mấy tháng liền thì lấy gì ăn?".

Lần lữa đến bao giờ?

Như Hà Tĩnh Online từng phản ánh, chủ đầu tư giải thích nguyên nhân chưa trả tiền bồi thường cho người dân là do trước đây ngành chức năng tỉnh chưa xác định giá trị giao đất (mức giá mà Hội đồng định giá đất tỉnh đưa ra là 1.613.000 đồng/m2 nhưng chủ đầu tư lại đề xuất 600.000 đồng/m2). Điều này có phần đúng, song, kể từ ngày 22/10/2012 đến nay, trách nhiệm đã hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư khi UBND tỉnh đã hai lần yêu cầu nhưng Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC vẫn không thực hiện.

Còn mỗi tấm biển giới thiệu dự án nhưng cũng đã bị nhà đầu tư dỡ bỏ càng làm cho niềm tin của người dân về một khu đô thị khang trang, hiện đại bất thành
Còn mỗi tấm biển giới thiệu dự án nhưng cũng đã bị nhà đầu tư dỡ bỏ càng làm cho niềm tin của người dân về một khu đô thị khang trang, hiện đại bất thành

Lần thứ nhất, ngày 22/10/2012, trong Thông báo 438/TB-UBND của UBND tỉnh (về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn tại cuộc họp Hội đồng định giá đất của tỉnh về giá đất Dự án khu đô thị Nam cầu Phủ) đã xác định giá đất của dự án này là 1.384.000 đồng/m2 (trừ tuyến 1 và 2 của quốc lộ 1A) và yêu cầu Công ty có văn bản hồi âm, nếu đồng ý thực hiện thì phải chuyển tiền bồi thường, GPMB để chi trả cho người dân trước ngày 15/11/2012; nếu chuyển sau thời hạn đó thì giá đất đó không thực hiện và UBND thành phố Hà Tĩnh sẽ tiếp tục cho người dân sản xuất vụ xuân.

Lần thứ hai vào ngày 20/11/2012, UBND tỉnh có công văn số 4041/UBND-NL1 thống nhất mức giá thu tiền sử dụng đất cho số diện tích giai đoạn 1 của dự án (trừ dãy 1 và dãy 2 bám đường QL1A) giữ nguyên 1.384.000 đồng/m2 và yêu cầu Công ty chuyển tiền bồi thường, GPMB để chi trả cho dân xong trước ngày 30/11/2012, đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan, thực hiện nghĩa vụ tài chính, có văn bản cam kết về tiến độ và thực hiện dự án đúng tiến độ cam kết. Song, đã hơn một tuần kể từ "tối hậu thư" lần 2, chủ đầu tư vẫn đang nợ 213 hộ dân gần 60 tỷ đồng.

Tìm gặp ông Ngô Văn Quyền - Trưởng ban quản lý Dự án khu đô thị Nam cầu Phủ thì người này từ chối phát ngôn với báo chí vì cho rằng, đơn vị chỉ là người thừa hành công việc của Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC đóng trong TP Hồ Chí Minh. "BQL Dự án cũng đang chờ ý kiến chỉ đạo của trên", ông Quyền bảo.

Nhà đầu tư nợ dân một lời xin lỗi

"Tỉnh đã hai lần yêu cầu nhưng chủ đầu tư không thực hiện buộc thành phố phải thông báo để nhân dân kịp thời sản xuất vụ xuân 2013", Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Trần Thế Dũng thất vọng nói.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, ít dự án nào mà ngành chức năng tập trung cao và nhận được sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi GPMB như dự án này. Hết công văn đốc thúc lại điện thoại nhưng lãnh đạo Công ty luôn kêu khó khăn, chưa thể giải quyết được. Thành phố rất chia sẻ với nhà đầu tư trong thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng, nhưng, người dân đã chờ hơn 5 tháng rồi.

2 tháng trước, ông Ngô Văn Quyền - Trưởng BQL dự án khu đô thị Nam cầu Phủ đổ lỗi cho tỉnh và các ngành chức năng chậm xác định giá đất nhưng đến khi UBND tỉnh quyết xong giá thì chủ đầu tư lại tìm cách "né" và chưa chịu trả tiền cho hàng trăm hộ dân
2 tháng trước, ông Ngô Văn Quyền - Trưởng BQL dự án khu đô thị Nam cầu Phủ đổ lỗi cho tỉnh và các ngành chức năng chậm xác định giá đất nhưng đến khi UBND tỉnh quyết xong giá thì chủ đầu tư lại tìm cách "né" và chưa chịu trả tiền cho hàng trăm hộ dân

Ông Lê Hữu Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bình bảo rằng, cấp ủy, chính quyền và người dân chúng tôi cũng hiểu và thông cảm cho nhà đầu tư, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Đầu tháng 6/2012, UBND thành phố có quyết định thu hồi hơn 56,15 ha đất của 213 hộ dân thuộc 4 xóm (Bình Minh, Xóm Mới, Bình Yên và Bình Lý), trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 34,22 ha (chủ yếu đất 2 lúa). Ngày 12/6/2012, thành phố ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường với tổng kinh phí 59,23 tỷ đồng (làm tròn), nhưng từ đó đến nay gần 6 tháng rồi người dân vẫn chưa nhận được một đồng. Vụ hè thu không cho sản xuất buộc người dân đổ xô đi tìm việc khắp nơi, làm đủ nghề nhưng ăn thua gì. Có ruộng dân khổ tí nhưng không đói, chứ như hiện nay không biết đến mùa giáp hạt tới có còn gạo ăn nữa…

"Chúng tôi làm cán bộ, Nhà nước chậm lương một tháng đã vất vả rồi, huống gì người dân chờ suốt mấy tháng liền. Nhà đầu tư khó khăn gì cũng phải tìm cách tháo gỡ cho dân. Đằng này, không một văn bản, không một lời giải thích. Như thế là thiếu văn hóa. Nhà đầu tư đang nợ người dân Thạch Bình một lời xin lỗi!", ông Sơn bộc trực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast