Tối nay “siêu trăng" xuất hiện lần hai: có nên lo lắng?

Tối nay, 17/4, khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất vào khoảng 358.090 km, xa hơn so với “siêu Mặt trăng” hôm 19/3/2011 chỉ 1.513km. Đây là lần thứ hai siêu mặt trăng xuất hiện trong năm 2011.

Vài ngày trước, Đài khí tượng Tử Kim Sơn của Viện Khoa học Trung Quốc đã đưa ra thông tin, lúc 2 giờ chiều (giờ Bắc Kinh) ngày 17/4/2011, sẽ xuất hiện hiện tượng siêu mặt trăng. Và tại Việt Nam, người dân cũng hoàn toàn có thể được chứng kiến sự kiện này.

Cách đây đúng 4 tuần, ngày 19/3, "siêu mặt trăng" đã lớn hơn 14% và sáng hơn khoảng 30%. Trong đêm rằm, nhiều người dân dù không biết đến "siêu Mặt trăng" nhưng cũng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy trăng sáng một cách kỳ lạ.

Còn tối nay, đúng ngày rằm, mặt trăng sẽ lớn hơn khoảng 10% và sáng hơn khoảng 20%. Độ lớn và sáng này không bằng "siêu Mặt trăng" lần trước do thời điểm này Mặt trăng không sát Trái đất như ngày 19/3.

Hình ảnh của siêu mặt trăng xuất hiện hôm 19/3. (ảnh Internet)

Hình ảnh của siêu mặt trăng xuất hiện hôm 19/3. (ảnh Internet)

Hiện tượng chưa đầy một tháng xuất hiện hai lần siêu mặt trăng được cho là hiếm thấy. Người ta đã từng thống kê, mỗi khi có hiện tượng siêu mặt trăng xuất hiện, trước đó hay sau đó sẽ có đại họa xảy ra. Chẳng hạn như năm 1955, 1974, 1992, 2005 và 2011 đều có hiện tượng siêu mặt trăng xuất hiện và những năm đó đều có thiên tai như núi lửa, động đất, sóng thần…

Ví dụ đúng dịp Noel năm 1974, thành phố Darwin (Úc) bị cơn lốc đánh tàn, trở nên hoang tàn, tiêu điều. Năm 2005, sóng thần ở Indonesia khiến hơn hàng trăm ngàn người chết. Năm 2011 thế giới lại một lần chứng kiến thảm hoạ kép sóng thần, động đất liên tiếp xảy ra ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, mặt trăng là vệ tinh của trái đất, quay xung quanh trái đất, thỉnh thoảng lại có điểm cực cận và điểm cực viễn. Tại cực cận thì gần trái đất hơn và người ta ở trên trái đất sẽ nhìn thấy mặt trăng to hơn chứ mặt trăng chỉ có một, không có siêu trăng nào cả.

Xưa nay có cả triệu lần mặt trăng đến gần trái đất rồi, có gì đáng sợ đâu. Còn sự liên hệ với những tai họa (nếu có) trên trái đất chỉ là những suy đoán tùy tiện. Trận động đất, sóng thần vừa qua ở Nhật Bản xảy ra trước "siêu trăng" cả tuần. Làm sao mà sự việc xảy ra sau lại là nguyên nhân của cái xảy ra trước được. Vì vậy, chẳng có gì phải sợ siêu mặt trăng cả.

Được biết, hiện tượng siêu mặt trăng xảy ra vào ngày hôm nay sẽ bắt đầu từ 18 giờ 37 phút và kết thúc vào lúc 5 giờ 22 sáng ngày hôm sau. Giờ xem hiện tượng siêu mặt trăng tốt nhất cho lần này tại Việt Nam là 23 giờ 20 phút ngày 17/4. Khi ấy, mặt trăng sẽ gần trái đất nhất, và từ trái đất sẽ thấy được mặt trăng sáng nhất và to nhất.

Theo các nhà khoa học, trong những năm tới, siêu mặt trăng sẽ xuất hiện trong những ngày sau: 14/11/2016, 2/1/2018, 21/1/2023, 25/11/2034 và 13/1/2036.

Theo VnMedia.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast